Không muốn thất nghiệp năm 2023 thì đừng học gõ ‘code’!

27/04/2023 14:28 PM | Kinh doanh

Những Coder lâu năm có thể mất việc trước các sinh viên mới ra trường khi AI xóa nhòa khoảng cách kinh nghiệm, biến mức lương cao ngất của họ thành phi lý.

Không muốn thất nghiệp năm 2023 thì đừng học gõ ‘code’! - Ảnh 1.

Coder là một trong số những thuật ngữ thông dụng được dùng để gọi chung những người làm công việc lập trình công nghệ thông tin. Công việc chính của họ là viết ra những đoạn code của một chương trình, ứng dụng hoặc website trên nền tảng công nghệ khác.

Tờ Business Insider (BI) cho biết nghề gõ code hay Coder thường được đánh giá là công việc có độ ổn định và an toàn cao nhất trong ngành công nghệ. Thế nhưng kể từ khi trí thông minh nhân tạo (AI) được phát triển với thành công của ChatGPT thì nghề này lại đang phải đối mặt với rủi ro sa thải lớn nhất trong năm 2023.

Số liệu của Revelio Labs cho thấy những Coder sẽ là đối tượng đầu tiên nằm trong danh sách bị sa thải của ngành công nghệ. Trong tổng số 170.000 đợt sa thải ước tính sẽ diễn ra trong năm nay thì nhân viên gõ code chiếm đến gần 20%, dù Coder chỉ chiếm khoảng 14% tổng số nhân lực toàn ngành.

Không muốn thất nghiệp năm 2023 thì đừng học gõ ‘code’! - Ảnh 2.

Đây là con số quay ngược 180 độ so với những gì diễn ra trong năm 2022 khi phòng nhân sự mới là nơi bị sa thải nhiều lao động nhất. Tại thời điểm đó, lao động phòng nhân sự, tuyển dụng chiếm đến gần 8% tổng số nhân viên bị sa thải trong khi các Coder chỉ chiếm chưa đến 4%.

“Những đợt sa thải năm ngoái nhắm đến phần lớn là nhân lực phòng nhân sự. Thế nhưng bước sang năm 2023 thì những Coder mới là đối tượng dễ bị mất việc nhất”, chuyên gia kinh tế trưởng Reyhan Ayas của Revelio Labs cảnh báo.

Trong năm nay, lao động phòng nhân sự được dự đoán sẽ chỉ chiếm gần 5% tổng số nhân lực bị sa thải.

Ai mất việc trước?

Một trong những hiểu lầm lớn nhất kể từ khi ChatGPT xuất hiện là những Coder lâu năm, trở thành nhà phát triển phần mềm khi có thể làm những nhiệm vụ cao cấp hơn, như định hướng chiến lược phát triển dự án, đàm phán khách hàng...sẽ là đối tượng chịu thiệt ít nhất, trong khi các sinh viên mới ra trường chẳng biết gì ngoài gõ Code sẽ tổn thương nặng.

Thế nhưng theo nghiên cứu của GitHub, chính những Coder ít kinh nghiệm nhất mới là người được hưởng lợi lớn nhất từ AI khi công nghệ mới này thu hẹp khoảng cách giữa tay mơ và người chuyên nghiệp trong ngành phần mềm.

Trong một môi trường mà kinh nghiệm không còn giá trị thì những Coder lâu năm có khi lại là người mất việc trước nhất bởi họ không còn tương xứng với mức lương được nhận.

Từ khi có ChatGPT

“Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ thất nghiệp, chưa bao giờ, cho đến khi ChatGPT xuất hiện. Tôi đã nghĩ rất nhiều kỹ năng đặc biệt mà chỉ những người như chúng tôi làm được, những kiến thức mà tôi phải mất đến 7 năm học tập để trở thành chuyên gia, nhưng giờ đây chúng lại chẳng là gì so với một cỗ máy AI”, anh Adam Hughes, một nhà lập trình phần mềm chia sẻ với tờ BI.

Theo một nghiên cứu của OpenAI, cha đẻ ChatGPT thì 19% lao động tại Mỹ có thể hoàn thành một nửa công việc hoàn toàn bằng AI.

Không muốn thất nghiệp năm 2023 thì đừng học gõ ‘code’! - Ảnh 3.

Trong khi đó, một nhóm nghiên cứu của Microsoft đã thí nghiệm chia 2 đội kỹ sư phần mềm, một có dùng AI và còn lại thì không. Kết quả cho thấy đội lập trình có dùng AI làm việc nhanh hơn 56% so với đội còn lại.

“Đây là tỷ lệ cực kỳ cách biệt”, giáo sư Ethan Mollick của trường đại học Wharton nói khi so sánh vào giữa thập niên 1800, cuộc cách mạng động cơ hơi nước chỉ gia tăng được 15% năng suất cho các nhà máy lớn.

Nhận thức được sự lợi hại của AI, hàng loạt tập đoàn công nghệ đã ứng dụng công nghệ này qua đó đe dọa sa thải một cơ số Coder. Ví dụ như Amazon đã phát triển hệ thống hỗ trợ gõ code của riêng mình mang tên CodeWhisperer, trong khi Google thì đang cố gắng tích hợp khả năng gõ code vào Bard, sản phẩm đối trọng với ChatGPT của hãng.

