Nữ hoàng trang sức vỡ nợ: Cơn bĩ cực của các doanh nghiệp tư nhân ở Trung Quốc
Cuộc đời của bà Zhou chính là một phần của thực tế phũ phàng mà nhiều doanh nhân nổi tiếng đã từng góp phần giúp kinh tế Trung Quốc bùng nổ đang phải đối mặt.
Thời niên thiếu, những năm 1970, Zhou Xiaoguang kiếm sống bằng cách đi bán rong đồ nữ trang rẻ tiền. Bà đi từ thành phố này sang thành phố khác và ngủ trên tàu hỏa. Ngày nay Zhou được mệnh danh là "nữ hoàng trang sức", là bà chủ của công ty nữ trang tùy chỉnh lớn nhất thế giới, Neoglory Holdings Group Co.
Không chỉ có trang sức, Zhou còn mở rộng đế chế của mình sang cả mảng khách sạn, văn phòng và trung tâm thương mại. Bà cũng có 1 ghế trong quốc hội, lọt vào danh sách "Doanh nhân của năm" do Ernst&Young bình chọn và xây dựng tòa nhà cao nhất ở Yiwu.
Nhưng những ngày này Zhou lại được biết đến nhiều nhất bởi 1 thứ không mấy vui vẻ: khoản nợ hàng tỷ USD của bà. Hồi tháng 4, tòa án tuyên bố Neoglory "không thể hoàn trả nợ đúng hạn, và không có đủ tài sản để thanh toán toàn bộ nợ".
Cuộc đời của Zhou chính là một phần của thực tế phũ phàng mà nhiều doanh nhân nổi tiếng đã từng góp phần giúp kinh tế Trung Quốc bùng nổ đang phải đối mặt.
Năm ngoái, Chenxi Group của "ông vua đậu nành" Shao Zhongyi đã phá sản vì bị đòi nợ đột ngột. Đầu năm nay, nhà sáng lập của công ty sản xuất máy công nghiệp Zhejiang Jindun nhảy lầu tự tử, hé lộ khoản nợ hơn 1,4 tỷ USD.
Đối với 1 thế hệ, giai đoạn kinh tế bùng nổ là cơ hội quý báu để mở rộng sự bành trướng, và không ít người đã hăng hái đi vay để chớp lấy cơ hội đó. Theo báo cáo Hurun, năm 2018 Trung Quốc sản sinh ra 4 tỷ phú chỉ trong 1 tuần và đứng số 1 thế giới về số lượng tỷ phú tự thân. Nhưng đồng thời tổng nợ cũng tăng gấp 4 và hiện gấp 3 lần GDP năm 2018. Trong đó nợ doanh nghiệp chiếm 2/3, tức hơn 26.000 tỷ USD.
Nền kinh tế tăng trưởng quá nóng cũng khiến nhiều công ty phạm phải sai lầm về chiến lược. Không chỉ vay nợ quá nhiều, họ còn lấn sân sang những lĩnh vực không phải thế mạnh và có mức độ cạnh tranh khốc liệt. Giờ đây rắc rối đang dần nảy nở khi mà kinh tế Trung Quốc tăng trưởng ở tốc độ thấp nhất trong hơn 25 năm trở lại đây.
Các doanh nghiệp nhà nước nợ nhiều nhất, nhưng khối doanh nghiệp tư nhân mới là nhóm đang ở trong tình trạng khốn khổ nhất vì họ nhận được ít hơn sự hỗ trợ của nhà nước và khó tiếp cận nguồn vốn hơn.
Neoglory có thể trở thành 1 tập đoàn hùng mạnh chủ yếu nhờ những khoản vay đã lên tới 6,8 tỷ USD bất chấp các tài liệu cho thấy công ty khan hiếm tiền mặt và lợi nhuận thì yếu ớt. Neoglory còn tìm đến những khoản vay liều lĩnh với thời hạn trả nợ ngày càng ngắn.
Mới đây Zhou vẫn được xếp vào nhóm những người giàu nhất Trung Quốc. "Mặc dù mùa đông có thể rất khắc nghiệt để sống sót, đó lại là thời cơ tốt để xem xét lại mọi thứ", nữ doanh nhân 56 tuổi chia sẻ trong 1 sự kiện gần đây.
