Steve Jobs đã "lừa dối" giới công nghệ và sau đó thay đổi cả thế giới bằng cách nào?

15/07/2017 11:30 AM | Kinh doanh

Steve Jobs không bao giờ nói dối về chiếc iPhone đầu tiên, chỉ có điều ông tiết lộ sự thật trước khi nó thật sự tồn tại.

Bạn có bao giờ cố ý lừa dối một khách hàng, đám đông, các phương tiện truyền thông? Steve Jobs đã làm vậy. Và nhờ điều này ông mới có thể thay đổi cả thế giới.

Câu chuyện quay về thời điểm năm 2007, khi Apple lần đầu tiên giới thiệu iPhone ra mắt công chúng. Jobs biết ông sở hữu một sản phẩm sẽ ảnh hưởng lớn đến cách con người sử dụng công nghệ và tác động mạnh mẽ tới lợi nhuận của công ty trong tương lai.

Tháng 1 năm đó, ông lên kế hoạch giới thiệu Iphone tại hội nghị Macworld của công ty, nơi sẽ tập trung hàng loạt khách hàng, đối tác, giới truyền thông, chuyên gia công nghệ,…Vấn đề đặt ra là: chiếc Iphone hoàn thiện thời điểm này không hề tồn tại. Trong tay Jobs chỉ là một mô hình lỗi, đầy thiếu sót cùng một vài ý tưởng lớn lao mà ông tin chắc sẽ thành công.

Vậy Jobs đã xử lý thế nào? Ông quyết định sẽ nói dối khán giả.

Do bị lỗi nên chiếc Iphone không thể phát toàn bộ một bản audio hay video bất kỳ mà thường dừng lại giữa chừng. Nếu gửi email rồi mới lướt web thì không sao, nhưng nếu lướt web trước sau đó quay lại gửi email, máy cũng dừng hoạt động luôn.

Để giải quyết vấn đề này, Steve Jobs yêu cầu đội ngũ phát triển sáng tạo ra một lộ trình gọi là “Golden Path”. Theo đó, các tác vụ sẽ được trình bày theo từng bước cụ thể, đảm bảo máy không bị “đơ” trong quá trình biểu diễn trước khán giả. Ông chủ Apple còn có bước tiến xa hơn khi yêu cầu các lập trình viên phải làm cho điện thoại luôn hiện 5 vạch sóng, dù tín hiệu thực tế có thể yếu hơn rất nhiều.

Tuy nhiên vẫn còn một trở ngại nữa cần vượt qua. Vì thiết bị đầu tiên chỉ có dung lượng 128MB trong khi các ứng dụng lại chưa thiết kế hoàn chỉnh, rất nặng và ì ạch, nên máy thường liên tục khởi động lại để giải phóng RAM. Steve Jobs đã nghĩ ra cách sử dụng nhiều điện thoại trên sân khấu cùng một lúc. Khi thiết bị có dấu hiệu hết bộ nhớ, ông lập tức tráo đổi bằng thiết bị khác để thiết bị trước đó có thời gian khởi động lại.

Jobs dành 5 ngày liên tục để tập duyệt bài thuyết trình nhưng Grigon, kỹ sư cấp cao của Apple thời điểm đó, khẳng định lần nào chiếc điện thoại cũng gặp trục trặc. Tuy nhiên thật bất ngờ, trong lần trình diễn quan trọng nhất, Steve Jobs không để xảy ra một lỗi nào và bài trình bày được cả thế giới tung hô là “làm nên lịch sử”.

Rõ ràng Steve Jobs không thể chắc chắn các tính năng ông mong muốn trên chiếc Iphone “hoàn hảo” sẽ thật sự hoạt động trong thế giới thực. Nhưng ông vẫn tiến tới bằng một cuộc thuyết trình đầy lừa dối. Tại sao? Vì ông tin rằng những gì mình đang làm là đúng đắn.

Nếu bạn có hành động nào lừa dối khách hàng, hãy chắc rằng bạn làm thế vì một mục đích chính đáng!

Hồng Lam

Cùng chuyên mục
XEM