Tờ BI nhận định nhiều khả năng số lượng Coder trong tương lai gần sẽ giảm phân nửa, thậm chí xuống chỉ còn 1/10 hay 1/100 so với hiện nay. Bi quan hơn, CEO Emad Mostaque của Stability AI thậm chí cho rằng sẽ chẳng còn Coder nào trong 5 năm nữa nếu AI tiếp tục được phát triển với tốc độ nhanh như hiện nay.

Vậy phải chăng AI sẽ là dấu chấm hết cho nghề Coder?

Bài học từ máy ATM

“Lượng thực phẩm cần cho 7 tỷ người trên thế giới thì có hạn chứ nhu cầu phần mềm để phục vụ cho toàn cầu là vô biên. Hãy nhìn vào lịch sử 50 năm của ngành công nghệ và mảng lập trình luôn thiếu người. Chúng ta chưa bao giờ đáp ứng đủ nhu cầu về mảng này cho toàn thế giới cả”, giáo sư Zachary Tatlock của trường đại học Washington trấn an những Coder.

Theo giáo sư Tatlock, cho dù có AI đi chăng nữa thì ngành công nghệ vẫn cần lượng lớn Coder hay những lập trình viên bởi cung không đủ cầu. Thậm chí với sự phát triển của AI, nhu cầu lập trình sẽ còn tăng trưởng mạnh hơn nữa và chắc chắn nghề gõ code sẽ khó có thể mai một.

Ngoài ra, AI cũng chẳng phải toàn năng và Coder cũng không phải không biến cải thiện bản thân.

Hãy nhìn vào ví dụ ngành ngân hàng. Khi máy rút tiền tự động (ATM) ra mắt, nhiều người đã dự báo cái chết của nghề nhân viên giao dịch ngân hàng. Thế nhưng trong khoảng 1980-2010, số lượng nhân viên ngân hàng lại tăng mạnh và nguyên nhân là do sự dịch chuyển của nghề này.

Không muốn thất nghiệp năm 2023 thì đừng học gõ ‘code’! - Ảnh 4.

Từ vị trí chủ yếu làm các dịch vụ chuyên môn thì ngành nhân viên ngân hàng bắt đầu chuyển hướng sang dạng “bán hàng” (sales), quan hệ khách hàng hay mời chào những dịch vụ như mở thẻ tín dụng hay các khoản vay ưu đãi.

Tương tự như vậy, giáo sư Tatlock cho rằng AI sẽ chỉ làm được những nhiệm vụ đơn giản, hỗ trợ Coder các công việc đơn giản như thiết kế website. Trong khi đó, nghề lập trình sẽ được chuyên môn hóa nhưng phát triển trợ lý lái xe tự động hay các ứng dụng giám sát lượng Insulin trong cơ thể, những nhiệm vụ mà AI chưa có khả năng thay thế nhân lực.

Xu thế tất yếu

Ở phía ngược lại, những người có quan điểm bi quan về AI cho rằng việc công nghệ mới này thay thế Coder cùng nhiều ngành nghề khác là không thể tránh khỏi.

Trong ví dụ về máy ATM của ngành ngân hàng, các nhân viên trong ngành vẫn trụ được vì họ hiểu những nhiệm vụ gì mà ATM không làm được và biết cách thay đổi, thích nghi để tồn tại.

Thế nhưng nếu nhìn lại vài thập niên trước với nghề nhân viên trực tổng đài (Telephone Operator), khi vô số phụ nữ được thuê để chuyển tiếp cuộc gọi theo yêu cầu bằng cách điều phối đường dây thủ công thì câu chuyện mất việc vì công nghệ là có thật. Tại thời điểm điện thoại có thể tự động chuyển cuộc gọi được phát triển thì nghề này nhanh chóng biến mất và chuyển hướng sang dịch vụ giải đáp, trợ giúp khách hàng.

Một lượng lớn các phụ nữ trẻ trong nghề đã phải rời bỏ công việc vì họ chẳng thể trụ lại, khi mức lương ngày càng bèo bọt.

Không muốn thất nghiệp năm 2023 thì đừng học gõ ‘code’! - Ảnh 5.

“Đây là một thực tế đáng buồn trong các cuộc cách mạng công nghệ”, giám đốc Katya Klinova của mảng AI thuộc tổ chức phi lợi nhuận Partnership thừa nhận.

Trong một thí nghiệm khi ChatGPT 3.5 làm bài kiểm tra kỳ thi đại học, chúng chỉ đúng 10% câu hỏi nhưng chưa đầy 1 năm sau, mẫu ChatGPT 4 làm lại bài kiểm tra đó và chính xác đến 90% câu hỏi, qua đó cho thấy sự tiến bộ từng ngày của AI.

“Lời khuyên tốt nhất của tôi dành cho bạn là hãy tự hỏi công việc nào khó bị thay thế bởi máy móc nhất để dành thời gian đầu tư kỹ năng cho nó”, giáo sư Mollick của trường đại học Wharton góp ý.

*Nguồn: BI

Băng Băng

Cùng chuyên mục
XEM