Thái Lan đang quyết tâm phát triển sản xuất công nghệ cao như thế nào?
Hàng loạt doanh nghiệp lớn của thế giới như Alibaba, Boeing hay Airbus đang nhận được những ưu đãi nổi bật để mở rộng hoạt động phân phối, sản xuất công nghệ cao ở Thái Lan.
Một trong những trung tâm công nghiệp hàng đầu của Đông Nam Á đang cố gắng phát triển công nghệ cao trong bối cảnh nhiều tập đoàn toàn cầu như Alibaba hay Airbus đang có kế hoạch mở rộng hoạt động tại miền Đông Thái Lan. Thái Lan muốn thay thế bớt hoạt động thâm dụng lao động trong bối cảnh quá trình phát triển kinh tế đẩy cao chi phí.
Tập đoàn thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc, Alibaba, đã hợp tác với chính phủ Thái Lan để đưa hàng nông sản của Thái Lan lên chào bán tại trang của Alibaba, đồng thời giúp phát triển cho thương mại điện tử liên biên giới giữa Thái Lan, Trung Quốc và nhiều thị trường khác.
“Người Trung Quốc rất thích nông sản Thái Lan, trong đó phải kể đến gạo thơm, sầu riêng và nhiều hoa quả nhiệt đới khác”, chủ tịch Alibaba, ông Jack Ma, phát biểu trong một cuộc họp báo.
Alibaba có kế hoạch dành khoảng 11 tỷ bath, tương đương 349 triệu USD, để xây dựng trung tâm công nghệ thông minh cùng với một nhà kho tự động hóa hoàn toàn tại tỉnh Chachoengsao nằm cách Bangkok 2 giờ lái xe về hướng Đông Nam. Trung tâm này sẽ giúp Alibaba có thể chuyển sản phẩm Thái Lan sang Trung Quốc trong vòng 24 tiếng, đồng thời giúp cho người tiêu dùng Thái Lan có thể tiếp cận tốt hơn với hàng Trung Quốc.
Alibaba dự kiến sẽ bắt đầu xây dựng trung tâm và nhà kho nói trên trong vòng một năm nữa và đưa vào hoạt động từ năm 2019. Theo nhiều đồn đoán, Alibaba cũng sẽ mở rộng hoạt động ra nhiều nước láng giềng của Thái Lan trong đó có thể kể đến Myanmar và Campuchia.
Tỉnh Chachoengsao và hai tỉnh láng giềng Rayong và Choburi cùng nằm trong hành lang kinh tế phía Đông của Thái Lan, một khu vực đặc biệt được tạo ra trong tháng 6/2016. Chính phủ Thái Lan đang cố gắng khuyến khích nhiều công ty sản xuất công nghệ cao sản xuất ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao đến khu vực này.
Chính phủ Thái Lan đặt mục tiêu hồi sinh tăng trưởng kinh tế. Thời gian gần đây, tăng trưởng kinh tế nước này giảm tốc bởi chi phí lao động tăng cao khiến hoạt động sản xuất trong những ngành thâm dụng lao động như may mặc hay sản xuất thiết bị được chuyển sang những nước như Việt Nam.
Những doanh nghiệp chuyển đến hoạt động tại khu vực hành lang kinh tế phía Đông sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đến 15 năm trong khi đó con số này tại nhiều khu vực khác là 8 năm. Chính phủ Thái Lan đồng thời thông báo sẽ giảm thuế thu nhập đối với một số giám đốc điều hành và kỹ sư nước ngoài đến làm việc tại khu vực này, đồng thời cung cấp visa làm việc thời hạn dài hơn cho lao động có trình độ.
Hạ tầng vận tải đẳng cấp thế giới sẽ giúp khu vực này thích ứng với hoạt động kinh doanh toàn cầu. Chính phủ Thái Lan đang cố gắng mở rộng sân bay U-Tapao tại Rayong, đồng thời cố gắng xây mới đường băng mới để phục vụ cho trung tâm công nghiệp.
Tuyến đường sắt dài 220km nối U-Tapao với Don Mueang và sân bay Suvarnabhumi nhằm phục vụ cho Bangkok đã nhận được sự ủng hộ của nội các Thái Lan vào cuối tháng 3/2018. Cảng Laem Chabang ở Chonburi cũng đang được mở rộng.
Hãng sản xuất máy bay Boeing cũng đang chú ý đến Thái Lan. Công ty đã thảo luận với chính phủ Thái Lan bàn về việc mở liên doanh sản xuất phụ tùng máy bay ở nước này. Công ty cũng cân nhắc sẽ mở một trường chuyên đào tạo kỹ thuật viên bảo trì trong khu vực, theo nguồn tin từ chính phủ Thái Lan.
Hãng Airbus của châu Âu cũng đã hợp tác với hãng hàng không nhà nước Thai Airways International mở trung tâm bảo trì tại U-Tapao. Trung tâm có vốn đầu tư 11 tỷ bath dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ năm 2021 để xử lý hoạt động bảo trì và sửa chữa máy bay, trong đó phải kể đến máy bay của các hãng hàng không giá rẻ đến từ khắp Đông Nam Á.
Khi hai hãng hàng không đang tính vào Thái Lan, những công ty đối tác với họ chắc chắn sẽ tiếp bước. Hãng sản xuất lốp xe Bridgestone đã dành 15 tỷ yên, tương đương 137 triệu USD, để xây dựng nhà máy sản xuất lốp máy bay tại Thái Lan trước năm 2019.
Nhiều doanh nghiệp hoạt động liên quan đến ngành ô tô cũng đang vào Thái Lan. Hãng sản xuất thiết bị điện tử Sony của Nhật Bản dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất và bán ra nước ngoài sản phẩm camera dành cho xe tự lái. Còn Toyota cũng có kế hoạch sẽ bắt đầu sản xuất pin cho thiết bị xe lai vào khoảng năm 2020.
Tuy nhiên, không phải mọi sự khởi đầu đều suôn sẻ. Bên ngoài thủ đô Bangkok, rất khó để kiếm được lực lượng nhân sự kỹ thuật trình độ cao. Chi phí lao động cũng có thể là một cản trở khi mà mức lương tối thiểu tại 2/3 tỉnh thuộc hành lang kinh tế cao hơn cả ở thủ đô.