Thông minh, tài năng chưa chắc đã thành công nếu không có điều này
Yếu tố quyết định trong cuộc sống là cách bạn xử lý khi gặp trở ngại và thử thách.
Hãy nghĩ về người thành công nhất mà bạn biết.
Bây giờ hãy nghĩ về một số từ có thể mô tả chính xác nhất người đó.
Những gì sẽ xuất hiện trong đầu bạn? Thông minh? Có đầu óc tổ chức? Tự tin? Có kỷ luật? Có khả năng truyền cảm hứng?
Nếu bạn cũng giống như những người khác, bạn sẽ chủ yếu tập trung vào 3 phẩm chất cuối – nói cách khác, những phẩm chất liên quan nhiều hơn đến thái độ của một người chứ không phải kiến thức hay kỹ năng của họ.
Đây chính là một trong số các bài tập mở đầu khóa học “Các kỹ năng để thành công” của Dale Carnegie ở New York. Khóa học này thuộc chương trình Đào Tạo Dale Carnegie được giới thiệu trên toàn thế giới, mỗi khóa học dựa trên dựa trên một tác phẩm của Dale Carnegie, tác giả của cuốn sách “Làm sao để kết bạn và gây ảnh hưởng lên mọi người”.
Warren Buffet cho biết ông đã tham dự một lớp học của Dale Carnegie khi còn trẻ, và nó đã làm thay đổi cuộc đời ông và giúp ông vượt qua được nỗi sợ khi phải phát biểu trước đám đông.
Một trong những bài học lớn nhất rút ra được từ khóa học này là thái độ mà họ có đối với các thử thách cũng quan trọng không kém – nếu không muốn nói là quan trọng hơn – so với kiến thức và kỹ năng. Những phẩm chất khác cũng có vai trò của mình nhưng chúng thường bị ẩn đi và không được sử dụng nhiều nếu không có một thái độ tích cực để làm cho chúng trở nên nổi bật.
Nhà tâm lý học Carol Dweck đã dành cả sự nghiệp để tìm hiểu thái độ và hiệu suất làm việc, và nghiên cứu gần đây nhất của bà cho thấy thái độ của bạn là yếu tố chỉ báo cho thành công tốt hơn so với chỉ số thông minh IQ.
Dweck nhận thấy các thái độ chủ yếu của con người có thể chia thành 2 loại: thái độ bất biến và thái độ khả biến.
Với thái độ bất biến, bạn tin rằng con người bạn sẽ mãi như vậy và không thể thay đổi. Điều này làm nảy sinh các vấn đề khi bạn vấp phải khó khăn vì bất kỳ điều gì ngoài khả năng giải quyết của bạn đều dễ dàng khiến bạn nản lòng và thối chí.
Những người có thái độ khả biến tin rằng họ có thể cải thiện được bản thân nếu nỗ lực hết mình. Họ làm tốt hơn những người có thái độ bất biến, ngay cả khi họ có mức IQ thấp hơn, vì họ không hề tỏ ra ngần ngại trước thử thách và khó khăn, ngược lại còn coi đó là cơ hội để học thêm được những điều mới.
Theo lẽ thường, nếu có khả năng, như thông minh chẳng hạn, con người ta sẽ trở nên tự tin. Đúng là như vậy, nhưng chỉ khi mọi chuyện dễ dàng mà thôi. Yếu tố quyết định trong cuộc sống là cách bạn xử lý khi gặp trở ngại và thử thách. Những người có thái độ khả biến luôn sẵn sàng đón nhận thất bại và không ngần ngại đối mặt thử thách.
Theo Dweck, thành công trong cuộc sống thể hiện ở việc bạn đối phó với thất bại. Bà mô tả những người có thái độ khả biến đối phó với thất bại như sau: “Thất bại chính là thông tin – chúng ta gọi nó là thất bại, nhưng chính xác hơn là, ‘Làm như vậy không được, nhưng tôi là người có thể giải quyết được vấn đề, vì thế tôi sẽ thử cách khác’”.
Tất nhiên, khẳng định như vậy không phải để nói rằng kiến thức và kỹ năng chả có vai trò gì cả. Thực tế là chúng rất quan trọng. Và bí quyết dẫn đến thành công là thái độ + kỹ năng phù hợp + kiến thức.
Một thái độ tích cực không phải là sự lý tưởng hóa hay lạc quan thái quá. Rốt cuộc, đó chính là sự tự tin khi cho rằng “bất kể khó khăn trước mắt là gì, mình cũng có thể giải quyết được”.