Sốt đất 2021 mang lại tiền đầy túi cho nhà đầu tư nhưng đất tăng điên cuồng năm 2022 dễ mang về "quả đắng"

23/03/2022 21:12 PM | Kinh doanh

Theo các chuyên gia, trong dài hạn, chúng ta vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều khủng hoảng, lạm phát đẩy giá bất động sản tăng lên nên bất động sản năm 2022 sẽ khá khắc nghiệt.

Có thể thấy, trong gần hai năm đại dịch Covid-19, trong khi các hoạt động sản xuất kinh doanh và cả dịch vụ bị đình trệ thì thị trường chứng khoán và bất động sản lại có nhiều "cơn sốt". Giá đất nhiều nơi tăng cao, các cơn sốt đất vùng ven, khu công nghiệp,... diễn ra ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Giải thích cho sự tăng nóng của chứng khoán và bất động sản trong thời gian qua các chuyên gia cho rằng nguyên nhân chính là lãi suất tiền gửi đã ở mức rất thấp trong khi việc đầu tư mới hay mở rộng kinh doanh rất hạn chế khiến tiền nhàn rỗi đi vào các kênh đầu tư đang nóng như bất động sản.

Dù đất tăng mạnh khắp nơi nhưng năm 2020-2021 hầu hết các chuyên gia trên thị trường đều cho rằng không thể xảy ra tình trạng bong bóng nhà đất. Nguyên nhân bởi tiền trên thị trường chủ yếu là "tiền thật", nhà đầu tư ít dùng đòn bẩy tài chính. Chính vì vậy, không có chuyện nhà đầu tư chấp nhận bán cắt lỗ khi thị trường đi xuống.

Tuy nhiên, bước sang năm 2022, lo lắng về bong bóng nhà đất đã bắt đầu xuất hiện khi lạm phát tăng cao, giá nhà đất "nhảy múa" tăng phi mã. Người người đổ tiền vào bất động sản một cách điên cuồng đã khiến giá BĐS nhiều khu vực vượt giá trị thực, sốt ảo, sốt ở miệng cò.

Ông Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao của Savills Việt Nam nhấn mạnh, khi lạm phát diễn ra, mặc dù giá bất động sản tăng lên nhưng thị trường không có khả năng mua, tính thanh khoản không có. Đồng thời, nhiều nhà đầu tư cũng dùng các đòn bẩy tài chính để đầu tư bất động sản, khiến tài sản có thanh khoản thấp trở thành một gánh nặng lớn cho họ cũng như gây áp lực lên hệ thống ngân hàng.

Đồng quan điểm trên, nhiều nhà đầu tư bất động sản chuyên nghiệp cũng nhìn nhận, đầu tư BĐS năm 2022 nhà đầu tư phải cần một cái đầu lạnh hết sức tỉnh táo, bởi những "bẫy giá" đã giăng sẵn. Nhà đầu tư vội vàng dễ mắc cạn bởi trong năm nay, áp lực lạm phát lên nền kinh tế rất lớn.

Nhận định về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam - cho rằng, ngay từ đầu năm 2022, mặc dù diễn biến dịch vẫn phức tạp nhưng thị trường hừng hực khí thế ở mọi vùng miền, các giao dịch bất động sản vẫn khá sôi động, các doanh nghiệp cũng rất hưng phấn. Tuy nhiên, trong dài hạn, chúng ta vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều khủng hoảng, lạm phát đẩy giá bất động sản tăng lên nên bất động sản năm 2022 sẽ khá khắc nghiệt.

Nhiều chuyên gia cũng cảnh báo, trong quá khứ từng xảy ra kịch bản lạm phát cao kéo theo lãi suất tăng khiến thị trường bất động sản bị đình trệ khi bất động sản nói chung và tài sản giá trị cao nói riêng, có thể gặp khó khăn trong cơn bão lạm phát vì thanh khoản kém.

Thực tế, cho thấy hiện nay trên thị trường BĐS đang có hiện tượng nhà đầu tư "no hàng" (ôm trữ hàng nhiều) nhưng thanh khoản ế ẩm do neo giá cao. Các giao dịch trên thị trường từ giữa năm ngoái đến nay diễn ra rất chậm, dù giá được neo thêm 20-25% ở khu vực thành phố, tăng trên 30% ở khu vực vùng ven, đội giá trên 50% ở địa bàn tỉnh lẻ.

Tuy nhiên, người mua càng nắm lâu thì sẽ có xu hướng đẩy giá lên cao để trừ hao trượt giá. Khi toàn thị trường đẩy giá bán lên sẽ khiến bất động sản thiết lập mặt bằng mới. Các dự án hình thành trong tương lai cũng tính sẵn giá bán của 2-3 năm sau khi bàn giao sản phẩm vì chủ đầu tư tính luôn phần lạm phát vào giá thành.

Theo dự báo của các chuyên gia trong 12 tháng tới sẽ xuất hiện nghịch lý giá nhà đất liên tục leo thang nhưng thanh khoản ì ạch, ai cũng đua sở hữu tài sản dẫn đến nguồn lực xã hội chôn hết vào bất động sản.

Theo Nam Anh

Cùng chuyên mục
XEM