Đằng sau chuyện tăng tuổi nghỉ hưu và lo lắng của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Người Việt già hóa rất nhanh và thực sự già vào 2036

27/11/2020 19:40 PM | Xã hội

"Cách đây 3 ngày, Thủ tướng Chính phủ đã ký nghị định điều chỉnh nâng dần tuổi nghỉ hưu của lao động Việt Nam. Theo đó, nam tăng thêm 3 tháng, nữ thêm 4 tháng... để đón đầu đi tắt, chuẩn bị cho chuyện già hóa dân số", Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết.

Là vị tư lệnh ngành đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ chỉ định giải đáp thắc mắc của giới khởi nghiệp về nguồn nhân lực tại Diễn đàn thanh niên khởi nghiệp 2020 trong khuôn khổ Techfest 2020, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, gần đây nhất có 2 khảo sát liên quan đến nguồn nhân lực: Một là của Trung ương Đoàn triển khai đánh giá thực trạng nguồn nhân lực sau Covid-19. Hai là khảo sát của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - khảo sát thị trường và đề xuất chính sách lên Chính phủ.

Hai cuộc khảo sát này đặt ra 3 vấn đề lớn đối với nguồn nhân lực nước nhà. Cụ thể:

- 5 năm tới, đặc biệt Đại hội Đảng XIII tới đây tiếp tục coi việc tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba khâu đột phá chiến lược của chúng ta, đột phá ở đây chú trọng vào con người chất lượng cao.

- Khảo sát so sánh Việt Nam với 54 quốc gia về hệ sinh thái sáng tạo, trong khi chỉ số về chính sách của Chính phủ đưa ra trong khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đứng 13/54 quốc gia, thì chỉ số về giáo dục kinh doanh sau phổ thông của Việt Nam rất thấp, đứng thứ 40/54.

Đằng sau chuyện tăng tuổi nghỉ hưu và lo lắng của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Người Việt già hóa rất nhanh và thực sự già vào 2036 - Ảnh 1.

- Về lực lượng lao động, chúng ta tự hào là lực lượng lao động trẻ, nhưng Bộ trưởng Dung cảnh báo Việt Nam không còn là quốc gia dân số vàng ở thời kỳ đỉnh cao.

"Chúng ta không còn ở thời đỉnh cao đó đâu. Chúng ta là dân số vàng đỉnh cao năm 2011, từ đó đến nay, chúng ta đang ở giai đoạn chuyển hóa dần, chưa già nhưng đang già. Đến năm 2036, Việt Nam thực sự là dân số già. Và tốc độ già hóa của dân số Việt Nam rất nhanh", Bộ trưởng Dung nói.

"Cách đây 3 ngày, Thủ tướng Chính phủ đã ký nghị định điều chỉnh nâng dần tuổi nghỉ hưu của lao động Việt Nam. Theo đó, nam tăng thêm 3 tháng, nữ thêm 4 tháng... để đón đầu đi tắt, chuẩn bị cho chuyện già hóa dân số".

Cụ thể, Nghị định 135/2020/NĐ-CP quy định tuổi nghỉ hưu của người lao động từ ngày 01/01/2021 như sau:

Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.

Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) hồi tháng 10/2020, đến năm 2025, khoảng 40% doanh nghiệp và các cơ sở sử dụng lao động sẽ áp dụng chuyển đổi. Và hầu hết các doanh nghiệp sẽ có 3 thay đổi cơ bản gồm địa điểm, chuỗi giá trị, và đặc biệt là thay đổi căn bản về quy mô nguồn nhân lực.

Dự báo thiếu hụt nguồn nhân lực sẽ tăng lên rất nhanh, trong đó khoảng 30% các công việc hiện tại của chúng ta bị thay thế bằng công nghệ, robot, và 40% lực lượng lao động phải đào tạo lại kỹ năng.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM