Tổng quan tình hình xuất khẩu giày dép của Việt Nam trong năm 2012
Giày dép các loại luôn là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam ra thị trường thế giới trong nhiều năm gần đây.
Số liệu Thống kê Hải quan cho thấy trong năm 2012 xuất khẩu nhóm hàng này xác lập ngưỡng kỷ lục đạt 7,26 tỷ USD, tăng 10,9 % (tương ứng tăng 713 triệu USD về số tuyệt đối) so với năm 2011. Xuất khẩu ngành hàng này chiếm tỷ trọng 6,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu tất cả các mặt hàng của cả nước trong năm 2012.
Biểu đồ 1: Kim ngạch và tốc độ tăng giảm xuất khẩu giầy dép của Việt Nam giai đoạn năm 2006-2012
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Từ nhiều năm qua, hàng giày dép của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu theo phương thức nhận nguyên liệu gia công cho thương nhân nước ngoài (xuất gia công) và xuất hàng sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu (xuất sản xuất xuất khẩu).
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy trong năm 2012 tỷ trọng hai loại hình này chiếm hơn 97% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước; trong đó, xuất theo hình thức gia công chiếm 52,7%, xuất theo hình thức sản xuất xuất khẩu chiếm 44,6%.
Biểu đồ 2: Tỷ trọng xuất khẩu theo các loại hình của hàng giày dép năm 2012
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Cũng theo số liệu Thống kê Hải quan nhiều năm qua cho thấy, do tính thời vụ chu kỳ xuất khẩu của giày dép Việt Nam thường có tăng trưởng mạnh vào các tháng 5,6,7, 11 và 12; giảm sâu ở các tháng 2 và 9 hàng năm.
Tháng 12 có kim ngạch đạt mức kỷ lục với gần 740 triệu USD trong năm 2012, ngược lại tháng 9 kim ngạch thấp nhất trong năm với 462 triệu USD.
Biểu đồ 3: Kim ngạch xuất khẩu hàng giày dép các loại theo tháng giai đoạn 2008-2012
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Nếu phân theo loại hình kinh tế thì từ nhiều năm qua, xuất khẩu giày dép của khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm tỷ trọng lớn trên 70% trong tổng kim ngạch xuất khẩu giầy dép của cả nước. Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu giày dép của khối này đạt 5,56 tỷ USD, tăng 11,7% so với năm trước và chiếm tỷ trọng 76,6%. Trong khi đó, con số xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước chỉ là 1,7 tỷ USD, thấp hơn 3,86 tỷ USD so với doanh nghiệp FDI.
Biểu đồ 4 : Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước giai đoạn 2005-2012
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Trong năm 2012, Liên minh châu Âu (EU), Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Braxin là các đối tác lớn nhất nhập khẩu giầy dép củaViệt Nam.
Tổng kim ngạch cộng gộp hàng dệt may xuất sang 5 thị trường này đạt 5,77 tỷ USD, chiếm gần 80% trong tổng kim ngạch xuất khẩu giầy dép của cả nước.
Kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang các thị trường này trong năm qua đều đạt tốc độ tăng trưởng dương nhưng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng của năm trước.
Bảng1: Xuất khẩu hàng giày dép sang một số thị trường chính năm 2011 và năm 2012
Thị trường | Năm 2011 | Năm 2012 | ||
Kim ngạch (Triệu USD) | Tốc độ tăng so với năm trước (%) | Kim ngạch (Triệu USD) | Tốc độ tăng so với năm trước (%) | |
EU | 2.609 | 15,7 | 2.650 | 1,6 |
Hoa Kỳ | 1.908 | 35,5 | 2.243 | 17,6 |
Nhật Bản | 249 | 44,7 | 328 | 31,9 |
Trung Quốc | 253 | 63,0 | 301 | 19,1 |
Braxin | 182 | 43,8 | 249 | 37,3 |
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Trong đó, EU luôn là khu vực thị trường dẫn đầu về nhập khẩu giầy dép của Việt Nam với kim ngạch đạt 2,65 tỷ USD, chỉ tăng nhẹ 1,6% so với năm trước và chiếm 36,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu giầy dép của cả nước.
Trong số các nhóm hàng của Việt Nam xuất sang EU thì hàng giầy dép đứng thứ 2 với tỷ trọng chiếm 13,1% (sau hàng điện thoại các loại & linh kiện với tỷ trọng 27,9%).
