Didi Kuaidi – thế lực mới khiến Uber phải 'khiếp sợ'

22/10/2015 14:05 PM | Kinh doanh

Thương vụ sáp nhập giữa Didi và Kuaidi thông qua cái bắt tay giữa hai gã khổng lồ Alibaba và Tencent đã mở ra một bước ngoặt mới trên thị trường taxi Trung Quốc, đánh thẳng vào tham vọng chiếm lĩnh thị phần của Uber tại quốc gia đông dân nhất thế giới.

Khởi nguồn từ một ứng dụng mang tên Didi Dache của Cheng Wei, một cựu nhân viên của Alibaba, công ty này cung cấp dịch vụ gọi taxi, sau đó phát triển một trong những mạng lưới vận tải một cửa lớn nhất thế giới, cung cấp cùng lúc nhiều phương tiện vận tải như taxi, đi chung xe, xe bus và dịch vụ tài xế.

Vào thời điểm ban đầu mọi chuyện không hề dễ dàng với cả Cheng Wei và Didi Dache. Cheng và đội ngũ của mình đã dành tới 40 ngày ròng rã tại các sân bay và ga xe lửa trong thời tiết giá lạnh chỉ để có được những chuyến xe taxi đầu tiên cho công ty của mình.


Cheng Wei - nhà sáng lập và CEO của Didi Kuaidi

Cheng Wei - nhà sáng lập và CEO của Didi Kuaidi

Cơn bão tuyết vào tháng 11 năm 2012 tại Bắc Kinh, nơi hàng dài các hành khách bị mắc kẹt trong vô vọng vì không có chiếc taxi nào đã khiến ứng dụng Didi Dache trở nên nổi tiếng. Ngay lập tức, Cheng nhận được một khoản đầu tư 15 triệu USD từ công ty internet khổng lồ Tencent, giúp Didi bật lên trong thị trường hỗn loạn. Đến năm 2014, chỉ có một đối thủ cạnh tranh xứng đáng và ngang tầm với Didi Dache: công ty được Alibaba hậu thuẫn – Kuaidi Dache.

Tuy nhiên, việc hợp tác giữa hai địch thủ Alibaba và Tencent đã biến Didi và Kuaidi hợp thành một và trở thành thế lực lớn đe dọa đến Uber, đặc biệt tại thị trường Trung Quốc. Didi Kuaidi cung cấp các dịch vụ liên quan đến việc gọi taxi và chia sẻ xe, nhằm đối đầu trực tiếp với Uber. Lợi thế sân nhà khiến Didi Kuaidi có mặt tại ít nhất 360 thành phố của Trung Quốc, nhiều hơn 20 thành phố so với Uber.

Theo hãng nghiên cứu thị trường Analysys International, đến cuối tháng 6/2015, Didi Kuaidi chiếm hơn 80% thị phần chia sẻ xe tại Trung Quốc tính theo số lượt đi, trong khi Uber chỉ chiếm 15%.

Những động thái mới đây của Didi Kuaidi còn khiến Uber lo ngại hơn khi công ty này quyết định đầu tư vào hàng loạt các đối thủ cạnh tranh lớn nhất của dịch vụ chia sẻ xe đến từ Mỹ nhằm cô lập hãng này một cách nhanh nhất.

Trong đợt huy động vốn vào tháng 5, với sự hậu thuẫn của Alibaba Group Holding Ltd và Tencent Holdings Ltd., Didi Kuadi đã đầu tư thành công vào công ty đối thủ mạnh nhất hiện tại của Uber trên thị trường taxi Mỹ là Lyft Inc., theo nguồn tin thân cận. Con số cụ thể được tiết lộ lên tới 100 triệu USD.


Những chiếc xe của Lyft với logo ria hồng nổi bật

Những chiếc xe của Lyft với logo ria hồng nổi bật

Bằng cách đầu tư vào đầu đối thủ cạnh tranh của Uber tại Mỹ, Didi Kuaidi và hai gã khổng lồ về internet của Trung Quốc đang thúc đẩy kế hoạch đe dọa Uber tại chính thị trường quê nhà của hãng. Trong khi đó, bản thân Uber cũng đầy tham vọng khi đã kêu gọi được 1 tỷ USD để tấn công vào thị trường khổng lồ Trung Quốc và mở rộng mạng lưới tới hơn 100 thành phố tại đây.

