Thấm đòn tẩy chay, H&M "quay xe" gấp, cam kết tiếp tục hợp tác "có trách nhiệm" với Trung Quốc
Trung Quốc là "một thị trường vô cùng quan trọng đối với chúng tôi, và những cam kết lâu dài của chúng tôi đối với Trung Quốc vẫn rất bền chặt", thông cáo của H&M cho hay.
T h ương hiệu thời trang Hennes &a m p; Mauritz AB (H&M) của Thụy Điển ngày hôm nay (31/3) vừa phát thông cáo về việc tiếp tục hợp tác với Trung Quốc - sau khi hãng này ghi nhận thiệt hại vì làn sóng tẩy chay dâng cao tại Trung Quốc.
Trước đó, H&M đã tuyên bố về việc ngưng sử dụng bông vải Tân Cương, khiến dư luận Trung Quốc hết sức phẫn nộ.
Sau đó, hãng H&M dường như đã bị "xóa sổ" trên mạng Internet ở Trung Quốc, khi Bắc Kinh gây áp lực lên các thương hiệu giày dép và quần áo, cùng với đó là việc công bố lệnh trừng phạt các quan chức Anh vào ngày 26/3.
Theo đó, truyền thông ghi nhận tình trạng các sản phẩm của H&M biến mất khỏi các nền tảng thương mại điện tử lớn của Trung Quốc như Alibaba và JD.com sau những lời kêu gọi tẩy chay của truyền thông và cư dân mạng.
Trong thông cáo ngày 31/3, hãng thời trang của Thụy Điển đã thừa nhận rằng Trung Quốc là "một thị trường vô cùng quan trọng đối với chúng tôi, và những cam kết lâu dài của chúng tôi đối với Trung Quốc vẫn rất bền chặt".
Theo đó, H&M cho biết họ đang làm tất cả những gì có thể để giải quyết những vấn đề ở Trung Quốc và để tìm ra con đường tiếp tục phát triển sau khoảng thời gian bị tẩy chay mạnh mẽ vừa qua. Đồng thời, nhãn hàng này cũng cam kết sẽ nỗ lực lấy lại lòng tin của khách hàng, đồng nghiệp và đối tác kinh doanh tại Trung Quốc.
"Chúng tôi muốn trở thành một người mua có trách nhiệm ở Trung Quốc và cả ở những nơi khác, và hiện tại chúng tôi đang xây dựng các chiến lược hướng tới tương lai và tích cực tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên liệu", trang tin Market Watch trích dẫn thông cáo của H&M.
Hãng này nói thêm: "Cùng với tất cả các bên liên quan, chúng tôi mong muốn được phối hợp và trở thành một phần của giải pháp, tiến tới cùng nhau xây dựng một ngành công nghiệp thời trang bền vững hơn."
Tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh tuần trước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh lên án những cáo buộc "cưỡng bức" lao động ở Tân Cương là "những lời nói dối ác ý" do "các lực lượng chống Trung Quốc tạo ra."
Trong báo cáo tài chính tính đến cuối tháng 2, H&M đã báo lỗ ròng tương đương 122,4 triệu USD, và hiện tại khoảng 1.500 cửa hàng của hãng này vẫn tạm thời đóng cửa (khoảng 30%).
H&M không phải là thương hiệu duy nhất "nếm đòn" tẩy chay từ thị trường lớn nhất thế giới. Hôm 29/3 vừa qua, Huawei cho biết họ đã tạm đình chỉ tải ứng dụng điện thoại của các hãng Nike và Adidas./.