Sữa trẻ em ‘hồi sinh’ sau bê bối nhiễm độc melamine cách đây 10 năm, một doanh nhân Trung Quốc trở thành tỷ phú USD

07/11/2019 10:55 AM | Kinh doanh

Hơn một thập kỷ sau vụ bê bối sữa bột trẻ em nhiễm độc, quốc gia đông dân nhất thế giới đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu bằng kế hoạch tăng sản lượng trong nước.

China Feihe, nhà sản xuất sữa trẻ em lớn nhất Trung Quốc là người hưởng lợi nhiều nhất từ chính sách được công bố vào tháng 6 vừa qua và giám đốc điều hành Leng Youbin nhiều khả năng sẽ trở thành tỷ phú USD khi công ty này chuẩn bị IPO tại Hong Kong.

Theo một số nguồn tin thân cận, China Feihe dự kiến bán ra 893,3 triệu cổ phiếu với giá 7,5 đô la Hong Kong/cổ phiếu. Như vậy, giá trị thị trường của công ty sẽ đạt khoảng 8,5 tỷ USD. Bloomberg Billionaire Index ước tính với việc sở hữu 48% cổ phần China Feihe, tài sản của Leng sẽ tăng lên hơn 4 tỷ USD. Đại diện công ty từ chối bình luận về vấn đề này.

Theo bản cáo bạch, thị phần của Feihe đã tăng hơn gấp đôi trong hai năm lên 7,3% vào năm 2018. Công ty có trụ sở tại Bắc Kinh này báo cáo doanh thu 10,4 tỷ nhân dân tệ (tương đương 1,5 tỷ USD), trong đó sữa cao cấp dành cho trẻ sơ sinh chiếm 64% tổng số.

Gu Xiangjun, một nhà phân tích tại Capital Securities ở Thượng Hải cho biết: "Nhu cầu đối với các sản phẩm hữu cơ cao cấp ở Trung Quốc đang ngày càng gia tăng". Ngoài ra, việc Trung Quốc cho phép các cặp vợ chồng có 2 con thay vì 1 vào năm 2015 cũng là một yếu tố giúp thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ sữa trẻ em.

Ngành công nghiệp sữa trẻ em đã bị ảnh hưởng nặng nề năm 2008 sau bê bối nhiễm độc melamine khiến 6 trẻ em tử vong và đầu độc gần 300.000 nạn nhân khác và hơn 50.000 bé phải nhập viện.

Vụ việc này còn dư âm đến ngày nay khi một bộ phận người tiêu dùng Trung Quốc vẫn tìm kiếm các sản phẩm thay thế nhập khẩu từ nước ngoài. Chuyển sữa trẻ em đến Trung Quốc đã trở thành một ngành công nghiệp béo bở ở Úc. Các cửa hàng pop-up (mọc lên và biến mất sau một thời gian ngắn) tại Melbourne đã có thêm dịch vụ giao hàng sữa bột đến quốc gia này do nhu cầu khá lớn của người dân.

Ông Cai Fangliang, chủ tịch của Feihe phát biểu trong một cuộc họp báo cuối tháng trước: "Suốt 57 năm qua, chúng tôi giữ kỷ lục về việc không vướng phải bất kỳ vấn đề an toàn thực phẩm nào. Chất lượng sản phẩm chính là cuộc sống của công ty chúng tôi".

Leng không phải là người duy nhất hưởng lợi từ sự tăng trưởng của Feihe.

Theo bản cáo bạch, Liu Yonghao, nhà sáng lập tỷ phú của New Hope Group, đã mua lại 2% Feihe với giá 100 triệu USD vào tháng 5 vừa qua. Lượng cổ phần đó hiện có giá trị ít nhất là 159 triệu USD. Liu là ông chủ của tập đoàn kiểm soát một nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi là người giàu thứ 15 của Trung Quốc với tài sản ròng trị giá 12 tỷ USD, theo chỉ số của Bloomberg.

Leng phát biểu tại một cuộc họp báo ở Hong Kong: "Tập đoàn New Hope là đơn vị dẫn đầy trong ngành nông nghiệp ở Trung Quốc. Tôi tin rằng chúng tôi có thể chia sẻ tài nguyên để hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi và các sản phẩm từ sữa".

Hongguang Dairy, tiền thân của Feihe được thành lập năm 1962 với tư cách là một doanh nghiệp nhà nước và sau đó đổi tên thành Zhaoguang Dairy. Leng bắt đầu làm việc ở đó năm 1987 với nhiều vai trò khác nhau trong khoảng một thập kỷ. Ông tiếp tục mua hơn 95% tài sản của công ty với giá 7 triệu nhân dân tệ khi các công ty nhà nước của Trung Quốc trải qua một cuộc tái cấu trúc để thích ứng với nền kinh tế thị trường. Leng tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp Đông Bắc tại Hắc Long Giang năm 1995. Sau đó, ông lấy bằng MBA từ trường kinh tế Đại học Bắc Kinh.

Gia Vũ

Cùng chuyên mục
XEM