[BizChart] Thị trường săm lốp Việt Nam: Ngoại căng, nội lép?
Săm lốp là ngành gắn bó mật thiết với công nghiệp ô tô, xe máy và công nghiệp cao su Việt Nam. Những chính sách và quy định mới của ngành ô tô cũng như diễn biến giá cả cao su đều ảnh hưởng đến cung cầu của thị trường săm lốp trong giai đoạn sắp tới.
Niềm vui ngoài mặt
Xe bán chạy, săm lốp cũng đắt hàng
8 tháng đầu năm 2014 ghi nhận doanh số bán ô tô tăng trưởng ấn tượng, 35% so với cùng kỳ năm 2013 (theo số liệu từ VAMA). Đây không chỉ là tin mừng cho các doanh nghiệp ô tô, mà còn là tín hiệu vui của các nhà sản xuất lốp xe ở Việt Nam, đặc biệt với lộ trình giảm thuế nhập khẩu ô tô từ nay đến năm 2018 về mức 0%.
Chưa kể, tiềm năng phát triển của thị trường ô tô trong nước còn rất dồi dào. Nếu so sánh về tỷ lệ ô tô trên 1.000 dân, tỷ lệ này của Việt Nam vào khoảng 53 vào năm 2013, trong khi đó, tỷ lệ này ở các nước lân cận cao hơn đáng kể, như Thái Lan là 172, Indonesia là 69 và Malaysia là 379.
Thuế nhập khẩu là một trong những chướng ngại to lớn nhất đối với triển vọng tăng trưởng của ngành ô tô và phụ tùng trong nước. Ngành công nghiệp phụ tùng và ô tô cỡ nhỏ sẽ hưởng lợi lớn từ việc cắt giảm thuế suất nhập khẩu xe hơi. Bởi vậy, nhu cầu lốp xe ô tô trong nước được dự đoán sẽ tăng đáng kể trong trung hạn do việc cắt giảm thuế nhập khẩu ô tô.
Theo VRG, sản lượng sản xuất nội địa trong năm 2013 là 23,3 triệu lốp xe đạp, trên 30 triệu lốp xe máy và khoảng 5,3 triệu lốp ô tô. Cần chú ý thêm rằng, trong ngành săm lốp, săm lốp ô tô tuy không nhiều về số lượng nhưng về giá trị thị trường chiếm đến trên 50%, săm lốp xe máy vào khoảng 42% giá trị, còn lại là săm lốp xe đạp.
Tải trọng bị kiểm soát, cầu xe tải sẽ tăng
Bên cạnh lộ trình giảm thuế suất nhập khẩu, một yếu tố khác ảnh hưởng đến ngành săm lốp là quy định về giới hạn tải trọng xe tải nặng mới được ban hành trong năm nay.
Cụ thể, vào tháng 4/2014, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Công văn 3703/BGTVT-VT hướng dẫn để các đơn vị trực thuộc đưa ra quy trình kiểm soát bổ sung đối với xe có tải trọng vượt quá tải trọng cho phép. Để duy trì công suất hoạt động ổn định, các công ty vận tải sẽ phải mua thêm xe tải.
Theo ước tính, số lượng xe tải nhẹ và xe tải nặng hiện đang sử dụng là 732.000 xe. Về lý thuyết, chính sách này sẽ đòi hỏi sự gia tăng lượng xe tải lên gấp 1,5 - 2 lần. Từ đó, nhu cầu lốp xe tải thay thế cũng tăng lên thêm hơn 2 triệu đơn vị.
Tuy nhiên, tác động thực sự của chính sách này có thể sẽ không đáng kể và ảnh hưởng đến cầu lốp xe nội địa, trong ngắn hạn vẫn khó có thể xác định tại thời điểm hiện tại.
Giá cao su giảm, các hãng săm lốp hưởng lợi
Nguyên liệu sử dụng trong quá trình sản xuất lốp xe rất đa dạng bao gồm cao su, than đen, sợi ni lông, thép tanh và các hóa chất khác. Cao su là nguyên liệu quan trọng nhất, chiếm 57% chi phí nguyên vật liệu, trong đó 34% là cao su tự nhiên và 23% là cao su tổng hợp. Trong khi cao su tự nhiên được mua từ các nhà cung ứng trong nước thì hầu hết các nguyên liệc khác đều phải nhập khẩu.
Bởi vậy, chi phí đầu vào của ngành săm lốp bị ảnh hưởng khá lớn từ giá cao su tự nhiên. Biên lợi nhuận gộp của sản xuất săm lốp xe vì thế mà cũng phụ thuộc vào giá cao su.
Theo dự báo của IRSG thì cung cao su thế giới sẽ tiếp tục dư thừa trong 3 năm tới, ở mức 652.000 tấn vào cuối năm 2014, 483.000 tấn và 316.000 tấn trong năm 2015 và 2016.
Tình hình dư thừa cung trên toàn thế giới đã có ảnh hưởng đáng kể đến ngành cao su Việt Nam. Thực tế, các số liệu thống kê của VRG cho thấy, giá cao su tự nhiên SVR10 trung bình 9 tháng đầu năm đã giảm trên 30% so với năm trước.
Trong 7 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu cao su quốc gia đã giảm 10% về lượng và 32% về giá trị. Do đó, các ngành công nghiệp sử dụng cao su tự nhiên làm nguyên liệu đầu vào như ngành sản xuất lốp xe sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ xu hướng giảm giá này.
Nỗi buồn bên trong
Phân khúc lốp Radial bán thép thống trị bởi các nhà sản xuất nước ngoài
Theo ước tính của công ty chứng khoán Bảo Việt vào cuối năm 2013, giá trị thị trường săm lốp nội địa vào khoảng 17.890 tỷ đồng hoặc tương đương 852 triệu USD, tăng 7% so với mức ước tính gần nhất trong năm 2012. Theo báo cáo của MarketLine thì so với quy mô của thị trường lốp xe toàn cầu, Việt Nam chỉ chiếm một thị phần nhỏ là 0,7%.
Dựa trên tỷ lệ doanh số hàng năm trên tổng giá trị thị trường trong năm 2013, thị phần của Cao su Miền Nam (Casumina - CSM) khoảng 12,7% trong khi thị phần của Cao su Đà Nẵng (DRC) và của Cao su Sao Vàng (SRC) lần lượt là 14,1% và 4,9%.
Xét về từng phân khúc riêng, CSM chiếm ưu thế trong phân khúc lốp xe máy với 14% thị phần, trong khi DRC lại chuyên về phân khúc lốp Bias cho xe tải nặng hoặc lốp OTR với thị phần lần lượt là 13% và 90%.
Chỉ có CSM có thể sản xuất loại lốp Radial bán thép này nhưng công nghệ sản xuất của công ty khá lỗi thời và công suất năm ở mức 300.000 lốp thì tương đối khiêm tốn nếu so với mức công suất năm 5 triệu lốp của Kumho và 17 triệu lốp của Bridgestone.
Chính bởi các công ty nội như CSM, DRC và SRC không có thế mạnh về phân khúc lốp dành cho xe cỡ nhỏ và xe khách (phân khúc mà chủ yếu sử dụng lốp Radial) nên mỗi công ty chỉ chiếm một thị phần chung khá khiêm tốn. Phân khúc lốp Radial bán thép cho ô tô cỡ nhỏ được thống trị bởi các nhà sản xuất nước ngoài.
70% doanh thu xuất khẩu "chảy vào túi" doanh nghiệp FDI
Kênh tiêu thụ chính của Cao su Miền Nam, Cao su Đà Nẵng và Cao su Sao Vàng là thị trường nội địa, ước tính chiếm 81% doanh thu, doanh thu xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 19%. Trong thị trường nội địa, nhu cầu lốp thay thế chiếm tỷ trọng lớn gần 86% nhu cầu lốp nội địa hàng năm trong khi nhu cầu lốp OEM chỉ ở mức 14%.
Theo VRG, năm 2010 là một mốc lịch sử quan trọng của ngành công nghiệp lốp xe Việt Nam khi xuất khẩu lốp cả nước lần đầu tiên vượt mức nhập khẩu, tương đương với một khoảng thặng dư trên 20 triệu USD.
Vào cuối năm 2013, xuất khẩu lốp xe đã đạt 340 triệu USD với một danh mục thị trường xuất khẩu đa dạng gồm 137 quốc gia.
Về giá trị xuất khẩu, Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lốp xe lớn nhất của Việt Nam với giá trị xuất khẩu là 78,1triệu USD, chủ yếu xuất khẩu lốp xe hơi và xe tải. Brazil là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 khi có khối lượng xuất khẩu trên 2,3 triệu lốp, phần lớn là lốp xe đạp và xe máy. Theo nhóm sản phẩm xuất khẩu thì Việt Nam đã xuất khẩu 9,6 triệu lốp xe đạp, 8 triệu lốp xe máy và khoảng 3,6 triệu lốp ô tô.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất nội địa vẫn chưa khai thác triệt để các thị trường xuất khẩu. Vào cuối năm 2013, 3 công ty sản xuất lốp xe nội địa nói trên chỉ chiếm 12,8% trong tổng doanh thu xuất khẩu trong khi các công ty FDI như Kumho, Kenda và Chính Tân đã chiếm phần lớn tổng doanh thu, khoảng 70%.
(Các số liệu sử dụng trong bài viết tham khảo từ VAMA và công ty Chứng khoán Bảo Việt).
K.Anh