Tại sao các hãng xe hơi đình đám của Mỹ lại thất bại tại Nhật dù không hề bị áp thuế nhập khẩu cao: Bài học về nhập gia tùy tục

30/01/2020 13:30 PM | Marketing

Tương tự, các thương hiệu xe hơi của Mỹ bị mang tiếng là sản xuất những chiếc xe quá lớn, đốt nhiên liệu không cần thiết và dễ bị hỏng trong vòng vài năm.

Nissan, Toyota, Suzuki, Mitsubishi và Honda có điểm gì chung? Tất cả chúng đều là thương hiệu Nhật Bản được ưa chuộng trên toàn thế giới.

Ngay cả ở Hoa Kỳ, các công ty Nhật Bản cũng kiểm soát được phần lớn thị trường. Ví dụ, Ford sở hữu 14,1% thị trường xe hơi, trong khi Toyota, một công ty Nhật Bản, sở hữu mức gần như tương tự là 14%.

Còn tại thị trường Nhật, Ford đã phải rời khỏi đây vào năm 2016 vì không cạnh tranh được thị phần. Vậy tại sao các thương hiệu xe của Nhật làm tốt như vậy còn các hãng của Mỹ thì không?

Trước tiên, tôi nói bạn biết, mức thuế cao không phải là lý do được nhắc đến ở đây. Trên thực tế, các công ty Nhật Bản phải trả thuế để được nhập khẩu ô tô vào Mỹ, nhưng chính phủ Nhật Bản rất tử tế khi không tính bất kỳ mức thuế như vậy đối với các công ty Mỹ nhập khẩu ô tô vào Nhật Bản.

Vậy tại sao xe hơi Mỹ lại thất bại ở xứ sở mặt trời mọc như vậy:


Vấn đề kích thước

Tại sao các hãng xe hơi đình đám của Mỹ lại thất bại tại Nhật dù không hề bị áp thuế nhập khẩu cao: Bài học về nhập gia tùy tục - Ảnh 1.

Nếu bạn tìm trên YouTube, bạn sẽ dễ dàng tìm thấy những video từ Nhật Bản nơi nhân viên nhà ga phải đẩy mọi người lên tàu để đóng cửa. Sự đông đúc là một vấn đề lớn ở một số thành phố của Nhật Bản cho đến tận ngày nay.

Tất nhiên, những người lái xe ô tô có thể thoát khỏi thử thách hàng ngày này, nhưng giao thông trên những con đường Tokyo đông đúc vẫn là một thách thức.

Giải pháp cho vấn đề này với người Nhật là xe Kei. Những chiếc xe này được sản xuất tại Nhật Bản, nhỏ gọn để dễ dàng lái vào bãi đỗ xe nhưng cũng đủ an toàn để chạy trên đường cao tốc. So với những chiếc xe lớn của Mỹ, những chiếc xe nhỏ hơn này phù hợp với đất nước đông dân Nhật Bản một cách dễ dàng.


Khách hàng Nhật không chỉ mua những gì sẵn có

Tại sao các hãng xe hơi đình đám của Mỹ lại thất bại tại Nhật dù không hề bị áp thuế nhập khẩu cao: Bài học về nhập gia tùy tục - Ảnh 2.

Không giống những đại lý ở phương Tây, nơi khách hàng phải mua những chiếc xe cố định, khách hàng ở Nhật sẽ có quyền tự do tùy chỉnh chiếc xe của mình.

Người mua xe ở Nhật không thích buộc phải mua những gì họ được đưa cho. Họ thích tự thiết kế một mẫu xe độc đáo của riêng mình, đưa thiết kế đó cho đại lý và đại lý sẽ gửi đi sản xuất theo yêu cầu của họ.

Họ sẽ mất khoảng vài tuần để đưa ra mẫu xe tùy chỉnh cho khách hàng. Nhưng nếu họ có thể kiểm soát được vẻ ngoài, nội thất bên trong hay công suất động cơ theo ý mình thì vài tuần là khoảng thời gian chờ đợi xứng đáng.

