Bán 30 cân muối mới đủ mua 1 cân gạo loại rẻ nhất
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do thời tiết thuận lợi nên sản lượng muối niên vụ 2015 tăng cao. Lượng muối tồn dư gần 500.000 tấn, kéo theo giá muối rớt thảm hại.
Giá muối giảm mạnh
Theo Sở NN&PTNT Ninh Thuận, tỉnh này hiện vẫn là “thủ phủ” muối của cả nước với diện tích 2.673 ha. Trong 4 tháng đầu năm, dù diện tích sản xuất muối của địa phương này tăng gần 300 ha, sản lượng đạt 137.000 tấn, tăng hơn 31.000 tấn so với cùng kỳ năm trước nhưng diêm dân vẫn không vui bởi muối rơi vào cảnh rớt giá thảm hại.
Theo một số diêm dân của huyện Ninh Hải, giá muối liên tục giảm mạnh trong thời gian qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của họ. Nếu như những tháng đầu năm muối có giá từ 900 đến 1.000 đồng/kg thì nay chỉ ở mức 500 đồng đến 550 đồng/kg, thậm chí có lúc giảm xuống còn 300 đồng/kg.
Nhiều diêm dân cay đắng nói rằng, với giá muối hiện nay họ phải bán 30 kg mới mua được 1 kg gạo loại rẻ nhất.
Theo tính toán của diêm dân, tiền bán muối thì ít, trong khi chi phí đầu tư sản xuất lại cao nên không dám thuê nhân công để làm, đành lấy công làm lãi. Cùng với việc thương lái ít mặn mà thu mua khiến muối sản xuất ra phải chất đống.
Theo nhận định của Phòng Nông nghiệp huyện Ninh Hải, thời gian gần đây do “cung vượt cầu” nên giá muối giảm là hiển nhiên. Hơn nữa, phần lớn muối của diêm dân được dùng để làm phụ liệu ướp thủy sản, trong khi đó mùa này việc đánh bắt hải sản không đạt như đầu năm nên việc tiêu thụ muối khó lại càng khó.
Đáng chú ý, theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, do sản lượng muối niên vụ 2015 tăng cao nên cân đối 4 tháng đầu năm tồn dư trên cả nước khoảng 490.000 tấn.
Giá muối giảm mạnh 250-400 đồng/kg, giảm mạnh nhất là tại vựa muối Ninh Thuận.
"Siết” nhập khẩu muối thương mại
Trước thực trạng khó khăn do được mùa mất giá, ảnh hưởng đến đời sống diêm dân, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ NN&PTNT chỉ đạo Tổng công ty Lương thực Miền Bắc (Vinafood 1) mua tạm trữ muối niên vụ 2015 của diêm dân; phải bảo đảm việc mua tạm trữ có tính đến sản lượng muối của từng địa phương và ưu tiên mua tạm trữ tại địa phương có muối tồn đọng lớn.
Để thực hiện nhiệm vụ này, Vinafood 1 được phép sử dụng nguồn vốn nhà nước tại công ty mẹ để mua tạm trữ muối niên vụ 2015. Theo đó, Tổng công ty có thể trực tiếp mua hoặc giao nhiệm vụ cho doanh nghiệp thành viên có chức năng kinh doanh muối thực hiện nhiệm vụ tạm trữ muối từ nguồn vốn nhà nước nêu trên.
“Việc mua tạm trữ muối thực hiện theo cơ chế thị trường và đảm bảo mục tiêu bình ổn giá muối trên thị trường, giúp người sản xuất tiêu thụ muối với giá có lợi. Tổng Công ty tự chịu trách nhiệm về tiêu thụ, hiệu quả kinh doanh và có trách nhiệm hoàn trả lại nguồn vốn nhà nước dùng để sử dụng vào mục tiêu dự trữ lưu thông sau khi tiêu thụ xong lượng muối tạm trữ.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo Bộ NN&PTNT xem xét, giải quyết; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ”, chỉ đạo của Phó Thủ tướng.
Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công Thương phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu muối năm 2015 theo đúng thời điểm để không ảnh hưởng đến việc tiêu thụ muối sản xuất trong nước; đồng thời tăng cường kiểm tra các doanh nghiệp được phân giao nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan, bảo đảm việc sử dụng muối nhập khẩu đúng mục đích và không trao đổi kinh doanh thương mại; chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất hóa chất ưu tiên sử dụng muối sản xuất trong nước.
Theo nhiều chuyên gia, việc kéo giá muối trong thời điểm này nhích lên là không đơn giản. Tuy nhiên, một số giải pháp mà lãnh đạo Chính phủ đưa ra để giải quyết lượng muối tồn đọng tại các địa phương là rất cần thiết. Bởi việc mua tạm trữ muối sẽ góp phần hỗ trợ tiêu thụ muối, giải quyết khó khăn cho diêm dân và ít nhiều sẽ góp phần bình ổn giá muối trong bối cảnh giá muối liên tục rớt thảm hại như hiện nay.