Neoglory cho biết công ty đã dấn thân kế hoạch triển khai mô hình bán lẻ mới và ở thời điểm trước hoạt động bán hàng online có nhiều triển vọng hơn so với bây giờ. Neoglory cũng đã tính toán sai về mảng bất động sản. "Chúng tôi đã quá lạc quan về nền kinh tế và không chuẩn bị sẵn sàng để tiến hóa", người phát ngôn của công ty nói, bổ sung thêm rằng tình trạng của Neoglory không hề hiếm gặp.
Năm 1985, Zhou có cửa hàng đầu tiên ở Yiwu và Neoglory bắt đầu sản xuất từ năm 1995. Trong vòng 1 thập kỷ, Zhou là người phụ nữ giàu nhất ở Zhejiang và là một trong những biểu tượng cho sự trỗi dậy của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Bà cùng với các công ty xuất khẩu khác biến Yiwu thành trung tâm buôn bán hàng giá rẻ tầm cỡ thế giới, với trung tâm bán buôn đủ mọi hàng hóa từ những đôi tất cho đến đồ trang trí Giáng sinh. Những chiếc vòng cổ và khuyên tai của Neoglory được bán ra trên khắp thế giới, cả trên Amazon.com hay tại J.C. Penney ở Mỹ, thường có đặc trưng là những viên đá của Swarovski. Lúc đỉnh điểm tổ hợp nhà máy khổng lồ của bà có tới 7.000 nhân viên.
Neoglory đã phát triển các dự án chung cư và villa bằng nguồn vốn được tài trợ từ trái phiếu. Tuy nhiên khi mà nền kinh tế giảm tốc, Neoglory đối mặt với chi phí đi vay tăng cao ở quê nhà trong khi các đối thủ ở nước ngoài được hưởng chi phí rẻ hơn.
Năm 2017, Bắc Kinh bắt đầu siết chặt quản lý hoạt động cho vay kể cả đối với hệ thống ngân hàng và các công ty cho vay online. Chiến dịch giảm nợ khiến nhiều công ty tư nhân rơi vào cảnh thiếu tiền mặt. Và những nhược điểm cốt lõi của Neoglory đã bộc lộ: ngành trang sức từng là 1 thị trường ngách giờ đã xuất hiện quá nhiều đối thủ, khiến lợi nhuận thặng dư sụt giảm mạnh. Trong khi đó các trung tâm thương mại và dự án chung cư giống như bà Zhou đang phát triển cũng mọc lên như nấm.
Với tốc độ tăng trưởng giảm từ mức đỉnh 10,6% trong năm 2010 xuống chỉ còn hơn 6% như hiện nay, thứ nền kinh tế Trung Quốc cần đến nhất để tạo đà cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo là những công ty ít phụ thuộc hơn vào xây dựng và xuất khẩu. Tuy nhiên những khoản nợ lớn khiến các doanh nghiệp không thể đầu tư để tái tạo nền kinh tế, và họ còn đang bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại với Mỹ.
Tháng trước, các nhà đầu tư một lần nữa cảm nhận được áp lực từ nợ khi Chính phủ lần đầu tiên trong mấy chục năm trở lại đây tiếp quản 1 ngân hàng nhỏ ở miền Tây Bắc, Baoshang Bank, khiến thị trường tiền tệ và thị trường trái phiếu dậy sóng.
Từ mức không đáng kể cách đây 1 thập kỷ, năm ngoái các công ty Trung Quốc gánh 1.720 tỷ USD nợ xấu, cao thứ hai thế giới, chỉ đứng sau Mỹ theo số liệu thống kê của OECD. Nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo tốc độ tăng nợ như vậy là đáng báo động vì đã gây ra suy thoái ở nhiều nước khác, kể cả trước khi khủng hoảng tài chính nổ ra.
Năm ngoái đã có hơn 18.000 công ty làm thủ tục phá sản thành công, cao gấp đôi năm trước đó. Năm ngoái Trung Quốc cũng ghi nhận số vụ vỡ nợ trái phiếu cao kỷ lục, 125 vụ, cao gấp 5 lần con số năm 2015. Thậm chí kể từ đầu năm đến nay tốc độ vỡ nợ trái phiếu còn tăng nhanh hơn.