Nghề 'độc' ở đồng muối Sa Huỳnh
Với chiếc xe "địa hình" đặc biệt, luồn lách qua các những bờ ruộng muối nhỏ xíu, những người hành nghề chở muối thuê như những diễn viên xiếc thực thụ. Hằng ngày họ rong ruổi trên đồng muối để mưu sinh. Nghề thoạt nhìn đơn giản, nhưng thu nhập khá "khủng", họ có thể kiếm tiền triệu mỗi ngày.
Sở dĩ chúng tôi gọi nghề này là nghề "độc", bởi số lượng người làm nghề này đếm chưa hết 10 đầu ngón tay, và điều đặc biệt hơn phương tiện để hành nghề này có một không hai.
Nghề "hái" ra tiền
Trời vừa hửng sáng, trên đồng muối Sa Huỳnh ở xã Phổ Thạnh (Đức Phổ, Quảng Ngãi) đã rộn rã tiếng cười nói của diêm dân bắt đầu cho một ngày làm việc mới. Lẫn trong những diêm dân và những tiếng cười nói là những âm thanh "bạch bạch" quen thuộc phát ra từ những chiếc xe "chuyên dụng" của giới chở muối thuê. Lúc diêm dân ra đồng cũng là lúc những người chở muối thuê bắt đầu một ngày mưu sinh mới của mình.
Chuẩn bị bốc "chuyến hàng" đầu tiên, anh Trần Thanh Sang (40 tuổi) cười tươi rói: Mấy ngày nay trời thời tiết thuận lợi nên năng suất muối của bà con diêm dân tăng cao, tranh thủ những ngày này kiếm thêm thu nhập.
Anh Sang cho biết: Làm việc cả ngày từ sáng đến tối, bình quân mỗi ngày anh chở được từ 300-400 bao muối, thậm chí có ngày anh chở trên 500 bao muối. Tùy theo đoạn đường xa gần mà giá cả dao động từ 3.000-5.000 đồng/bao.
Với giá cả như thế, theo nhẩm tính của chúng tôi mỗi ngày anh Sang bỏ túi hơn 1 triệu đồng. Thấy chúng tôi có vẻ ngạc nhiên với thu nhập "khủng" từ nghề có vẻ đơn giản này, ông Nguyễn Sáu- một diêm dân đứng gần đó cười, cho biết: Ở đây ai làm nghề này cũng thu nhập tiền triệu mỗi ngày cả. Diêm dân chúng tôi còn lo giá muối lên xuống chứ họ thì không ảnh hưởng gì, vì giá cả chở muối thuê ổn định. Họ chỉ mong diêm dân sản xuất đạt năng suất để họ chở.
Chúng tôi thắc mắc, sao diêm dân mình không tự dùng xe máy để chở muối về nhà? Ông Sáu cho biết, để chở muối trên đi trên những bờ ruộng muối rất nhỏ đi không quen rất khó, với lại những người chở muối thuê họ chế những chiếc xe chở muối riêng, chứ diêm dân ngại dùng xe máy của mình để chở muối vì rất nhanh hư xe. Dù tốn chi phí không nhỏ để vận chuyển nhưng chúng tôi buộc phải thuê.
Để tìm hiểu về chiếc xe "địa hình" tự chế của những người chở muối thuê, tranh thủ lúc nghỉ ngơi của ông Nguyễn Hải Nam (50 tuổi) người được coi là có thâm niên nhất với nghề, chúng tôi lân la bắt chuyện.
Lau những giọt mồ hôi đang chảy ướt tấm áo, ông chuẩn bị tiếp thêm nhiên liệu cho xe để chuẩn bị chở những chuyến tiếp theo. "Nhìn thì như khung sắt di động, nhỏ gọn vậy thôi, chứ mạnh lắm đó. Mỗi lần chở vài trăm ký muối khỏe re"- ông Nam cho hay khi thấy chúng tôi có vẻ tò mò.
Ông Nam cho biết, chiếc xe này trước đây nguyên là chiếc xe tay ga của hãng Honda. Chúng tôi mua những chiếc xe cũ về tháo bỏ hết các phần bên ngoài chỉ giữ lại phần khung và máy, sau đó cải tiến lại máy cho mạnh. Cùng với đó, chúng tôi gắn thêm 1 tấm ván ở phía trước chỗ gác chân cho phù hợp với công việc chở muối.
"Ưu điểm của nghề này là không cần nhiều vốn, mỗi chiếc xe đầu tư chỉ khoảng vài chục triệu đồng. Nhờ nó làm "cần câu cơm" mà nhiều gia đình có nguồn thu nhập trang trải cuộc sống gia đình"- ông Nam phấn khởi
Qua tìm hiểu của chúng tôi, đồng muối Sa Huỳnh rộng gần 120ha với khoảng 870 hộ tham gia sản xuất nhưng số người làm nghề vận chuyển muối thuê chỉ khoảng 10 người, bởi vậy, cái tên của những người chở muối thuê như anh Sang, ông Nam... luôn được nhiều diêm dân nhớ đến.
Theo tiết lộ của một số người chở muối thuê, nếu thời tiết thuận lợi, mỗi tháng họ thu nhập không dưới 20 triệu đồng. Không như nghề làm muối, chỉ làm kéo dài trong mấy tháng nắng, nghề chở muối thuê có khi làm quanh năm, bởi trong những thời điểm không làm muối, diêm dân muốn vận chuyển muối từ điểm tập kết ra đường để chuyển đi bán, thì lực lượng chở muối thuê lại tất bật.
Không kém nhọc nhằn
Thế nhưng, để có mức thu nhập "khủng", mà theo nhiều diêm dân đó là niềm mơ ước này, chẳng phải dễ dàng gì.
Nốc ly trà đá, ông Nam tâm sự: “Làm nghề này phải có sức khỏe, Thấy vậy chứ vất vả lắm, nó bòn rút sức người ghê gớm, nhìn khỏe vậy thôi nhưng có khi bị lao lực rồi cũng nên. Khi nào mệt thì nghỉ một buổi, chứ không dám nghỉ dài vì sợ mất khách hàng".
Nghề này đòi hỏi phải có sức khỏe...
"Bình quân, mỗi ngày, mỗi người chở muối thuê phải phải vận chuyển hàng tấn muối rất nặng nhọc. Những ngày thời tiết thuận lợi còn đỡ, chứ ngày nào mà buổi chiều trời bắt đầu trở mưa, thì phải cố chở cho nhanh muối về điểm tập kết, nếu không muối mà gặp mưa thì xem như xong, mệt chừng nào cũng phải ráng. Những ngày đi làm về tới nhà là chân tay rã rời, đôi vai mệt mỏi"- ông Nam cho biết.
Với những người chở muối thuê, thì không có khái niệm về thời gian làm việc, bởi vì công việc phụ thuộc vào yêu cầu của diêm dân, bất kể ngày, hay đêm, khi nào diêm dân có nhu cầu chuyên chở muối là có mặt. Có khi diêm dân muốn vận chuyển số lượng muối lớn để đi bán, làm từ đêm khuya đến sáng sớm, ngày hôm sau lại tiếp tục làm việc là chuyện thường.
Những người làm nghề này gọi vui, đây là nghề “bán sức khoẻ". Dù công việc nặng nhọc, vất vả, phá sức nhưng họ vẫn chấp nhận chỉ vì mưu sinh. Không ít người thấy thu nhập hấp dẫn nên cũng theo nghề, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, không trụ nổi đành bỏ nghề.
...và cả sự khéo léo
Dưới cái nắng như thiêu đốt trên đồng muối, nhìn những người vận chở muối thuê oằn mình vác từng bao muối khá nặng nhọc chuyển lên xe, mồ hôi ướt đẫm, rồi khéo léo điều khiển xe men qua những bờ ruộng muối nhỏ xíu mới thấy được cái nặng nhọc của nghề.
Chính nỗi khổ nhọc từ nghề này, chúng tôi mới hiểu vì sao cái nghề có thu nhập hấp dẫn này lại "kén người" đến như vậy. Người làm nghề này phải trả giá rất lớn bằng sức khỏe của mình. Với họ, âu tất cả cũng vì tương lai tươi sáng cho con em của họ.
Theo Bảo Ngọc
Theo Quảng Ngãi Online
Copy link
Link bài gốc
Lấy link!