Thị trường hàng xa xỉ duy nhất trên thế giới mà hàng nhân tạo đang dần soán ngôi sản phẩm thật

14/01/2024 08:31 AM | Kinh doanh

Hiếm có thị trường hàng xa xỉ nào trên thế giới mà hàng thật lại có thể thất thế, nhưng điều này lại đang diễn ra ở một sản phẩm cực kỳ nổi tiếng trong giới đại gia.

(Vân) Thị trường hàng xa xỉ duy nhất trên thế giới mà hàng nhân tạo đang dần soán ngôi sản phẩm thật - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Hãng tin CNN cho hay kim cương là mặt hàng xa xỉ nổi tiếng trong giới đại gia, thế nhưng thị trường này đang chứng kiến sự bành trướng mãnh liệt của hàng nhân tạo trong phòng thí nghiệm.

Về lý thuyết, những viên kim cương nhân tạo giống hệt sản phẩm tự nhiên về chất lượng nhưng lại rẻ hơn gấp nhiều lần. Giá bình quân cho một viên kim cương nhân tạo 1 carat dùng cho nhẫn đính hôn vào khoảng 2.318 USD, rẻ hơn nhiều so với 8.740 USD của kim cương tự nhiên.

Đáng ngạc nhiên hơn, chuyên gia phân tích Adahn Golan trong ngành đã nói với CNN rằng doanh số bán kim cương nhân tạo đang ngày một tăng, bình quân 60-80%/tháng trong khi sản phẩm tự nhiên lại giảm 10-25%/tháng.

"Nỗi sợ của giới đại gia ngành kim cương đã bắt đầu khi khách hàng bắt đầu chấp nhận những sản phẩm trong phòng thí nghiệm làm nhẫn đính hôn", chuyên gia Golan cảnh báo.

Một viên kim cương nhân tạo chỉ mất vài tuần trong phòng thí nghiệm là tạo ra được, trong khi sản phẩm tự nhiên cần sự hình thành trong khoảng 800 triệu đến 3 tỷ năm. Đó là chưa kể nguồn cung kim cương tự nhiên là có giới hạn, gây ô nhiễm môi trường cùng vô số vấn đề về buôn lậu trái phép tài trợ cho xung đột khu vực, sử dụng lao động trẻ em...

Điều này khiến kim cương tự nhiên đắt hơn nhưng lại đang trở thành nguyên nhân khiến người dùng dần chán ghét chúng.

(Vân) Thị trường hàng xa xỉ duy nhất trên thế giới mà hàng nhân tạo đang dần soán ngôi sản phẩm thật - Ảnh 2.

Chủ sở hữu Dan Moran của hãng kim hoàn Concierge Diamonds tại Los Angeles nhận định người tiêu dùng giờ đây đang có hiểu biết hơn về kim cương và yêu cầu rất cao về chi phí cũng như nguồn gốc của sản phẩm.

Đồng quan điểm, báo cáo của The Knot cho thấy những người trẻ đang ngày càng có ý thức hơn về bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên cũng như đạo đức chống sử dụng lao động trẻ em.

Bên cạnh đó, tình hình kinh tế khó khăn càng khiến giá cả hợp lý của kim cương nhân tạo có ưu thế trong mắt khách hàng.

Theo chuyên gia Golam, thị phần trang sức kim cương nhân tạo đã tăng từ 3% năm 2020 lên 7% năm 2023. Dù còn khá nhỏ nhưng con số này cũng cho thấy tiềm năng cực lớn để soán ngôi kim cương tự nhiên.

Năm 2021, hãng trang sức lớn nhất thế giới là Pandora đã có quyết định gây chấn động thị trường khi từ bỏ kim cương tự nhiên để chuyển sang sử dụng hoàn toàn sản phẩm nhân tạo.

Phía Pandora cho hay nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng tăng trong vấn đề phát triển bền vững đã khiến công ty đi đến quyết định này.

Tương tự, hãng trang sức lớn nhất Mỹ là Signet cũng nhận định kim cương nhân tạo là sản phẩm cực kỳ tiềm năng và đang trở thành xu hướng mới trên thị trường.

Đây là những biến đổi lớn khi chỉ vài năm trước, kim cương nhân tạo vẫn còn bị coi thường khi so sánh với hàng tự nhiên và hiếm khi được dùng cho nhẫn đính hôn hay các sản phẩm trang sức xa xỉ.

"Người tiêu dùng ngày nay muốn chắc chắn món trang sức xa xỉ của mình không gây ô nhiễm hay tạo nên hệ lụy tiêu cực cho xã hội. Bởi vậy kim cương nhân tạo ngày càng được ưa chuộng nhằm giải phóng nỗi lo về đạo đức cho người mua", CEO Don O'Connell của hãng sản xuất kim cương nhân tạo Charles & Colvard khẳng định.

Mặc dù vậy, thị trường hiện nay vẫn còn nhiều định kiến khi kim cương nhân tạo không giữ được giá trị tài sản khi bán lại. Dù rất khó để phân biệt hàng tự nhiên hay nhân tạo nhưng những chuyên gia trong nghề vẫn làm được.

Điều này khiến những đại gia tích trữ kim cương thở phào nhẹ nhóm.

Tuy vậy một tương lai nơi kim cương nhân tạo dần soán ngôi hàng tự nhiên đang đến gần khi giới trẻ ngày nay coi chúng là sản phẩm tiêu dùng hơn là tài sản. Thay vào đó, đầu tư vào vàng mới là nơi được mọi người coi là tài sản trú ẩn.

*Nguồn :CNN

Băng Băng

Cùng chuyên mục
XEM