Còn các hãng xe của Mỹ lại không sẵn sàng cung cấp dịch vụ xa xỉ như vậy cho khách hàng Nhật của mình.


Trải nghiệm khách hàng cũng là một vấn đề

Tại sao các hãng xe hơi đình đám của Mỹ lại thất bại tại Nhật dù không hề bị áp thuế nhập khẩu cao: Bài học về nhập gia tùy tục - Ảnh 3.

Tham quan các đại lý xe ở hầu hết các nước phương Tây có thể là một nhiệm vụ khó khăn. Khi tôi đến thăm một đại lý xe ở New Zealand, người ta sẽ không cho tôi ra ngoài cho đến khi tôi mua một chiếc xe nào đó của họ.

Nếu tôi nói sẽ suy nghĩ và trả lời vào ngày mai. Họ sẽ nói những câu dạng như:

- OK, bạn hãy trả 500 USD để giữ chiếc xe này và trả phần còn lại vào ngày mai.

- Chúng tôi sẽ cho bạn vay tiền lãi suất thấp.

- Hãy cân nhắc lại vì xe sẽ tăng giá vào ngày mai.

Tôi không đùa đâu. Tôi có cảm giác mình sẽ bị bắt cóc hoặc trả thù nếu không mua xe. Tôi đã rất bực mình sau sự cố này, sau đó tôi có gọi cho một người bạn cùng nhà. Anh ấy nói: "Đây là điều bình thường ai cũng phải trải qua khi mua xe."

Vâng nhưng đó không phải ở Nhật Bản. Các đại lý Nhật Bản mang đến một trải nghiệm mua xe khá thanh lịch cho khách hàng của. Mối quan hệ giữa các đại lý xe hơi và người mua không phải chỉ là tiền. Đó là tinh thần hiếu khách và chăm sóc và khách hàng Nhật Bản sẽ không phải trải qua khó khăn mà người mua ở phương Tây phải trải qua.


Các hãng xe Mỹ không có nhiều tiếng tăm ở Nhật Bản

Tại sao các hãng xe hơi đình đám của Mỹ lại thất bại tại Nhật dù không hề bị áp thuế nhập khẩu cao: Bài học về nhập gia tùy tục - Ảnh 4.

Thử thách lớn nhất mà các thương hiệu ô tô Mỹ tại Nhật Bản phải đối mặt là nhận thức lỗi thời về chất lượng rằng xe của Mỹ ngốn nhiều xăng và quá lớn so với đường phố.

Nhận thức về một thương hiệu là điều rất quan trọng khi khách hàng đưa ra quyết định mua. Ví dụ, McDonald’s được coi là không lành mạnh mặc dù họ cũng bán cả xà lách. Một người có ý thức về sức khỏe thậm chí sẽ không bước vào McDonald’s vì nhận thức tiêu cực này.

Tương tự, các thương hiệu xe hơi của Mỹ bị mang tiếng là sản xuất những chiếc xe quá lớn, đốt nhiên liệu không cần thiết và dễ bị hỏng trong vòng vài năm. Nhận thức cần một thời gian dài để thay đổi, có thể là vài năm nhưng cũng có thẻ là vài thập kỷ. Và đôi khi, họ không bao giờ thay đổi định kiến của mình.

Rõ ràng, cách duy nhất ô tô Mỹ có thể tồn tại ở Nhật Bản là bắt tay với các công ty Nhật Bản hoặc ít nhất là thuê các chuyên gia xe hơi địa phương để giúp họ tìm đường vào thị trường Nhật Bản.

Tất cả mọi thứ từ tùy biến đến trải nghiệm khách hàng đều quan trọng đối với người mua xe Nhật Bản, và vì vậy những người bán xe Mỹ sẽ phải thay đổi nhiều khía cạnh để thành công hơn ở quốc gia này.

Mai Phương

Cùng chuyên mục
XEM