Theo chân vị bác sĩ Nhật đi mổ mắt miễn phí cho hàng trăm người dân nghèo Quảng Ninh

27/12/2016 12:02 PM | Nhân vật

“Người có trình độ chuyên môn về mắt giỏi như bác sỹ Tadashi Hattori trên thế giới không nhiều, nhưng người có trái tim vĩ đại như bác sỹ thì hàng triệu người chỉ có một”.

Chúng tôi đã từng có chùm bài viết về bác sỹ Tadashi Hattori, người bác sỹ Nhật đã bỏ việc lương cao để đi khắp Việt Nam chữa bệnh cho người nghèo, người thuộc gia đình chính sách.

Lần này, chúng tôi muốn giới thiệu đến quý độc giả câu chuyện về một chuyến đi khám bệnh thực tế của bác sỹ và đoàn công tác của mình để độc giả có thể hình dung được rõ nét hơn về công việc hàng ngày và cống hiến thầm lặng của ông và nhóm làm việc.


Xin phép được mở đầu bài viết bằng lời nhận xét về bác sỹ Tadashi Hattori của nguyên đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật tại Việt Nam - ông Hattori Norio. Trong một chuyến thăm bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản năm nay, nguyên đại sứ đã nói: “Người có trình độ chuyên môn về mắt giỏi như bác sỹ Tadashi Hattori trên thế giới không nhiều, nhưng người có trái tim vĩ đại như bác sỹ thì hàng triệu người chỉ có một”.

20h ngày 22/12/2016, trở về sau bữa tối, bác sỹ Tadashi không hề nghỉ ngơi mà lập tức bắt tay vào chuẩn bị nốt thuốc men, dụng cụ y tế cho chuyến mổ mắt tại huyện Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam.

Khi những thành viên khác trong đoàn vẫn còn đang nghỉ ngơi, ông tự tay bưng từng hòm thuốc, thủy tinh thể, máy móc ra kiểm tra, chia thành từng loại phù hợp rồi để vào vị trí thuận tiện nhất cho việc vận chuyển sáng ngày hôm sau. 22h, ông Tadashi mới kiểm tra máy tính trước khi đi ngủ để kịp cho chuyến công tác ngày hôm sau.

Một ngày làm việc bắt đầu từ 5h30 và kết thúc khi 21h30

Tôi thức dậy vào 5h30 sáng ngày 23/12 và đã thấy bác sỹ Tadashi đang tự tay chuẩn bị mọi thứ cho chuyến đi. Nhiều người khác lúc này bắt đầu xắn tay giúp ông. Mọi công đoạn từ vận chuyển hàng cho đến chia hàng và xuất phát đều răm rắp đúng giờ mà vị bác sỹ già đã đề ra, không ai chậm trễ dù chỉ một phút.

11h rưỡi trưa, xe đến huyện Quảng Yên, Quảng Ninh. Hàng chục bệnh nhân đã ngồi chờ sẵn. Bác sỹ Tadashi và các bác sỹ cùng đoàn đề nghị địa phương chỉ chuẩn bị cơm hộp để đoàn ăn nhanh để bắt đầu làm việc nhưng đoàn đã chuẩn bị cơm khá thịnh soạn, cùng với khâu chuẩn bị không đạt như bác sỹ yêu cầu nên ông có phần không hài lòng. Ông ôm đầu kêu lên: “Trời ơi, sao họ lại làm như thế”, ông lo lắng trong ngày đầu tiên sẽ không mổ được theo đúng tiến độ đã đề ra trước đó.

Ngày làm việc đầu tiên dù chỉ nửa buổi chiều nhưng nhờ bắt tay vào việc khẩn trương và tiết kiệm thời gian hết mức, 7 bác sỹ trong đó bao gồm bác sỹ Tadashi Hattori, bác sỹ Ikeda người Nhật, bác sỹ Đức (viện Viện Nhật), bác sỹ Lân (Trung tâm phòng chống bệnh xã hội tỉnh Quảng Ninh). Bác sỹ Hùng và bác sỹ Đức (viện mắt quốc tế Nhật Bản) dù bận công việc nhưng với mong muốn hoàn thành mục tiêu mổ mắt thay thủy tinh thể cho khoảng 60 bệnh nhân cùng với bác sỹ Hattori nên đã đi ô tô xuống Quảng Yên mổ mắt, sau đó lại quay trở về Hà Nội ngay trong đêm.


Bác sĩ Hattori khám mắt cho một nữ bệnh nhân lớn tuổi.

Bác sĩ Hattori khám mắt cho một nữ bệnh nhân lớn tuổi.

Các bác sỹ làm việc liên tục và thay ca cho nhau, khi một người mệt sẽ ra ngoài hỗ trợ, thay bác sỹ khác vào để việc phẫu thuật không bị gián đoạn. Nhóm hỗ trợ bao gồm khá nhiều các y tá, điều dưỡng của bệnh viện Quảng Yên cũng tích cực làm việc. Thời gian trôi qua, đã 19h nhưng không bác sỹ nào nói đến việc nghỉ ăn tối.


Bác sỹ Bùi Tiến Hùng (viện mắt quốc tế Nhật bản) đang mổ mắt cho bệnh nhân.

Bác sỹ Bùi Tiến Hùng (viện mắt quốc tế Nhật bản) đang mổ mắt cho bệnh nhân.

20h, công việc phẫu thuật cho ngày đầu tiên mới kết thúc, vì có một số bệnh nhân bỏ không phẫu thuật cùng với công tác chuẩn bị ban đầu của bệnh viện không theo đúng tiến độ nên trong buổi chiều và tối ngày 23/12/2016 mới chỉ 43 bệnh nhân được phẫu thuật mắt. Những bệnh nhân còn lại phải chờ đến ngày hôm sau. Vẻ mặt bác sỹ Tadashi khá buồn nhưng ông vẫn đi bắt tay từng bác sỹ, y tá và điều dưỡng để cảm ơn. Bữa tối của ngày đầu tiên chỉ bắt đầu khi đã gần 21h và mọi người về phòng ngủ lúc 21h30 sau 1 ngày làm việc vất vả.

"Xây 7 tòa tháp không bằng mang đến ánh sáng cho cuộc đời tăm tối của một con người”

Sáng ngày hôm sau, ngay từ 7h30 sáng, bác sỹ Tadashi dẫn đầu nhóm phiên dịch, trợ lý, y tá trực tiếp đi kiểm tra mắt cho từng bệnh nhân đã được phẫu thuật mắt của ngày hôm trước. Lịch hoạt động của đoàn theo đúng chuẩn Nhật, không sai một phút.

Sẽ khó để có thể quên được những nụ cười, giọt nước mắt hạnh phúc của bệnh nhân nhìn được trở lại cuộc đời sau nhiều năm họ chỉ được nhìn cuộc sống qua những tấm màng màu trắng.

Ngày thứ 2 và ngày thứ 3 của chuyến phẫu thuật. Khi mọi công tác chuẩn bị đã vào guồng và có thêm các bác sỹ địa phương khác cùng phẫu thuật, tiến độ làm việc đã theo đúng tiến độ đề ra ban đầu. Dù buổi tối ngày thứ 2, toàn ekip khoảng 40 người gồm bác sỹ, y tá, điều dưỡng, làm việc đến 21h. Không một lời phàn nàn, không một ánh mắt than thở.

Dù có rất nhiều bác sỹ cùng phẫu thuật và hỗ trợ, có những người được nghỉ sớm để giữ sức khỏe cho ngày hôm sau, nhưng bác sỹ Tadashi Hattori chưa bao giờ rời phòng mổ. Ngoài những lúc ngồi trên bàn mổ trực tiếp, ông đi quanh các bàn mổ khác xem xét và hỗ trợ cho từng bác sỹ khi cần thiết. Suốt khoảng thời gian ở đó, khi các y tá, điều dưỡng, bác sỹ khác được nghỉ nhưng bác sỹ Tadashi chưa từng cho phép mình nghỉ ngơi, dù chỉ một phút.

Đến cuối mỗi ngày làm việc, ông lại đến gặp từng người, bắt tay cảm ơn họ đã đồng hành cùng ông và động viên họ cố gắng cho những ngày tiếp theo. Chỉ hành động đó thôi, bao nhiêu mệt mỏi của cả ngày làm việc bỗng như tan biến.

