4 lý do doanh nghiệp FDI đánh giá môi trường Việt Nam tốt hơn Thái Lan

20/04/2015 17:10 PM |

Mặc dù vậy, nhóm nghiên cứu cũng đưa ra khuyến cáo: Việt Nam không còn là điểm đến được ưu ái nhất đối với các nhà đầu tư quốc tế như giai đoạn trước, mà giờ phải cạnh tranh với các đối thủ truyền thống trong khu vực (Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia) và một số nước mới nổi như Lào, Philippines.

Trong khảo sát doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (PCI – FDI), nhóm nghiên cứu PCI đưa ra câu hỏi yêu cầu doanh nghiệp cho biết những yếu tố quan trọng với hiệu quả hoạt động của họ, điều này sẽ lý giải tại sao nhà đầu tư lại lựa chọn Việt Nam trong tương quan với quốc gia cạnh tranh.

Với mỗi một tiêu chí, doanh nghiệp được hỏi liệu môi trường kinh doanh của Việt Nam có tốt hơn so với các quốc gia khác hay không. Những tiêu chí đạt điểm số trên 50% được coi là yếu tố lợi thế đầu tư, tức là các yếu tố Việt Nam được phần lớn doanh nghiệp nước ngoài đánh giá cao hơn so với các nước khác. Các tiêu chí dưới 50% được coi là điểm yếu.

Kết quả điều tra cho thấy, 4 lý do doanh nghiệp FDI đánh giá Việt Nam cao hơn so với các nước cạnh tranh khác gồm Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Lào, Philippines là:

1- Mức thuế thấp

Năm ngoái, Việt Nam vượt trội so với một số quốc gia cạnh tranh về mức thuế, năm nay tiêu chí này còn tốt hơn nữa. Cụ thể, các nhà đầu tư cho rằng gánh nặng thuế suất của Việt Nam đã nhẹ hơn so với Trung Quốc và Philippines, và Việt Nam đang rút dần khoảng cách với các nước trong khu vực.

Cụ thể, theo khảo sát PCI-FDI, khoảng 76% doanh nghiệp FDI tại Việt Nam phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), 80% đóng thuế giá trị gia tăng (GTGT), và 81,3% phải nộp thuế thu nhập cá nhân cho người lao động có mức lương cao. Một số loại thuế mà nhà đầu tư nước ngoài ít phải nộp gồm thuế Tiêu thụ đặc biệt (chỉ 4,5% doanh nghiệp FDI tham gia điều tra nộp), thuế sử dụng đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất (21%), và các loại thuế hải quan (59%).

Thuế GTGT trung bình của Việt Nam 10% và thuế thu nhập doanh nghiệp (22% năm 2013, 25% những năm trước) tương đồng với nhiều quốc gia cạnh tranh khác. Trung Quốc, Indonesia, Malaysia đều có thuế suất thu nhập doanh nghiệp là 25%. Philippines và Myanmar có thuế TNDN cao hơn một chút - 30% và thuế GTGT 12%. Trong khi đó, Thái Lan có mức thuế tương đối thấp (20%).

Đối với các doanh nghiệp FDI quy mô vừa và nhỏ với doanh thu hàng năm thấp hơn 952.000 USD, thì mức thuế của Việt Nam thậm chí còn hấp dẫn hơn - 20%, do có sự thay đổi trong luật Thuế TNDN vào năm 2013.

2- Rủi ro bị thu hồi tài sản thấp

Nhà đầu tư cảm thấy tự tin hơn nhiều nếu đầu tư tại Việt Nam so với các nước khác, 76,4% cho rằng tại Việt Nam họ ít phải đối mặt với rủi ro bị thu hồi tài sản hơn so với Trung Quốc, và ngạc nhiên hơn khi 71% doanh nghiệp xếp hạng Việt Nam cao hơn Thái Lan.

Lý do của việc doanh nghiệp FDI đánh giá rủi ro bị thu hồi tài sản tại Việt Nam thấp là do trước năm 2009, nhà đầu tư nước ngoài hầu như không thể được cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Đa số các nhà đầu tư lựa chọn hình thức liên doanh hoặc thuê đất, điều này khiến họ luôn phải chịu rủi ro do bị phụ thuộc vào các kế hoạch bất ổn của đối tác liên doanh hay chủ cho thuê đất.

Để tránh tình trạng này, một số doanh nghiệp FDI lựa chọn đầu tư hoạt động trong các khu công nghiệp (KCN). Mặc dù GCNQSDĐ do ban quản lý KCN nắm giữ, tuy nhiên họ được đảm bảo ổn định hơn do hợp đồng ký kết dài hạn. Hiện nay, khoảng 50% doanh nghiệp được hỏi đặt tại các KCN trên cả nước và được đảm bảo ổn định về tài sản đất đai.

Kể từ năm 2009, Luật Đất đai sửa đổi năm 2013 và một số văn bản hướng dẫn thi hành Luật được thông qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho phép nhà đầu tư nước ngoài được cấp GCNQSDĐ. Mặc dù không hoàn toàn đúng với tên gọi, nhưng giấy tờ này cho phép thế chấp, chuyển nhượng và có sự ổn định hơn hợp đồng hợp tác liên doanh hay thuê ngắn hạn.

3- Bất ổn chính sách thấp

Sự bất ổn chính sách có cải thiện so với năm 2013, FDI đánh giá chính sách của Việt Nam ổn định và dễ đoán hơn hầu hết các quốc gia cạnh tranh.

Các kết quả này rất quan trọng bởi doanh nghiệp FDI luôn coi trọng khả năng dự báo chính sách trong tương lai để từ đó xây dựng chiến lược dài hạn của doanh nghiệp.

Ngoài ra, đối với các nhà đầu tư trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ công nghệ cao, tính ổn định chính sách còn quan trọng hơn nữa bởi tính chất của ngành công nghệ cao là thời gian sinh lợi lâu và rủi ro đầu tư lớn hơn.

4- Mức độ ảnh hưởng chính sách

Doanh nghiệp FDI tham gia khảo sát cho rằng tại Việt Nam họ có “tiếng nói” hơn trong quá trình xây dựng, thực thi pháp luật liên quan đến hoạt động của mình so với các quốc gia cạnh tranh đặc biệt tại 2 nước Campuchia, Lào.

Trên 36% doanh nghiệp FDI cho biết kết nối với các doanh nghiệp khác để phối hợp tác động lên các nhà hoạch định chính sách. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng sử dụng cách trở thành thành viên tham gia trong các hiệp hội hay phòng thương mại để tăng khả năng tác động.

Trên 32% doanh nghiệp trả lời điều tra là thành viên của một hình thức hiệp hội doanh nghiệp bao gồm các hiệp hội doanh nghiệp quốc gia (ví dụ Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV) và Phòng Thương mại Mỹ (AMCHAM), các hiệp hội ngành (ví dụ Hiệp hội nhựa Việt Nam) và các hội đoàn địa phương (như Hiệp hội nhà đầu tư nước ngoài Đài Loan tại Bình Dương). Trong số những doanh nghiệp không tham gia thành viên, 31% tìm kiếm tham gia vào một loại hình tổ chức.

Tuy nhiên, theo báo cáo, tỷ lệ doanh nghiệp FDI đánh giá Việt Nam cao hơn các nước cạnh tranh trong khu vực đã giảm so với điều tra năm 2013.

Bên cạnh đó, khoảng 50% doanh nghiệp FDI trước khi chọn Việt Nam đã từng cân nhắc đầu tư vào các nước khác chủ yếu là Trung Quốc (20,5%), Thái Lan (18%) và Campuchia (13,9%).

“Những tỷ lệ này đều tăng so với năm 2013, cho thấy Việt Nam không còn là điểm đến được ưu ái nhất đối với các nhà đầu tư quốc tế như giai đoạn 2007-2010, mà hiện giờ phải cạnh tranh với các đối thủ truyền thống trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia và một số nước mới nổi như Lào, Philippines…”, báo cáo đánh giá.

Báo cáo PCI-FDI là một phần của Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2014 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện. Khảo sát PCI-FDI đã thu thập ý kiến của 1.491 doanh nghiệp FDI đến từ 43 quốc gia khác nhau hoạt động trên địa bàn 14 tỉnh, thành phố của Việt Nam có mật độ doanh nghiệp FDI tập trung cao nhất theo số liệu của Tổng Cục Thống kê.

VCCI cho biết, tương tự như điều tra với doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI tham gia điều tra PCI-FDI được lựa chọn từ danh sách doanh nghiệp đang đóng thuế của Tổng cục Thuế.

8 yếu tố doanh nghiệp FDI so sánh Việt Nam với quốc gia cạnh tranh gồm: tham nhũng, gánh nặng hành chính, thuế suất, rủi ro thu hồi tài sản, mức độ ổn định của chính sách, dịch vụ hành chính công, khả năng tác động chính sách và ổn định chính trị. Ngoài 4 yếu tố ưu điểm nêu trên, 4 yếu tố còn lại, Việt Nam được nhận định là kém hơn nhiều các quốc gia cạnh tranh trong khu vực, bao gồm cả Lào.

>> Doanh nghiệp FDI: Cơ sở hạ tầng và dịch vụ công của Việt Nam thua Lào

Thanh Thủy

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM