Startup "xe điện 3 bánh" muốn xóa bỏ xe máy, Shark Hùng Anh khuyên: Cách đi an toàn nhất, tốt nhất là theo lối người ta đã dẫn đường trước, mình chỉ mở rộng ra thôi!

17/10/2023 11:03 AM | Kinh doanh

"Anh ngày xưa cũng gọi vốn hoài mà chẳng ai đồng ý. Không phải người ta không nhìn ra tâm huyết, nhưng người ta biết chắc chắn dự án thất bại thì không ai bỏ tiền", Shark Hùng Anh đưa ra lời khuyên với Cababa – startup làm xe điện 3 bánh với niềm tin sẽ có một nơi nào đó trên thế giới cho phép lưu hành loại xe này.

Startup "xe điện 3 bánh" muốn xóa bỏ xe máy, Shark Hùng Anh khuyên: Cách đi an toàn nhất, tốt nhất là theo lối người ta đã dẫn đường trước, mình chỉ mở rộng ra thôi! - Ảnh 1.

Shark Lê Hùng Anh xem sản phẩm xe điện 3 bánh của startup Cababa. Ảnh: Shark Tank Việt Nam.

Trong tập 3 chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 6, Founder Cababa Nguyễn Tuấn Anh mang đến một sản phẩm khá “độc lạ”: Chiếc xe điện 3 bánh thân hẹp có buồng lái kín, hệ thống điều hòa nhiệt độ. Xe được trang bị cơ chế cân bằng chủ động để khắc phục nhược điểm lớn nhất của các chiếc xe thân hẹp nói chung là dễ bị lật khi vào cua.

Diện tích chiếm dụng mặt đường của sản phẩm tương đương một xe máy và 1/3 chiếc ô tô bé nhất đang bán ngoài thị trường. Xe có thể di chuyển 200 km trên một lần sạc với phiên bản pin gắn liền thân xe, hoặc 150 km với phiên bản pin có thể tháo rời. Giá bán dự kiến là 100 triệu đồng. 

Đến thời điểm hiện tại, chiếc xe đã hoàn thiện hệ thống lái, hệ thống treo và cân bằng, đang tiếp tục hoàn thiện khung vỏ và các tiện ích bên trong xe như điều hòa nhiệt độ, giải trí. Cababa kêu gọi số vốn 1,8 tỷ cho 5% cổ phần công ty.

Sản phẩm "đến từ tương lai"

Khi được hỏi đây là ô tô hay xe máy, Founder Tuấn Anh trả lời “không phải ô tô cũng không phải xe máy, đó là thứ đến từ tương lai”. Ngay lập tức, Shark Phạm Thanh Hưng hỏi lại rằng: “Công ty đăng kiểm hỏi thì bạn trả lời thế nào?”.

Theo nhà sáng lập Cababa, hiện tại có 38/52 bang của Mỹ cho lưu hành loại xe tương tự sản phẩm xe điện 3 bánh của anh và người sử dụng cần bằng lái ô tô.

Đến khi nào hạ tầng giao thông mới phát triển? Em không thể làm được cái đó. Cái em có thể làm được là dần dần xóa bỏ văn hóa xe máy”, Tuấn Anh bày tỏ mong muốn trước các “cá mập”.

Chúng ta phải nói lời cảm ơn rất nhiều công ty nước ngoài vì họ đã mang tới cho chúng ta xe máy, ô tô, xe đạp. Xe điện là cơ hội rất lớn, không chỉ bọn em mà cho rất nhiều doanh nghiệp khác có thể làm cái gì đó cho đất nước và xuất khẩu. Em nghĩ em sẽ xuất khẩu trước khi bán ở Việt Nam. Sẽ có một nơi nào đó chấp nhận chiếc xe này. Bằng chứng là Mỹ có, Nhật có, châu Âu có”, anh tiếp tục trình bày.

Tuy nhiên, khi được hỏi về bức tranh kinh tế sau 3-5 năm, Tuấn Anh chỉ cho biết tầm nhìn của Cababa đến năm 2030 sẽ là công ty số 1 Đông Nam Á về lĩnh vực micro mobility, nhưng không trả lời được về doanh thu, giá trị công ty hay số lượng sản phẩm bán ra.