Bệnh nhân Nguyễn Văn Đắc năm nay đã ngoài 67 tuổi không thể ngăn được những giọt nước mắt khi được bác sỹ tháo băng mắt ra, soi đèn kiểm tra và nói: “Good”. Rồi bác sỹ giơ cách mặt bệnh nhân hai ngón tay và hỏi bệnh nhân: "Bao nhiêu đây?”, bệnh nhân trả lời 2, và cả bác sỹ và bệnh nhân ôm lấy nhau trong niềm hạnh phúc.

Ông Đắc nói nhìn lại được cuộc đời, tự lo được cho cuộc sống của mình ông cảm thấy như thanh niên 17 tuổi, lại muốn xông pha, đi làm nhiều hơn cho gia đình, được sống có ý nghĩa.

Có những bệnh nhân đã rất già và chậm chạp, năm nay gần 90 tuổi, đã nhiều năm không nhìn thấy con cháu, đi lại phải bám vịn vào tường, nay khi mở băng gạc mắt ra nhìn được bác sỹ, nhìn được ánh nắng mặt trời. Họ chắp tay lạy bác sĩ như lạy vị thánh sống.

Có bệnh nhân ngay sau khi nhìn được lại cuộc đời và ánh nắng mặt trời đã viết một bài thơ rất cảm động để cảm ơn tình cảm và lòng tốt của bác sỹ Tadashi Hattori và đoàn công tác. Ông cho biết khi nhận được lòng tốt của bác sỹ dành cho mình, ông sẽ sống tốt hơn nữa trong cuộc đời còn lại của mình để lan tỏa điều thiện đến nhiều người khác.

Sau 3 ngày làm việc khẩn trương, tổng số 131 bệnh nhân đã được chữa lành đôi mắt. Đối với cá nhân tôi, trước chuyến đi, tôi biết đến câu: “Xây 7 tòa tháp không bằng cứu được cuộc đời của một con người”. Sau chuyến đi, chứng kiến tấm lòng và sự hy sinh hết mình của bác sỹ Tadashi Hattori cũng như các thành viên trong nhóm làm việc chung, tôi muốn nhắc đến họ với một câu khác: “Xây 7 tòa tháp không bằng mang đến ánh sáng cho cuộc đời tăm tối của một con người.”

Quảng Ninh: Lãnh đạo tốt, dân được nhờ

Sẽ rất thiếu sót nếu nói về thành công của các chuyến từ thiện đến các huyện thuộc tỉnh Quảng Ninh mà không nhắc đến sự hợp tác nhiệt tình của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, sở Y tế, Trung tâm phòng chống các bệnh xã hội tỉnh Quảng Ninh cũng như các y bác sỹ, điều dưỡng, y tá tại bệnh viên đa khoa Quảng Yên.

Theo nguyên tắc và quy định của việc làm từ thiện, các tổ chức từ thiện phải liên hệ trước và được sự chấp thuận của địa phương, hoạt động từ thiện mới có thể được triển khai. Theo chị Hoàng Thị Thanh Hoài, người chịu trách nhiệm quản lý và tổ chức các hoạt động của bác sỹ Tadashi Hattori tại Việt Nam, khi tổ chức các hoạt động từ thiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đoàn đã nhận được sự hỗ trợ không thể tốt hơn được nữa của lãnh đạo tỉnh.

Chính vì thế mà so với phần lớn các địa phương khác trên cả nước, số lượng các bệnh nhân nghèo tại tỉnh Quảng Ninh được hỗ trợ nhiều hơn hẳn. Không ở đâu, câu “lãnh đạo tốt, dân được nhờ” lại đúng như Quảng Ninh trong trường hợp này. Rất nhiều các bệnh nhân đi mổ mắt cũng thừa nhận như vậy.

Những việc tốt như bác sỹ Tadashi Hattori đã và đang làm sẽ giúp cho thêm nhiều bệnh nhân nghèo được có cơ hội nhìn thấy ánh sáng và lan tỏa hơn nữa cái thiện trong cộng đồng.

Ngọc Thanh

Cùng chuyên mục
XEM