CEO của Uber Technologies, Travis Kalanick thậm chí tỏ ra vô cùng tự tin khi tuyên bố rằng: “Hơn bất cứ nơi nào khác, Trung Quốc cần chúng tôi”, trong khi trên thực tế, kẻ thống trị thị trường xe taxi tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới lại là Didi Kuaidi với 82% thị phần.

Hiện tại, Didi Kuaidi đang phục vụ tới 200 triệu người ở Trung Quốc với 7.000.000 lượt xe hàng ngày. Hãng tuyên bố sẽ đẩy mức thị phần của mình tại quê hương lên mức 99% cho dịch vụ taxi và 82% cho các dịch vụ xe cá nhân.

Dường như đối với Didi Kuaidi, Lyft Inc, là chưa đủ. Hai thương vụ tiếp theo của hãng tỏ rõ ý định bành trướng sức mạnh ra toàn châu Á. Didi Kuaidi không ngại ngần rót số vốn 350 triệu USD cho GrabTaxi, đối thủ lớn nhất của Uber tại thị trường Đông Nam Á và mới đây nhất vào ngày 27 tháng 9, công ty của Trung Quốc đã xác nhận việc đầu tư vào Ola – dịch vụ tương tự tại Ấn Độ.

Phát ngôn viên của Didi Kuaidi từ chối tiết lộ thông tin về số tiền được đầu tư nhưng theo tờ Times của Ấn Độ, báo cáo của Didi đã đưa ra khoản vốn 30 triệu USD, và đây có lẽ chưa phải là con số cuối cùng.

Giải thích cho phi vụ đầu tư mới nhất, đại diện của công ty Didi Kuaidi cho biết: “Chúng tôi tin tưởng vào tiềm năng của thị trường nơi đây, khi mà cả Ấn Độ đang dần trở thành một nền kinh tế phát triển tại châu Á, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ”. Đáp lại kế hoạch này của Didi Kuaidi, Uber cũng cam kết sẽ rót 1 tỷ USD vào thị trường Ấn Độ trong quý I năm 2016.

Tại cuộc chiến về mặt pháp lý, Didi hiện đang dẫn trước Uber một bước với giấy phép của thành phố Thượng Hải cấp ngày 8/10 nhờ lợi thế là công ty nội địa và sự hậu thuẫn từ hai người khổng lồ Alibaba và Tencent. Còn Uber hiện vẫn đang bất hợp pháp cho dù xét về “tiền án tiền sự” thì hai công ty này chẳng hề kém cạnh nhau.

Theo Tân Hoa Xã, hơn 170 tài xế Uber và 1.200 tài xế Didi Kuaidi đã bị xử phạt trong năm nay và hai công ty đã chịu những khoản phạt trên. Chính quyền thành phố Bắc Kinh thể hiện sự ưu tiên cho dịch vụ giao thông công cộng, nhưng cả hai công ty đều cam kết rằng ứng dụng chia sẻ của họ có thể giải quyết tình trạng kẹt xe.

Bên phía Uber, CEO Kalanick đã đến thăm Trung Quốc và quyết định đặt trung tâm dữ liệu của Uber Trung Quốc ngay tại nước này, dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh nhằm tìm kiếm một thái độ nhẹ nhàng hơn từ chính quyền. Uber cũng tuyển dụng nhiều cựu công chức vào các vị trí quan trọng, bao gồm Huang Xue - Giám đốc Cục Quản Lý Nhà Nước về Phát Thanh, Điện Ảnh và Truyền Hình Trung Quốc.

Nhìn chung, cuộc chiến của Uber và Didi Kuaidi còn rất nhiều điều đáng bàn trong năm tới, đặc biệt với một công ty già dơ trong những sự vụ về pháp luật như Uber sẽ không ngồi yên khi chứng kiến Didi đạt được thị phần cũng như hậu thuẫn từ chính quyền như vậy.

Thư Anh

Cùng chuyên mục
XEM