8 lời khuyên về tiền bạc của người kiếm được 500.000 USD mỗi năm ở tuổi 30
Thẻ tín dụng không mang đến cho bạn những đồng tiền hoàn toàn miễn phí.
Cary Carbonaro đã thăng tiến khá nhanh trên con đường sự nghiệp. Sau khi tốt nghiệp đại học và trải qua 8 năm ở phố Wall, cô đã leo dần từ vị trí nhân viên của JPMorgan Chase lên chức Phó Chủ tịch của Citibank và sau đó là giám đốc phụ trách mảng thương mại điện tử và e- marketing của quỹ đầu tư Lord Abbett Investments.
Cô từng kiếm được 500.000 USD/năm khi 30 tuổi, sống sống trong căn hộ đối diện với sàn NYSE. Tuy nhiên, cô cảm giác mình không kiếm được nhiều tiền đến thế. Carbonaro cho rằng công việc mà cô đang làm quá ổn định. “Ngành này quá bảo thủ và tôi cũng trở thành một người bảo thủ. Tôi luôn có cảm giác không thỏa mãn, bởi cảm thấy mình không làm được điều gì khác biệt so với những người xung quanh”.
Cuối cùng, Carbonaro đã bỏ việc, chuyển tới Central Florida và lập công ty tư vấn tài chính của riêng mình. Mọi người đều cho rằng đó là một ý tưởng điên rồ, bởi sẽ không có ai từ bỏ một công việc tốt đẹp như Carbonaro đã từng có.
Thu nhập của Carbonaro giảm từ mức 500.000 USD/năm xuống gần bằng 0 trong năm tiếp theo. Tuy nhiên, cô đã thành công trong việc tự tái tạo bản thân thành một doanh nhân và tìm thấy cảm hứng trong công việc vì có thể giúp nhiều người hoạch định kế hoạch tài chính cho bản thân và trở nên giàu có.
Dưới đây là những lời khuyên về tiền bạc tốt nhất mà Cary Carbonaro đưa ra.
1. Không có gì là miễn phí
Thẻ tín dụng không mang lại cho bạn những đồng tiền miễn phí. Hãy đối xử với chúng như với tiền mặt, và nếu không làm được điều này thì đừng động đến thẻ tín dụng. Nếu bạn sử dụng chúng để tạm thời “lấp chỗ trống”, bạn sẽ không bao giờ có được sự tự do về tài chính.
2. Đơn giản hóa kế hoạch chi tiêu
Lập kế hoạch chi tiêu là điều khá đơn giản. Hãy nắm chắc mỗi tháng bạn thu về bao nhiêu tiền và sẽ phải chi bao nhiêu. Không quan trọng bạn theo dõi thu chi bằng cách ghi chép trong sổ sách hay sử dụng ứng dụng trên điện thoại. Việc này đơn giản nhưng lại rất quan trọng, là viên gạch đầu tiên của mọi kế hoạch tài chính.
3. Biết được giá trị của bản thân
Lấy tài sản (là những gì bạn sở hữu) trừ đi nợ (là những khoản nợ của bạn) sẽ cho ra giá trị của bản thân bạn. Và, hãy luôn ghi nhớ điều này: giá trị tài sản ròng không phải là giá trị của bạn.
4. Đừng sợ hãi
Quản lý tài chính cá nhân không chỉ dừng lại ở các phép toán, và bạn cũng không cần phải giỏi toán. Hãy đơn giản hóa nó, bắt đầu từ những điều căn bản. Không bao giờ là quá muộn để học.
Kiến thức là bước đầu tiên. Bạn không thể sửa chữa những gì bạn không biết. Các kiến thức về tài chính là thứ xứng đáng để bạn bỏ thời gian học tập.
5. Biết rõ về hồ sơ tín dụng của bản thân
Điều này rất quan trọng. Có được mức điểm tín dụng tốt hoặc xuất sắc sẽ giúp bạn tiết kiệm được hàng trăm nghìn USD.
6. Dạy cho những người trong gia đình bạn về tiền bạc
Quản lý tài chính là thứ mà bạn có thể học cả đời và cũng có thể truyền lại cho con cháu. Hãy học hỏi và chia sẻ những kiến thức này, và cả gia đình bạn sẽ trở nên giàu có.
7. Phải chú ý đến lạm phát
Hãy tìm cách để đồng tiền tăng trưởng và đi trước lạm phát, nếu tiền nằm im trong túi bạn cũng có nghĩa là bạn sẽ mất tiền vì thời gian trôi qua. Điều này có nghĩa là đừng cất giữ tiền mặt, và hãy đầu tư dài hạn (tức đầu tư từ 10 năm trở lên).
8. Không bao giờ nói dối
Đừng gian dối về tiền bạc hay chi tiêu đối với người bạn đời của bạn hay đối tác làm ăn. Hoàn toàn minh bạch về tài chính là chìa khóa cho một mối quan hệ bền vững.