Tăng lương trung bình có thể khiến hàng vạn công nhân của Việt Nam thất nghiệp, đây là lý do
Chính sách tỷ giá, tiền lương đang khiến sản phẩm dệt may Việt Nam có giá thành cao hơn các nước từ 2-4%.
Theo báo cáo mới nhất của Jobstreet, mỗi lao động ngành dệt may trung bình kiếm được từ 402-604 USD/tháng (từ 8,4 triệu đồng đến 12,6 triệu đồng). Hãng này cũng cho biết mức trung bình ngành dệt may năm 2016 đã tăng 12% so với năm 2015. Đây là điểm đáng mừng khi đời sống người lao động được cải thiện. Tuy nhiên điều này lại là nỗi lo về phía doanh nghiệp và toàn ngành khi lợi thế cạnh tranh đang mất dần.
Đây cũng là cảnh báo của JobStreet với ngành dệt may. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến các ông lớn ngành may mặc ưa thích Việt Nam là nhân công giá rẻ. Tuy mức lương trung bình trên chỉ bằng một nửa so với Malaysia (725-1019 USD/tháng), bằng một phần tư so với Singapore nhưng xấp xỉ Philippines (cao hơn 1,1 lần), thậm chí cao hơn Indonesia 1,2 lần.
Thực tế ngành dệt may đã bộc lộ những khó khăn khi nhiều chuyên gia đánh giá 2016 là năm có mức tăng trưởng thấp nhất 10 năm trở lại đây, mục tiêu xuất khẩu 31 tỷ USD khó đạt được. Nguyên nhân do thiếu đơn hàng, sản xuất đình trệ, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất. Chính sách tỷ giá, tiền lương đang khiến sản phẩm dệt may Việt Nam có giá thành cao hơn các nước từ 2-4%.
Về chính sách tỷ giá, Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT, Tổng Công ty May Hưng Yên cho biết, đồng tiền Việt Nam trong những năm qua gần như không điều chỉnh hoặc điều chỉnh rất ít. Trong khi đó tất cả các nước khác đều điều chỉnh hạ giá đồng tiền của họ xuống từ 18-20%, vì thế hàng hóa của họ rẻ hơn tới 20% so với hàng của Việt Nam.
“Số lượng đơn hàng ngày trước lớn nhưng bây giờ đã ít hơn, việc tìm kiếm đơn hàng trở nên khó khăn hơn, phức tạp hơn, thời hạn giao hàng yêu cầu phải nhanh hơn, chất lượng ngày càng cao hơn. Đặc biệt trong năm 2016, thực hiện chế độ lương tối thiểu, bảo hiểm tăng lên nhiều cho nên hầu hết các doanh nghiệp đều phải chi một số tiền rất lớn cho lương, bảo hiểm cho người lao động. Từ những điều đó sẽ trở thành vấn đề cạnh tranh đối với các doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh”, ông Hoàng Vệ Dũng, chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Đức Giang chia sẻ về những trở ngại của doanh nghiệp ngành dệt may.