Thảm họa tiếp theo của nước Mỹ

05/10/2013 10:23 AM |

Có vẻ như sau hai cuộc khủng hoảng tài chính gần đây nhất, cuộc khủng hoảng thứ ba xuất phát từ nợ công của nước Mỹ là điều cuối cùng mà nền kinh tế thế giới cần đến.

Kể từ 11h trưa ngày 1/10 (theo giờ Việt Nam), hầu hết các cơ quan chính phủ của nước Mỹ buộc phải đóng cửa bởi hai đảng Cộng hòa và Dân chủ không thể nhất trí về ngân sách cho năm tài khóa tiếp theo. Tuy nhiên, nước Mỹ sẽ sớm phải đối mặt với hạn chót có tính chất nguy hiểm hơn nhiều: trần nợ. Vậy thì, trần nợ là gì và tại sao trần nợ lại gây nguy hiểm cho nước Mỹ?


Đầu tiên, cần nhận thức rõ ràng rằng chính phủ đóng cửa do không thể thông qua ngân sách và chính phủ đóng cửa do không thể nâng trần nợ là hai thứ hoàn toàn khác biệt với những hệ lụy hoàn toàn khác nhau. Ở Mỹ, rất nhiều cơ quan trực thuộc chính phủ - như cơ quan quốc phòng và các công viên quốc gia – chỉ được ngân sách tài trợ khi đã được Quốc hội thông qua. Nếu như Quốc hội không thông qua, các hoạt động này (ngoại trừ những dịch vụ được cho là cần thiết) phải tạm dừng. Đóng cửa là một biện pháp gây nhiều phiền toái và sẽ mang lại những hệ quả tiêu cực. Tuy nhiên, khi đó chính phủ không bắt buộc phải bội ước đối với những hứa hẹn trước đó. 

Đóng cửa trong trường hợp không thể nâng trần nợ thì khác. Từ những ngày đầu trong lịch sử nước Mỹ, Quốc hội nước này đã đặt ra giới hạn đối với số nợ mà Kho bạc Mỹ có thể phát hành. Từ năm 1917, mức trần nợ được thiết lập là 11,5 tỷ USD. Từ đó đến nay, Quốc hội Mỹ đã dần dần cho phép Kho bạc linh hoạt hơn trong việc phát hành nợ mới. 

Trần nợ chỉ trở thành vấn đề khi ngân sách bị thâm hụt. Nếu chính phủ chỉ có thể thu được 20 USD tiền thuế trong khi phải chi 25 USD, nước Mỹ phải đi vay 5 USD và nâng số nợ quốc gia thêm 5 USD. Tuy nhiên, điều này thường gây nên mâu thuẫn về mặt chính trị. Quốc hội có thể thông qua luật thuế và chi tiêu mà về mặt số học sẽ buộc chính phủ vẫn phải hoạt động trong khi ngân sách khi thâm hụt. Tuy nhiên, Quốc hội không thể thông qua mức trần nợ đủ cao để tài trợ cho thâm hụt. Bởi vậy, Kho bạc không thể có đủ điều kiện pháp lý để phát hành thêm nợ. Đây là đặc điểm chỉ có ở Mỹ. Nhật Bản và Đan Mạch cũng có trần nợ giống Mỹ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, trần nợ không gây áp lực nghiêm trọng lên các hoạt động của chính phủ. 

Kho bạc Mỹ đã chạm đến trần nợ 16.700 tỷ USD từ ngày 19/5. Kể từ đó đến nay, cơ quan này đã tạm thời dừng việc vay mượn từ nhiều tài khoản trong nước, sử dụng một số biện pháp bất thường để tiếp tục phát hành trái phiếu Kho bạc. Tuy nhiên, đến ngày 17/10 tới, các biện pháp này cũng không còn khả dụng. 


Kho bạc Mỹ sẽ làm gì tiếp theo? Cơ quan này có thể chi trả một số khoản bằng doanh thu thuế và dự trữ tiền mặt trị giá 30 tỷ USD. Tuy nhiên, trong một vài tuần tiếp theo, Kho bạc không thể hoàn thành các nghĩa vụ. Điều này không có nghĩa là nước Mỹ vỡ nợ. Mỹ vẫn có thể tái cấp vốn các khoản nợ đáo hạn bởi điều này không khiến tổng nợ quá hạn tăng lên. Để tránh vỡ nợ đối với những khoản lãi, Kho bạc có thể ưu tiên dành dòng tiền sắp tới để trả lãi  (đây là thủ thuật mà nhiều nhà phân tích dự đoán là sẽ được sử dụng). Điều này có nghĩa là từ bỏ nhiều nghĩa vụ hơn, bất chấp đó là khoản chi cho an sinh xã hội, y tế, triển khai quân đội hay chu cấp thực phẩm. Nếu chính phủ buộc phải cắt giảm chi tiêu ngay lập tức để phù hợp với doanh thu thuế trong kỳ tiếp theo, con số cắt giảm lên tới 3,4% GDP cho 1 năm tài khóa.

Tuy nhiên, kể cả khi Kho bạc Mỹ cố gắng dành ưu tiên cho việc trả lãi, nó có thể tính toán nhầm và không thể hoàn trả nợ đúng hạn. Điều này là chưa từng có tiền lệ và tạo nên những hệ quả xấu (xấu đến mức nào thì không ai có thể biết). 

Hệ thống tài chính của nước Mỹ cũng như hệ thống tài chính toàn cầu phụ thuộc vào bản chất phi rủi ro của các khoản nợ do Kho bạc phát hành và các ngân hàng cũng phải cân nhắc trước khi quyết định sẽ phân loại trái phiếu vào hạng mục nào. Vô số giao dịch có tài sản đảm bảo là trái phiếu kho bạc hoặc lấy giá trái phiếu làm giá tham chiếu sẽ bị ảnh hưởng. 


Cho đến nay, những hệ lụy từ việc con nợ lớn nhất và quan trọng nhất thế giới vỡ nợ vẫn chưa được biết đến rộng rãi. Có vẻ như sau hai cuộc khủng hoảng tài chính (khủng hoảng nợ dưới chuẩn ở Mỹ và khủng hoảng nợ ở châu Âu), cuộc khủng hoảng thứ ba xuất phát từ nợ công của nước Mỹ là điều cuối cùng mà nền kinh tế thế giới cần đến.

Thu Hương

huongnt

Cùng chuyên mục
XEM