Sự trỗi dậy của Oppo, Vivo dự báo 'ngày tàn' của Apple ở Trung Quốc?
Trong khi doanh số bán iPhone của Apple tại Trung Quốc giảm thời gian gần đây, những thương hiệu mới nổi như Oppo hay Vivo lại đang ngày một trở nên phổ biến.
Đi tới đâu bây giờ Li Dong - một nam công nhân 25 tuổi ở tỉnh Trịnh Châu, Trung Quốc cũng chỉ nhìn thấy 2 từ “Oppo” và “Vivo”. Anh Li cho biết: "Các quảng cáo xuất hiện khắp mọi nơi trong thành phố với câu nói thông dụng của Oppo là: Sạc điện thoại trong vòng 5 phút và trò chuyện trong 2 giờ".
Trên những biển quảng cáo hay bến xe bus và cả trên TV và mạng xã hội, 2 thương hiệu điện thoại thông minh này – cùng thuộc sở hữu của một công ty chủ quản – đều trung thành với những loại quảng cáo chớp nhoáng mà rất hiếm khi thấy trong lĩnh vực di động của Trung Quốc.
Đơn vị sở hữu của 2 thương hiệu này là công ty BBK Electronics là nhà sản xuất ở tỉnh Quảng Đông vốn ít được biết đến bên ngoài Trung Quốc. Oppo bán những dòng điện thoại thông minh cao cấp với camera được cải tiến và thân làm bằng kim loại với nhiều màu sắc như vàng và vàng hồng. Còn Vivo bán những thiết bị giá rẻ nhắm tới các khách hàng trẻ tuổi.
Trong khi doanh số bán iPhone của Apple giảm thời gian gần đây, những thương hiệu mới nổi lại đang ngày một trở nên phổ biến – nhờ vào những cửa hàng bán theo phong cách cũ và những "cơn mưa" quảng cáo.
Hiện tại, theo số liệu của Strategy Analytics, Oppo và Vivo xếp vị trí thứ 2 và 3 trong thị trường điện thoại thông minh ở Trung Quốc dựa trên số lượng bán cho các đại lý. Hai thương hiệu này đang đuổi theo sát nút với đối thủ Huawei Technologies.
Thành công của những thương hiệu như Oppo và Vivo kể trên gây ra nhiều thử thách hơn cho Apple – công ty sắp cho ra mắt thế hệ iPhone tiếp theo vào tháng 9 tới đây. Trung Quốc từng là thị trường phát triển nhanh nhất của Apple nhưng thị phần của họ trong quý vừa qua đã giảm xuống dưới 7% theo Strategy Analytics.
“Apple đang chiến đấu để giành giật lượng khách hàng trung lưu tại Trung Quốc – nơi người tiêu dùng đang ngày càng khó tính hơn và tìm kiếm nhiều giá trị sản phẩm hơn chứ không chỉ là thương hiệu”, theo Nicole Peng – Giám đốc công ty nghiên cứu Canalys China Research. “Đây là thị trường đầy thử thách cho Apple”.
Những hãng smartphone đang dẫn đầu thị phần ở Trung Quốc:
Một trong 2 thương hiệu, Oppo đang nhắm trực tiếp tới những khách hàng – những người sẽ mua iPhone. Những dòng điện thoại của họ cung cấp nhiều tính năng giống với iPhone mà giá cả lại phải chăng hơn: R9 Plus là dòng điện thoại đắt nhất của Oppo có giá khoảng 3.299 yuan (495 USD) cho 1 chiếc có bộ nhớ 128GB. Mức giá này bằng với giá sản phẩm rẻ nhất của Apple là 3.288 yuan cho 1 chiếc iPhone SE 16GB.
Lu Lama – giám đốc phát triển công nghệ của Oppo nói rằng trong những năm qua công ty của anh đang tập trung vào việc xây dựng kênh bán lẻ riêng trong khi hầu hết các thương hiệu khác lại theo đuổi chiến lược bán hàng thông qua nhà mạng và nền tảng thương mại điện tử.
“Chiến lược của chúng tôi giống như chơi một trò board game (trò chơi liên quan đến những miếng thẻ hoặc những quân cờ được đặt hoặc di chuyển trên một mặt phẳng)”, theo Lu. “Chúng tôi tập trung toàn bộ sức lực di chuyển những quân cờ của mình, bên lãnh thổ của mình mặc cho đối thủ đang làm bất kể điều gì”.
