Tại sao có những điều chúng ta biết là sai nhưng chẳng mấy ai dám thừa nhận sự thật?

25/02/2017 10:19 AM | Kinh doanh

“Định kiến xác nhận” là một nhược điểm của lý trí. Nó khiến con người khó thay đổi suy nghĩ kể cả sau khi biết bằng chứng về sự thật. Đó là một đặc điểm tiến hóa tồi còn sót lại ở con người, khi quá trình chọn lọc tự nhiên đã không bắt kịp được những thay đổi của môi trường.

Vào năm 1975, các nhà khoa học ở đại học Stanford đã mời một nhóm sinh viên tham gia một nghiên cứu về tự sát. Các sinh viên được cho đọc nhiều cặp thư tuyệt mệnh. Ở mỗi cặp, một thư được giả vờ viết bởi một người còn sống, thư còn lại được một người tự sát thực sự viết. Các sinh viên được yêu cầu phân biệt thư thật và thư giả.

Một số sinh viên được cho biết, họ làm việc này rất giỏi. Trong 25 cặp thư, họ nhận ra thư thật đúng 24 lần. Một số sinh viên khác thì nhận được kết quả rất tệ. Họ chỉ đúng 1 trong 10 trường hợp.

Giống như nhiều nghiên cứu về tâm lý học khác, kết quả các sinh viên nhận được chỉ là giả. Mặc dù một nửa số thư là thật – chúng được thu thập từ sở cảnh sát Los Angeles, kết quả sinh viên được thông báo lại là giả.

Những sinh viên được báo là đúng gần hết, trên thực tế chẳng khá hơn những sinh viên sai gần hết là bao.

Trong giai đoạn hai của nghiên cứu, các nhà khoa học tiết lộ kết quả trên là giả. Họ cho các sinh viên biết, mục đích thực sự của thí nghiệm là đánh giá phản ứng của họ với suy nghĩ họ đúng hay sai. Cuối cùng, các sinh viên được yêu cầu đánh giá, họ phân biệt được đúng bao nhiêu thư tuyệt mệnh và tính trung bình một sinh viên chọn đúng được bao nhiêu.

Những sinh viên trong nhóm điểm cao nói rằng, họ nghĩ họ làm tốt hơn nhiều so với mức trung bình, kể cả khi họ không có lý do xác đáng cho niềm tin này. Ngược lại, những sinh viên trong nhóm điểm thấp nghĩ, họ làm kém hơn mức trung bình, một kết luận cũng vô căn cứ không kém.

“Mặc dù sau khi nhận được bằng chứng cho thấy, niềm tin của họ là sai, người tham gia vẫn không thay đổi suy nghĩ của mình. Một khi được hình thành, các định kiến đã ăn sâu vào suy nghĩ của họ”, các nhà nghiên cứu rút ra kết luận.

Nghiên cứu của đại học Stanford trở nên nổi tiếng vả được xác nhận bởi hàng nghìn thí nghiệm khác sau này. Tuy nhiên, có một vấn đề vẫn chưa được làm sáng tỏ: tại sao con người không thể thay đổi suy nghĩ sau khi biết sự thật?

Trong một cuốn sách mới, “Sự bí ẩn của lý trí”, hai nhà khoa học về não bộ Hugo Mercier và Dan Sperber đã chỉ ra lời giải đáp cho câu hỏi trên. Mercier và Sperber cho biết, lý trí là một đặc điểm tiến hóa, giống như việc con người chuyển sang đi bằng hai chân. Vì thế, vấn đề trên sẽ được mổ sẻ trong bối cảnh về quá trình tiến hóa của con người.

Quan điểm của Mercier và Sperber là như sau: Lợi thế lớn nhất của con người so với các động vật khác là khả năng hợp tác. Hợp tác là điều khó thành lập và cũng khó duy trì. Với bất cứ cá nhân nào, hành động một mình luôn là lựa chọn tốt nhất.

Lý trí phát triển không chỉ để giúp chúng ta giải quyết các vấn đề trừu tượng, logic hoặc thậm chí giúp chúng ta đưa ra kết luận từ các dữ liệu xa lạ, nó phát triển để giúp chúng ta giải quyết vấn đề phát sinh khi hợp tác với người khác.

Trong quá trình đó, con người đã hình thành nên “định kiến xác nhận”. Đây là xu hướng chấp nhận thông tin củng cố niềm tin và từ chối thông tin mâu thuẫn với niềm tin của con người. Trong nhiều dạng suy nghĩ lệch lạc được phát hiện, “định kiến xác nhận” là dạng phổ biến nhất. Nó là đề tài của nhiều thí nghiệm trong ngành tâm lý học.

Một trong các thí nghiệm nổi tiếng nhất về vấn đề này được thực hiện, một lần nữa, lại ở đại học Stanford. Trong thí nghiệm này, các nhà khoa học mời một nhóm sinh viên có quan điểm trái ngược về án tử hình đến tham gia. Một nửa số sinh viên ủng hộ án tử hình và cho rằng nó giúp ngăn ngừa tội phạm. Nửa còn lại phản đối án tử hình và cho rằng nó không có tác dụng ngăn ngừa tội phạm.

Các sinh viên được yêu cầu cho biết quan điểm về hai nghiên cứu. Một nghiên cứu cung cấp dữ liệu cho thấy hiệu quả ngăn ngừa tội phạm của án tử hình, và một nghiên cứu khác cung cấp dữ liệu ngược lại. Cả hai nghiên cứu đều là giả, và được thiết kế với nội dung mang tính thuyết phục và khách quan tương đương nhau.

Nhóm sinh viên ban đầu ủng hộ án tử hình đánh giá, dữ liệu về hiệu quả ngăn ngừa là đáng tin và dữ liệu phản đối không đáng tin. Nhóm sinh viên phản đối thì đánh giá ngược lại. Vào cuối thí nghiệm, các sinh viên được hỏi về quan điểm của họ một lần nữa. Sau một hồi tranh cãi, họ vẫn khẳng định quan điểm của mình là đúng.

Thí nghiệm trên cho thấy “định kiến xác nhận” chính là nhược điểm của lý trí. Nó khiến con người khó thay đổi suy nghĩ kể cả sau khi biết bằng chứng về sự thật. Đó là một đặc điểm tiến hóa tồi còn sót lại ở con người, khi quá trình chọn lọc tự nhiên đã không bắt kịp được những thay đổi của môi trường.

Nam Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM