Startup Việt hỏi Thủ tướng: "Làm sao để startup không phải mở công ty ở nước ngoài?"

28/11/2020 11:33 AM | Kinh doanh

"Cách đây 2 năm, chúng tôi tiến hành vòng gọi vốn đầu tiên, mất rất nhiều thời gian đàm phán với các quỹ trong và ngoài nước. Hầu hết các quỹ đều yêu cầu startup mở công ty ở nước ngoài…", anh Phan Bá Mạnh – Founder An Vui – nêu vấn đề trong buổi đối thoại đặc biệt giữa giới startup Việt với Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.

Trong khuôn khổ lễ khai mạc Techfest2020 có một buổi đối thoại rất đặc biệt, một buổi đối thoại giữa thế hệ doanh nhân trẻ đổi mới sáng tạo với người đứng đầu Chính phủ và tư lệnh các ngành.

"Tôi muốn lắng nghe ý kiến các bạn, và các Bộ trưởng, Thứ trưởng sẽ được Thủ tướng chỉ định trả lời", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

"Tôi tin dàn Bộ trưởng hôm nay đủ khả năng giải đáp vấn đề các bạn nêu ra, và khi cần thiết Thủ tướng sẵn sàng trả lời cùng các bạn, để làm sao tạo môi trường tốt nhất cho khởi nghiệp sáng tạo phát triển tốt hơn, và những rào cản của hệ sinh thái khởi nghiệp được xử lý giải quyết tốt nhất để Việt Nam chúng ta trở thành một quốc gia đổi mới sáng tạo, quốc gia khởi nghiệp".

Chia sẻ tại phiên đối thoại "Thanh niên khởi nghiệp cùng đất nước vượt qua thách thức", anh Nguyễn Đức Trung đến từ Quỹ đầu tư mạo hiểm VinaCapital Venture cho biết, quỹ này đang dùng tiền đầu tư ở bên ngoài Việt Nam để đầu tư cho các công ty đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.

Trong khi đó, khi làm việc với các Sở, Ban, Ngành, VinaCaptal Ventures thấy rằng nguồn lực của Việt Nam trong đó hình thành các quỹ đầu tư tư nhân đầu tư vào đổi mới sáng tạo có nhiều vướng mắc chưa thể triển khai được. Anh Trung nêu cụ thể những hạn chế của Nghị định 38, quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo như không được hình thành pháp nhân, giới hạn 30 người, đầu tư không quá 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo sau khi nhận đầu tư…

Anh Trung đặt câu hỏi, liệu Thủ tướng, Chính phủ trong thời gian tới có chỉ đạo, định hướng gì khai thông vấn đề này.

Anh Phan Bá Mạnh - Founder công ty công nghệ vận tải An Vui, đặt vấn đề "chảy máu" startup ra nước ngoài, khi hầu hết startup tốt lại thành lập ở nước ngoài.

Startup Việt hỏi Thủ tướng: Làm sao để startup không phải mở công ty ở nước ngoài? - Ảnh 1.

"Cách đây 2 năm, chúng tôi tiến hành vòng gọi vốn đầu tiên, mất rất nhiều thời gian đàm phán với các quỹ trong và ngoài nước. Hầu hết các quỹ đều yêu cầu startup mở công ty ở nước ngoài…", anh Mạnh chia sẻ, đồng thời đặt câu hỏi liệu môi trường đầu tư đã cải thiện đủ hấp dẫn để sẵn sàng đầu tư tại Việt Nam hay chưa hay phải mở doanh nghiệp tại nước ngoài mới nhận được vốn.

Trước câu hỏi này, Thủ tướng trăn trở: Mặc dù số lượng và chất lượng khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam tăng lên nhưng so với các nước trong ASEAN, Việt Nam còn nhiều trở ngại, đặc biệt là nguồn vốn.

"Làm sao phải mở các đổi mới sáng tạo này trong nước để không 'chảy máu' ra nước ngoài? Vấn đề đầu tư để đáp ứng được khởi nghiệp sáng tạo này rất quan trọng ở nước ta. Đây chính là câu hỏi các thành viên Chính phủ có trách nhiệm trả lời cho các bạn", Thủ tướng nói.

"Đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời câu hỏi này trên tinh thần mở ra chứ không phải trói vào. Tại sao gây khó khăn cho công tác khởi nghiệp?".

Đại diện cho Bộ Khoa học và Công nghệ, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết sau một thời gian Nghị định 38 đi vào thực tế, những điểm các startup vừa nêu rất hợp lý, như vấn đề không được hình thành pháp nhân, quy định có 30 thành viên trong quỹ, mỗi lần tăng vốn phải tăng dưới 50% vốn điều lệ.

"Một startup được đầu tư 5.000 USD series A, thì vòng sau có thể nhận 10.000 – 15.000 USD, thậm chí 100.000 USD, mà quy định lại đưa ra một chuyện vô lý là tăng vốn lần sau không được vượt 50%".

"Chúng tôi nhận thấy chúng ta có quy định rất xơ cứng, vốn áp dụng cho doanh nghiệp Nhà nước Việt Nam khi tăng vốn điều lệ. Quy định này thực sự là rào cản. Chúng tôi xin nghiêm túc tiếp thu, bàn với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để sửa đổi Nghị định 38 trong thời gian tới", Thứ trưởng Trần Văn Tùng nói.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết sẽ chủ trì với Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi các quy định này, theo hướng làm sao để tháo gỡ cho hoạt động đổi mới sáng tạo.

"Tháng 12 phải xong nhé", Thủ tướng nhắn nhủ. "Thủ tướng sẵn sàng ký lại quyết định này. Phải tháo gỡ, tháo gỡ hơn nữa. Yêu cầu hai Bộ này trình sớm, để bãi bỏ các điều kiện ràng buộc không cần thiết. Người công dân có thể kinh doanh bất cứ điều gì mà luật pháp không cấm. Cho nên điều kiện với hệ sinh thái, phải được xử lý giải quyết".

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM