Bao giờ tự chủ nguyên liệu da giày?

09/09/2014 10:26 AM |

Không thiếu thị trường, không thiếu đơn hàng, nhưng ngày càng nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất da giày buộc phải cắt giảm công suất, thậm chí đóng cửa.

Công ty CP Da Vinh – Nghệ An đã ngừng sản xuất giày da từ đầu năm ngoái do không đủ khả năng tài chính xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Ông Đào Thanh Sơn – Giám đốc Công ty CP Da Vinh, cho hay: “Bây giờ, toàn bộ máy móc đã bán đi, nhà xưởng được cải tạo lại để làm thương mại”. Đó chỉ là một ví dụ, rồi đây sẽ còn có DN khác nối bước nếu tình hình không có gì thay đổi.

Chật vật tìm điểm đầu tư

Ngành da giày Việt Nam thiếu các dự án lớn sản xuất da thuộc và chỉ nhuộm. Nhưng từ năm 2008 đến nay không có đầu tư mới, hầu hết các địa phương đều “từ chối khéo” các dự án lĩnh vực thuộc da, bởi lo ngại ô nhiễm môi trường. Hiện nay, duy nhất tỉnh Tiền Giang kêu gọi đầu tư vào ngành thuộc da, nhưng chỉ ưu tiên thuộc da cá sấu.

Sau hai năm khảo sát tìm địa điểm đặt nhà máy sản xuất da thuộc tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, ông Bùi Văn Đức, Chủ tịch HĐQT, Công ty CP Da Giày Sagoda, cho hay: “Long An đã đồng ý nhưng giá rất cao, 70-85 USD/m2 cho 47 năm”. Đáp ứng nhu cầu nguyên liệu của DN, Sagoda cần trên 4ha đất cộng với đầu tư công nghệ xử lý nước thải khoảng 5 triệu USD. Ông Đức nói: “Chưa thể làm ngay bởi suất đầu tư quá lớn so với khả năng”.

Tổng sản lượng da nguyên liệu đáp ứng cho nhu cầu sản xuất và xuất khẩu, Hiệp hội Da giày Việt Nam ước tính từ 220-250 ngàn tấn/năm. Tuy nhiên, sản lượng da thuộc nội địa chỉ đáp ứng được 30%, còn lại phải nhập từ Hàn Quốc, Ý, Thái Lan… Da nguyên liệu nhập từ Trung Quốc không nhiều, chỉ khoảng 7% cho sản xuất tiêu dùng nội địa. Song với mức tăng kim ngạch ngành sản xuất giày dép, đồ da đạt tốc độ trung bình 10 – 15%/năm, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày Việt Nam, lo lắng: “Năng lực đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sẽ tiếp tục giảm xuống, nếu không đầu tư mới hoặc mở rộng sản xuất lĩnh vực da thuộc”.

Xuất khẩu hộ

Việt Nam nhập khẩu ngày càng nhiều nguyên liệu da giày, xu hướng này rõ rệt hơn kể từ khi ta hội nhập sâu hơn, xuất khẩu nhiều hơn. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu giày dép các loại đạt 8,3 tỉ USD, trong đó, nhập khẩu 827 triệu USD, tăng 49% so với năm 2012.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, cho là phần nhập khẩu này đi kèm giá trị gia tăng sản xuất trong nước nên không khẳng định được năng lực của Việt Nam, nghĩa là làm được đến đâu, bán ra thị trường đến đấy. Như thế Việt Nam sẽ “lệ thuộc sâu hơn” bởi vị thế yếu trên thị trường thế giới, trong khi cơ cấu thương mại và sản xuất chậm thay đổi, tụt hậu hơn so với các nước khác. Một phần lỗi ở đây là do DN không chịu thay đổi, vẫn hài lòng với tình trạng gia công.

Việt Nam sẽ tham gia các khu vực thương mại tự do, thuế bình quân giảm từ 15 – 17% xuống 0% thực sự là cơ hội để ngành da giày thúc đẩy xuất khẩu, với khả năng cạnh tranh tốt hơn. Tất nhiên, cùng với các ưu đãi, các hiệp định thương mại FTA đều khuyến khích phát triển sản xuất và chuỗi cung ứng nội khối, tránh đem lại lợi ích cho các nước không phải thành viên.

Do đó, nguyên phụ liệu phải được sản xuất tại một nước thành viên hoặc nhập từ các nước trong khu vực thương mại tự do. Đón bắt xu thế này, một số doanh nghiệp da giày của Ý, Tây Ban Nha, Đài Loan, Trung Quốc… đã đến Việt Nam tìm cơ hội đầu tư. Thêm vào đó, chính sách của các nhãn hàng lớn như Nike, adidas… gần đây đã thay đổi chủ trương nội địa hóa, thay vì nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất như trước đây.

Như vậy, Việt Nam không còn cách nào khác là phải phát triển nguồn nguyên phụ liệu trong nước, chủ động thay đổi chuỗi cung ứng hiện tại để sản xuất xuất khẩu. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế hiện nay, ngành da giày đang đứng trước ngã ba đường. Những vấn đề của ngành da giày được đặt ra từ quy hoạch năm 2000-2010, tầm nhìn 2015, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được. Chẳng hạn như, Việt Nam cũng chưa có quy hoạch tổng thể phát triển ngành thuộc da gắn với chăn nuôi lớn, chủ trương lập hai khu công nghiệp chung ở hai miền Nam và Bắc, chuyên sản xuất nguyên liệu da giày, có nhà máy xử lý nước thải… cũng chưa được thực hiện.

 Hiện cả nước có 35 DN thuộc da. Các cơ sở thuộc da quốc doanh hàng đầu đã đóng cửa hoặc cổ phần hóa do quản lý, tiếp thị và đầu tư yếu kém, chỉ còn hai DN hoạt động. DN tư nhân chiếm 62% số nhà máy thuộc da, nhưng do quy mô nhỏ nên chỉ chiếm một phần thấp trong tổng sản lượng thuộc da tại Việt Nam. 


Lợi thế nghiêng về các doanh nghiệp FDI của Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc. Các DN này đã nhập da đã qua xử lý thay vì da nguyên liệu để sản xuất nên ít gây ô nhiễm hơn. Ngoài ra, các DN FDI này xây dựng các nhà máy thuộc da tại Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, nơi tập trung các nhà máy sản xuất giày dép lớn tại Việt Nam.


Theo Vân Nguyễn

thuyntt

Cùng chuyên mục
XEM