Thẳng thắn mà nói thì xin lỗi, em chưa nhìn xa đến thế. Em đến đây gọi vốn với tầm nhìn 6 tháng để tạo ra 5 sản phẩm nữa, trong đó có 2 phiên bản pin gắn liền, 2 phiên bản pin tháo rời”, Tuấn Anh cho hay.

Startup "xe điện 3 bánh" muốn xóa bỏ xe máy, Shark Hùng Anh khuyên: Cách đi an toàn nhất, tốt nhất là theo lối người ta đã dẫn đường trước, mình chỉ mở rộng ra thôi! - Ảnh 2.

Hai đại diện startup Cababa trình bày về sản phẩm. Ảnh: Shark Tank Việt Nam.

"Không ai bỏ tiền cho mình xây dựng ước mơ"

Sau phần trình bày của Tuấn Anh, Shark Lê Hùng Anh chia sẻ rằng ông nhìn nhà sáng lập này giống hệt mình ngày xưa: lúc nào cũng nghĩ về niềm đam mê cháy bỏng của mình và cho rằng ý kiến của mọi người có phần lệch lạc, không đúng.

Em không bao giờ công nhận số liệu thực tế phản ánh vấn đề, lý do đăng kiểm người ta không chấp nhận… Em không chấp nhận và muốn thay đổi điều đó. Không phải viển vông, nhưng em rất khó để thay đổi tư duy của người khác. Cách đi an toàn nhất, tốt nhất là theo lối người ta đã dẫn đường trước, mình chỉ mở rộng ra thôi.

Chưa ra sản phẩm, chưa thương mại hóa, chưa được cấp phép. Số tiền đầu tư này rất bé, tiêu vài ngày là hết, rồi em lại tiếp tục đi gọi vốn, em đâu có thời gian suy nghĩ. Cho nên bây giờ chúng ta phải nhìn thẳng vấn đề.

Cuộc đời mình có 20-30 năm làm việc thôi. Ta hy sinh hết tuổi trẻ rồi sau này sẽ tiếc nuối. Giống như anh ngày xưa cứ gọi vốn hoài mà chẳng ai đồng ý. Không phải người ta không nhìn ra tâm huyết của em, nhưng người ta biết chắc chắn dự án thất bại thì không ai bỏ tiền. Càng không ai bỏ tiền cho mình xây ý tưởng, niềm mơ ước của mình. Anh không thể bỏ tiền cho em xây dựng ước mơ của mình”, Shark Hùng Anh đưa ra bài học cho startup.

Sau lời khuyên của Shark Hùng Anh, Tuấn Anh thừa nhận thậm chí những người rất thân thiết cũng “chửi” anh vì “đốt” 2 tỷ đồng vào dự án này.

6 tháng trời bọn em loay hoay đi tìm các mối chỉ để đủ tiền nuôi anh em, giữ giấc mơ này còn sống. Hiện tại em sống đến bây giờ rồi ”, nhà sáng lập Cababa trải lòng. “ Thẳng thắn mà nói em chưa bao giờ nghĩ mình sẽ lên Shark Tank, thậm chí rất sợ. Sợ bị mắng, bị chửi, bị từ chối, ê mặt. Nhưng với em bây giờ nỗi sợ lớn nhất là phải gặp anh em mà nói rằng: Anh hết tiền rồi, chúng ta giải tán”.

Mặc dù 4 “cá mập” còn lại đều cho rằng dự án không khả thi và quyết định không đầu tư, Shark Hưng vẫn nhìn thấy tiềm năng từ chiếc xe điện 3 bánh của Cababa. Ông đề nghị đầu tư 1,8 tỷ cho 15% cổ phần. Điều kiện đưa ra để giải ngân vốn là startup phải có bước tiến đáng tin cậy trong thủ tục đăng kiểm và lưu hành xe.

Sau một hồi thương lượng, hai bên chốt phương án cuối cùng là 1,8 tỷ đồng cho 12% cổ phần và cộng thêm 3% pre-share cho sự đồng hành, với điều kiện sản phẩm phải được cấp phép đăng kiểm và lưu hành. 

Minh Anh

Cùng chuyên mục
XEM