Bảng 2: Số liệu thống kê xuất khẩu hàng giầy dép sang EU năm 2011-2012
Chỉ tiêu | Năm 2011 | Năm 2012 | |
Kim ngạch xuất khẩu hàng giầy dép sang EU (Tỷ USD) | (A) | 2,61 | 2,65 |
Kim ngạch xuất khẩu hàng giầy dép cả nước (Tỷ USD) | (B) | 6,55 | 7,26 |
Tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu giầy dép cả nước (%) | (C)=(A/B)*100 | 39,8 | 36,5 |
Tổng kim ngạch xuất khẩu sang EU (Tỷ USD) | (D) | 16,55 | 20,3 |
Tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước sang EU (%) | (E)=(A/D)*100 | 15,8 | 13,1 |
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Xuất khẩu giày dép sang 4 thị trường lớn là Hoa Kỳ (đạt 2,24 tỷ USD), Nhật Bản (đạt 328 triệu USD), Trung Quốc (đạt 301 triệu USD) và Braxin (đạt 249 triệu USD) đều có mức tăng cao hơn mức tăng chung (10,9%) của nhóm hàng này, lần lượt là 17,6%, 31,9%, 19,1% và 37,3%.
Trong năm qua, kim ngạch xuất khẩu giày dép sang các thị trường Cu ba, Ôxtrâylia, Ảrập – Xê út, Pê ru, Newzealand và Colombia tuy không nhiều về quy mô nhưng lại có mức tăng trưởng khá ấn tượng, đạt lần lượt là 107,3%; 38,1%; 35,1%; 45,9%; 41,8% và 58,9%.
Xuất khẩu giày dép các thị trường là các thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong năm qua cũng đạt mức tăng trưởng khả quan, đạt kim ngạch 111 triệu USD, tăng 14,2% so với năm trước. Hiện nay, trong ASEAN thì Singapore, Malaysia và Philippines là ba thị trường dẫn đầu về nhập khẩu giầy dép của Việt Nam với tỷ trọng trên 65%.
Chủng loại giầy dép của Việt Nam xuất ra thế giới chủ yếu là nhóm hàng giày dép có đế ngoài và mũ giầy bằng cao su hoặc plastic (Mã HS 64.02); giày dép có đế ngoài bằng cao su, plastic, da thuộc hoặc da tổng hợp và mũ giầy bằng da thuộc (HS 64.03); giày dép có đế ngoài bằng cao su, plastic, da thuộc hoặc da tổng hợp và mũ giầy bằng nguyên liệu dệt (HS 64.04).
Bảng 3 : Cơ cấu xuất khẩu hàng giày dép của Việt Nam năm 2012 theo mã HS
Stt | Mã HS | Trị giá (Triệu USD) | Tỷ trọng (%) |
1 | 6402 | 1.733 | 23,9 |
2 | 6403 | 3.245 | 44,7 |
3 | 6404 | 2.153 | 29,7 |
4 | 6405 | 122 | 1,7 |
5 | HS khác | 9 | 0,1 |
Tổng cộng | 7.262 | 100,0 |
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Trong mối tương quan giữa nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may da giày (nguyên phụ liệu đầu vào:vải, xơ sợi dệt các loại, bông các loại, nguyên phụ liệu) và xuất khẩu nhóm hàng dệt may và giày dép. Số liệu thống kê hải quan cho thấy càng ngày thặng dư thương mại giữa xuất khẩu hàng dệt may giày dép và nhập khẩu nguyên phụ liệu đầu vào của hai Ngành này càng tăng cao.
Biểu đồ 5 : Kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu ngành dệt may da giày và kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may & giầy dép
Đơn vị tính: Tỷ USD
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Cụ thể, năm 2004 con số thặng dư chỉ là 2,24 tỷ USD, bằng 48% kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng nguyên phụ liệu thô. Tuy nhiên đến năm 2011 thì con số này đã đạt 8,33 tỷ USD, gấp gần 4 lần so với năm 2004 và bằng 68%. Đến năm 2012, con số chênh lệch lên đến 9,87 tỷ USD, tăng 18,5% so với năm trước và bằng 79% kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng nguyên phụ liệu. Điều này một phần cho thấy ngành công nghiệp dệt may da giày của Việt Nam đã ngày càng tăng sản xuất nguyên liệu thô, hàng phụ trợ phục vụ sản xuất trong nước, giảm thiểu nhập khẩu, dần đáp ứng được nhu cầu của Ngành này.