Câu chuyện đằng sau sự chênh lệch giàu nghèo ở Mỹ

21/07/2012 16:28 PM |

Trong khoảng 30 năm trở lại đây, khoảng cách giàu nghèo giữa các bang của Mỹ đang ngày càng được mở rộng, trái ngược với xu hướng của thế kỷ trước. Nguyên nhân ở đây là gì?

Từ xưa đến nay, học thuyết kinh tế của nhà kinh tế học đã từng đạt giải Nobel Robert Solow đã được giảng dạy rộng rãi trong các trường kinh tế. 

Học thuyết này chỉ ra rằng sự thiếu hụt nguồn vốn ở các nơi nghèo hơn sẽ khiến dòng vốn từ các nơi giàu có hơn đổ về đây nhằm tận dụng lợi thế về giá trị cận biên cũng như hưởng lợi từ việc năng suất lao động tăng lên. Sau đó, sản lượng cân bằng trên khắp đất nước kéo theo xu hướng tương tự trong tiền lương. Khi dòng vốn được tự do lưu chuyển, nơi càng nghèo càng có tốc độ phát triển nhanh.

Trong suốt thế kỷ trước, học thuyết này tỏ ra đúng đắn khi chênh lệch thu nhập của người dân Mỹ đã được thu hẹp đáng kể. Những bang nghèo như Alabama đã bắt kịp với những nơi giàu có như California. Tuy nhiên, trong 30 năm qua, quá trình này đột ngột bị đứt quãng. 

Thu nhập của các vùng nghèo hơn không còn khả năng bắt kịp những vùng giàu có. Cuộc sống tốt đẹp hơn – điều lôi kéo người dân ở khắp mọi nơi trên đất Mỹ đến những vùng giàu có như New York và California – giờ đây chỉ đúng với tầng lớp tinh hoa có học thức cao. Lí do đơn giản là giá nhà ở đây quá đắt đỏ. 

Những bang có thu nhập cao nhất nước Mỹ cũng đã từng là các bang có dân số tăng nhanh nhất. Theo thời gian, xu hướng dịch chuyển này khiến khoảng cách thu nhập được thu hẹp. Năm 1940, thu nhập bình quân đầu người của Connecticut gấp hơn 4 lần so với Mississippi. Tuy nhiên, đến năm 1980, thu nhập của Connecticut chỉ cao hơn 76% so với Missisippi. 

Có lẽ dòng người di cư chính là nguyên nhân của sự thay đổi này. Xu hướng di cư đã thay đổi sau năm 1980. Người dân Mỹ không còn di chuyển đến những nơi giàu có như San Francisco, New York hay Boston. Những bang có thu nhập ở mức trung bình như Phoenix và Florida là sự lựa chọn mới. Những lao động có trình độ thấp (dưới Đại học) còn rời khỏi các bang có thu nhập cao. 

Vấn đề ở đây không phải là họ không thể tìm được việc làm với thu nhập cao mà là sự chênh lệch sức mua. Ở những nơi như New York hay Los Angeles, giá nhà đắt đỏ khiến những thợ máy, nhân viên bán thuốc hay thợ cắt tóc mất hết thu nhập có được từ làm thêm giờ.

Có 2 mô hình cạnh tranh đã được các thành phố của Mỹ áp dụng thành công. Một số thành phố khuyến khích dân số tăng trưởng, nuôi dưỡng tầng lớp trung lưu và lấy gia đình làm trung tâm. Mô hình này đến nay vẫn chiếm ưu thế ở miền Nam và Tây Nam nước Mỹ.  

Trong khi đó, mô hình còn lại ưa chuộng những công dân gắn bó lâu dài, thu hút những người có trình độ và năng suất lao động cao, tập trung vào kiến thiết thành phố với những công trình tráng lệ. Các qui định liên quan đến xây dựng được áp dụng rất chặt chẽ, hạn chế việc xây nhà mới.  Mô hình này phổ biến ở khu vực bờ Tây, Đông Bắc và ở những thành phố đẹp đẽ như Boulder, Colorado, Santa Fe và New Mexico. 

Sự khác biệt về cấu trúc khiến 2 mô hình này có những đặc điểm kinh tế, chính trị, xã hội hoàn toàn khác nhau và cũng thu hút những cư dân khác biệt. Trong khi mô hình đầu tiên khuyến khích nhập cư và dòng vốn lưu chuyển dễ dàng, mô hình thứ 2 khiến khoảng cách giữa các thành phố ngày càng lớn. 

Bên cạnh đó, nguyên nhân khiến các thành phố thu nhập cao siết qui định nhập cư không chỉ nằm ở trình độ học vấn. Khi người ta trở nên giàu có hơn và thành phố đông đúc hơn, việc xem xét đánh đổi giữa nhà giá rẻ cho người mới đến và một môi trường dễ chịu hơn lại bị thay đổi. 

Khi các nhà kiến thiết thời kỳ hậu chiến tranh biến các vườn cam ở California thành khu ngoại ô đầy ắp dân cư, những ngôi nhà mới dành được nhiều sự chú ý hơn là cảnh quan. Ngược lại, giờ đây, chính những cư dân California lại lo sợ nơi đây đang mất đi khung cảnh thiên nhiên tuyệt vời – điều đầu tiên đã thu hút họ đến với nơi này. 

Cuối cùng, sự khác biệt về mục đích sử dụng cũng có thể là một lí do. Người dân có thể mua nhà để ở những cũng có những trường hợp coi nhà là một công cụ đầu tư hứa hẹn mang lại lợi nhuận cao trong tương lai. Hạn chế xây nhà mới tại nơi mà người dân thực sự có nhu cầu mua nhà để ở khiến giá nhà tăng cao chóng mặt. Các luật lệ khiến những lao động thực sự muốn có nhà để ở bị thua thiệt trong khi chỉ làm lợi cho những người chủ sở hữu. 

Minh Anh

huongnt

Cùng chuyên mục
XEM