Những "đối thủ" mà Huawei nhắc tới kể trên bao gồm: Huawei - họ bán điện thoại chủ yếu thông qua các nhà cung cấp dịch vụ còn Xiaomi lại được xem là đơn vị tiên phong trong mô hình bán hàng trực tuyến.
Oppo và Vivo thay vào đó lại tạo dựng những cửa hàng bán lẻ trực tiếp với những thỏa thuận phân phối độc quyền – và khởi đầu từ những thành phố nhỏ - nơi mọi người có thói quen mua sắm theo cách truyền thống. Giống như KFC hay McDonald’s, họ đánh chiếm tới mọi ngõ ngách của các thị trấn, trở thành lựa chọn điện thoại mặc định cho người tiêu dùng ở rất nhiều quốc gia.
“Đây giống như một hình thức nhượng quyền”, theo Peng – một chuyên gia phân tích. “Điều này khiến những nhà phân phối có động lực nhiều hơn để giúp họ bán điện thoại”.
“Các cửa hàng của Vivo và Oppo có mặt ở mọi nơi vì vậy rất thuận tiện cho khách hàng khi mua hàng”, theo anh Li – một công nhân nhà máy – người mới đây đã quyết định mua cho mình chiếc Vivo X7 với giá 2.598 yuan (tương đương 391 USD).
Oppo đã tăng gấp đôi thị phần tại Trung Quốc chỉ trong 1 năm qua theo Strategy Analytics lên mức 14%. Cùng thời gian đó, Vivo đã giành được 12% thị phần, tăng từ mức 7,4% dựa trên lượng điện thoại phân phối tới các đại lý. Huawei vẫn là đơn vị đứng ở vị trí số 1 với 18% thị phần nhưng Apple và Xiaomi cả 2 đều chứng kiến sự sụt giảm thị phần mạnh.
Rõ ràng chiến lược của Oppo và Vivo đã mang lại hiệu quả và cả Huawei và Xiaomi đều đang có động thái "bắt chước" khi cả 2 công ty đều đang lên kế hoạch mở thêm những cửa hàng bán lẻ.
Ngoài ra, Xiaomi – đơn vị vốn chỉ phụ thuộc chủ yếu vào quảng cáo trên mạng xã hội cũng đã ra mắt những biển quảng cáo vào tháng trước với sự xuất hiện của những diễn viên nổi tiếng Trung Quốc và câu slogan mang tinh thần yêu nước: “Made-in-China Smartphones - Chiếc điện thoại được làm ở Trung Quốc”.
Xiaomi đầu tiên nổi lên nhờ cung cấp những thiết bị công nghệ cao với giá rẻ - thu hút khách hàng và trở thành công ty khởi nghiệp giá trị nhất Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện tại họ đang gặp khó khăn trong bối cảnh khách hàng càng ngày càng trở nên khó tính hơn.
Một câu chuyện có thể minh họa cho khó khăn kể trên: Năm ngoái, khi CEO của Xiaomi là Lei Jun tổ chức một sự kiện để tiết lộ về kế hoạch bảo hành sản phẩm – giống với AppleCare của iPhone – anh nghĩ rằng mọi người sẽ vui mừng khi mình tiết lộ mức giá là 29 yuan (4,37 USD) so với mức 79 USD hay 99 USD của Apple. Thay vào đó, Lei Jun lại nghe thấy một vài người trong đám đông phản ứng ngược lại.
“Tôi nghe thấy một vài người la hét rằng 'Miễn phí', ông Lei nói trong sự kiện. “Miễn phí là quá tàn nhẫn với Xiaomi… 29 yuan không phải là mức phí quá đắt’.
Thành công của Oppo và Vivo cho thấy sức mạnh của những cửa hàng bán lẻ trực tiếp, theo William Lu – CEO của nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc Gionee Communications Equipment.
Thị trường đỉnh điểm của Xiaomi 2 năm trước, khi thương mại điện tử đang phất lên dự đoán rằng hơn một nửa số lượng điện thoại thông minh sẽ được bán trực tuyến trong tương lai.
“Thời điểm hình thức bán lẻ truyền thống có khả năng tuyệt chủng là lúc Trung Quốc đang hỗn loạn. Tuy nhiên bạn có thể tưởng tượng ra một thế giới giống như vậy được không? Khi mà ai cũng chỉ ở nhà và chả ai ra đường ngoài những người giao hàng?"