Sốt đất ở làng quê
Những cơn sốt đất không chỉ rộ lên ở các đô thị lớn vốn nhức nhối vấn đề nhà ở, mà hiện đang lan rộng ra cả các vùng quê.
Từ năm 2020, dù dịch bệnh phủ lên bức tranh kinh tế gam màu ảm đạm, nhưng thị trường bất động sản lại ghi nhận sự đi lên đến chóng mặt về giá bán.
Năm 2020 tại miền Bắc, một số khu vực ở Hòa Bình ghi nhận mức tăng 100%. Ngoài ra, mức tăng trung bình ở Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hưng Yên lần lượt đạt 61%, 57% và 22%.
Sau Tết Nguyên đán, những vùng sốt đất cao nhất như ở Đông Anh, Hà Nội đã hạ nhiệt. Lúc này, đất tại các tỉnh giáp Hà Nội lại đang nóng lên. Đơn cử như tại huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang điểm nóng về bất động sản khi đón mạnh dòng vốn FDI đổ vào các khu công nghiệp.
Từ năm 2020, dù dịch bệnh phủ lên bức tranh kinh tế gam màu ảm đạm, nhưng thị trường bất động sản lại ghi nhận sự đi lên đến chóng mặt về giá bán. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Hàng loạt các hộ rao bán đất, những văn phòng bất động sản và ký gửi đất mọc lên san sát. Tỉnh lộ 398 đang là cung đường đắt giá nhất của huyện Yên Dũng, hiện mỗi m2 mặt đường giá không dưới 30 triệu.
Anh Cường (huyện Yên Dũng, Bắc Giang) mua được một suất mặt đường cách đây 3 năm, thấy nay giá đất tăng 3 lần, anh chuyển hẳn sang đầu tư và môi giới bất động sản.
"Khu công nghiệp Đức Giang sắp hình thành nên vùng xung quanh đây tạo nên một cơn sóng khiến đất thổ cư và đất dự án đều tăng", anh Nguyễn Văn Cường chia sẻ.
Cơn sốt đất kéo từ đường chính vào tận đường làng, nhà ông Thìn (xã Đức Giang, huyện Yên Dũng, Bắc Giang) tranh thủ đón đầu giá đất lên cao, rao bán hơn 1.000 m2 đất, dự tính thu về một khoản lớn khoảng 12 tỷ. Chính ông cũng không ngờ đất quê lên nhanh đến thế.
"Cách đây khoảng 3 năm, giá đất ở đây chỉ khoảng mấy trăm nghìn 1 m2, lên đến 1 triệu là cùng, nhưng 3 năm trở lại đây lên đến 10 triệu đồng/m2", ông Nguyễn Văn Thìn cho biết.
Khi phóng viên thử hỏi một một mảnh đất ở khu đô thị Lạc Phú, nơi có lượng giao dịch sôi động nhất trong huyện, cò đất đã đưa ra những lời giới thiệu có cánh. Nhiều nhà đầu tư đổ dồn về đây để đón sóng, cò đất được dịp thổi giá, rẻ nhất cũng 1,5 tỷ đồng một mảnh ở làn trong cùng, còn ngoài mặt đường cũng hơn 3 tỷ.
"Nhà đầu tư ở Hà Nội, Bắc Ninh đổ về đây. Nhiều người cho biết, nếu mua 1 mảnh Bắc Ninh, về đây có thể đầu tư 2 - 3 mảnh", một môi giới bất động sản nói.
"Hiện nay, sự kích động của giới cò đất là chủ yếu, khiến các vùng ven đô tăng giá, sau đó là vùng xa đô thị. Nếu còn sốt tiếp, vùng sâu, vùng xa cũng sẽ tăng", ông Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đánh giá.
Hệ lụy từ những cơn sốt đất
Khi có thông tin về dự án đầu tư, giá đất ở nhiều làng quê được "thổi" trên trời và kéo theo nhiều hệ lụy. Số vụ tranh chấp, khiếu kiện ở nhiều địa phương liên tục xảy ra, khiến không ít nơi, hàng xóm, người thân cũng quay ra tranh giành, tố cáo lẫn nhau. Tuy nhiên nguy hiểm hơn, khi công việc không ổn lại bán mất đất, tình trạng mất ổn định đang được cảnh báo ở nhiều làng quê.
Ngày nào cũng đi chợ qua khu đô thị vừa đấu giá, bà Giang (huyện Yên Dũng, Bắc Giang) chỉ biết ngắm chứ chưa bao giờ dám mơ có được một suất đất ở đây, bởi sau đấu giá, giá đất đã tăng gấp đôi. Trong khi nhà bà có bán cả khu đất ở, cùng đất sản xuất mới được hơn 1 tỷ.
"Khu ở trong này khoảng hơn 1 tỷ một lô, 1,5 - 1,7 tỷ. Giờ làm sao có đủ tiền để mua khu đất này", bà Hoàng Thị Giang cho hay.
Tại những dự án còn hoang hóa, cỏ mọc um tùm, những biển rao bán quảng cáo đất chi chít, chằng chịt. Đất quê hiện lên giá vùn vụt, đồng nghĩa ước mơ có một mảnh đất, xây một căn nhà với nhiều người dân nông thôn ngày càng trở nên xa vời.
Khi có thông tin về dự án đầu tư, giá đất ở nhiều làng quê được "thổi" trên trời và kéo theo nhiều hệ lụy. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Theo thống kê của ngành lao động, hiện vẫn có nhiều nhà máy thiếu từ 15 - 20% công nhân do họ đã về quê mà chưa quay trở lại làm việc. Có những người đã chọn ở lại quê để lập nghiệp,nhưng đối với với họ, việc có một mảnh đất để gia đình ra ở riêng giờ là không thể vì giá đất đã quá cao so với tích lũy.
Hậu COVID-19, người đi tìm đất giá rẻ để xây dựng nhà xưởng, chuyển đổi sang kinh doanh, dịch vụ ở quê cũng khó khăn không kém. Chủ một nhà xưởng vừa mua được mảnh đất 300 m2, giá làn trong cùng cũng đã 15 - 20 triệu/m2.
"Nhà em định mở nhà xưởng 1.000 m2, nhưng với mức giá đất hiện nay, chỉ mở được 500 m2. Số tiền còn lại phải đầu tư vào máy móc, quảng cáo nữa", anh Nguyễn Minh Tuấn, huyện Yên Dũng, Bắc Giang, chia sẻ.
Sốt đất có thể đem lại lợi ích kinh tế tức thì cho bà con ở nông thôn và các địa phương nhờ việc bán đất. Tuy nhiên, về lâu về dài, khi giá đất bị thổi phồng, bán qua bán lại để kiếm lời, kinh tế sản xuất sẽ bị đình trệ, người dân địa phương sẽ lại sớm phải đối mặt với một viễn cảnh không còn đất cho thế hệ sau, thiếu đất để sản xuất.