Bill Ackman gặp cảnh "gậy ông đập lưng ông" trong cuộc chiến bán khống
Andrew Left đến từ Citron Research vừa cáo buộc Valeant Pharmaceuticals International - công ty dược phẩm có Ackman là một cổ đông lớn - đang gian lận tài chính và sẽ sớm sụp đổ giống như tập đoàn năng lượng Enron trong quá khứ.
Lâu nay tỷ phú và cũng là ông trùm quỹ đầu cơ Bill Ackman vẫn luôn kêu ca rằng công ty thực phẩm chức năng Herbalife là một mô hình kim tự tháp và sẽ sớm sụp đổ. Bán khống cổ phiếu Herbalife đã trở thành một cuộc chiến đắt đỏ của giới đầu cơ.
Sau thông tin này, cổ phiếu Valeant đã lao dốc rất mạnh. Left là chuyên gia bán khống và đã khiến phố Wall phải nghe theo lời cảnh báo của ông, giống hệt như những gì Ackman đã làm trong chiến dịch tấn công Herbalife.
Mặc dù đây là cuộc chiến không cân xứng – Ackman điều hành một quỹ đầu cơ nổi tiếng trong khi Left đến từ một công ty nghiên cứu ít tiếng tăm hơn, diễn biến của cổ phiếu Valeant cho thấy các nhà bán khống có thể thu hút sự chú ý của thị trường và khiến nhà đầu tư quay lưng lại với công ty nhanh như thế nào.
“Nếu trên thế gian này có một người mà tôi không hề cảm thấy thương tiếc, đó chính là Bill Ackman,” Left (45 tuổi) nói với Bloomberg. “Nếu tôi có thể đổi tài khoản cho ngân hàng của mình cho ông ấy, tôi sẽ đóng tài khoản ngay ngày mai. Ackman là một nhà quản lý quỹ luôn mua đi bán lại… đôi lúc bạn có thể thắng nhưng cũng có lúc bạn thua”.
Giả định rằng quỹ Pershing Square Capital Management của Ackman không thay đổi danh mục kể từ cuối quý II, ông đã mất 2,8 tỷ USD vì cổ phiếu Valeant. Cổ phiếu này đã giảm tổng cộng 55% so với mức đỉnh 263,81 USD được lập hôm 6/8.
Nhiều người chưa từng nghe đến cái tên Citron Research cho đến ngày hôm qua. Khoảng 10h sáng ngày 21/10, công ty này công bố một nghiên cứu cho thấy Valeant đã thổi phồng các con số về doanh thu của hãng. Cổ phiếu của công ty có trụ sở tại Laval, Quebec đã giảm tới 40%, khiến các quỹ đầu cơ sở hữu cổ phiếu này mất hàng tỷ USD.
Valeant ngay lập tức đưa ra thông báo khẳng định nghiên cứu của Citron là không chính xác. Valeant không hề ghi nhận lợi tức từ số hàng tồn kho đang được giữ tại các hiệu thuốc đặc biệt mà báo cáo của Citron đã nhắc đến. Citron đã đi đến những kết luận không chính xác, thiếu căn cứ.
Những “kẻ thù” cũ của Ackman nhìn thấy một sự mỉa mai ở đây. Citron khẳng định Valeant đang sử dụng Philidor RX Services để gian lận trên báo cáo tài chính. Philidor RX Services là công ty dược phẩm hoạt động theo dạng specialty pharmacy – một mô hình kinh doanh đang nổi lên trong ngành dược. Vì chỉ tập trung vào các loại thuốc đặc trị có chi phí sản xuất cao và giá thành cao (thường là hơn 500 USD mỗi liều hoặc phác đồ điều trị nhiều hơn 6.000 USD mỗi năm), mô hình này khác biệt so với truyền thống trong việc tác động nhiều đến khía cạnh chăm sóc bệnh nhân và quản lý bệnh. Vì quy trình đặc biệt như vậy mà cách ghi nhận doanh thu cũng sẽ khác so với thông thường. Tuy nhiên Citron cho rằng đây chính là kẽ hở để Valeant gian lận.
Quay trở lại vụ Herbalife, lập luận quan trọng nhất mà Ackman đưa ra là công ty này ghi nhận doanh thu không phải từ người tiêu dùng mà từ một mạng lưới các nhà phân phối độc lập. Ackman cũng đã lấy vụ phá sản của Enron làm ví dụ.
Ackman đã từ chối bình luận về Left hay Herbalife. Trong một email gửi tới Bloomberg, ông cho biết hôm qua khi cổ phiếu Valeant lao dốc ông đã mua vào 2 triệu cổ. Phát biểu hôm 6/10 tại hội nghị vinh danh những người có ảnh hưởng lớn nhất đến thị trường tài chính quốc tế do Bloomberg tổ chức, Ackman đã hết lời ca ngợi những công ty dược. Theo ông, các công ty này luôn lấy lợi nhuận đầu tư vào nghiên cứu hoặc các thương vụ M&A, đem lợi ích về cho nhà đầu tư và sản xuất ra những sản phẩm tiên tiến.
Trong khi đó, Left không hề cảm thấy phải dè chừng vì những lùm xùm trong quá khứ. Thậm chí trên website của ông còn có một mục tựa đề “Bởi vậy bạn muốn kiện Citron Research."
Kể từ năm 2009 đến nay, Citron đã thực hiện tổng cộng 51 chiến dịch tấn công vào các công ty thuộc chỉ số S&P 500 và một vài công ty Trung Quốc. Các công ty này bị buộc tội đi theo mô hình kim tự tháp, đưa ra thị trường các sản phẩm chất lượng kém và cả gian lận báo cáo tài chính. Tính trung bình cổ phiếu của các công ty này giảm 8,5% trong vòng 1 tuần và 18,1% trong vòng 1 năm sau khi bị tấn công.