Tại sao chúng ta nên chọn thời điểm để từ giã cuộc đời này?
Cái chết – cùng với tình dục, là hai nỗi ám ảnh lớn nhất của con người. Vì vậy khi Ezekiel Emanuel, 57 tuổi, hoàn toàn khỏe mạnh đứng lên phát biểu rằng ông đã chuẩn bị sẵn cho ngày chết của mình ở tuổi 75, mọi người đều ngạc nhiên.
“Tôi nghĩ đến tuổi 75, bạn đã sống đủ cho một đời người… Bạn đã làm việc chăm chỉ khi còn trẻ, làm nên sự nghiệp và có một gia đình. Với tôi đó là một cuộc sống tuyệt vời, vậy tại sao chúng ta lại phải tiếp tục cố gắng chống chọi với chứng mất trí nhớ và trở thành gánh nặng của gia đình?”, ông nói.
Đáng ngạc nhiên hơn là những điều này lại được phát ngôn từ một bác sĩ chuyên khoa và giám đốc của Ủy ban đạo đức y học thuộc Bộ Y tế Mỹ. Ông chắc chắn hiểu rõ hơn chúng ta hiệu quả của những phương thuốc hiện đại. Thế nhưng, Emanuel lại khuyên mọi người hãy chấp nhận cái chết như một lẽ tự nhiên, dù nó có khó khăn đến thế nào.
Liệu chúng ta có nên đồng tình với ý tưởng việc chọn thời điểm chết, để rời bỏ cuộc đời này?
Emanuel đã nghĩ về cầu hỏi này nhiều lần trong cuộc đời mình. Ông từng viết: “Không cần phải bàn cãi, cái chết là một sự mất mát. Nó tước mất của chúng ta kinh nghiệm và kỷ niệm, những quãng thời gian chúng ta giành cho gia đình, con cái. Nó lấy đi tất cả những gì giá trị của chúng ta.”
“Tuy nhiên, có một sự thật đơn giản mà chúng ta dường như đang cố gắng bỏ qua: Sống quá lâu cũng là một sự mất mát. Nó khiến rất nhiều trong chúng ta, nếu không bị liệt, thì cũng mắc hội chứng suy giảm và mất chứng năng, một tình trạng có thể không tồi tệ như cái chết nhưng cũng tước đoạt của chúng ta mọi thứ. Nó khiến chúng ta không thể suy nghĩ hay có năng lực để làm việc, giao tiếp với xã hội. Nó làm thay đổi cách mọi người trò chuyện với chúng ta, quan hệ với chúng ta, và quan trọng hơn, cách họ nhớ về chúng ta.
Chúng ta sẽ không còn được nhớ tới như một con người năng động. Thay vào đó là một người yếu ớt, vô ích, thậm chí là tội nghiệp.
Những điểm Emanuel chỉ ra, thực tế đã được nhắc tới nhiều lần và chúng ta đều biết về nó. Cả tham vọng bất tử - cũng như những nỗi đau mà nó mang lại – từ lâu đã ám ảnh loài người.
Trong thần thoại Hy Lạp, nữ thần Eos đã cầu xin Zeus hãy cho người tình của mình là Tithonus cuộc sống bất tử. Tuy nhiên, dù Tithonus không bao giờ chết, ông vẫn già đi như tất cả chúng ta, trở thành một ông già ốm yếu. Eos cuối cùng cảm thấy ghê tởm người tình của mình và khóa ông vào một căn phòng, nơi ông luôn cầu xin được chết.
Dù có thể không sai, nhưng những lập luận của Emanuel chưa chắc được nhiều người đồng tình. Đó là bởi chúng ta vẫn luôn đặt niềm tin vào bác sĩ – những người được kỳ vọng có thể cứu chúng ta thoát khỏi vòng tay tử thần. Thay vì nghĩ về cuộc sống của linh hồn sau khi chết, chúng ta cảm thấy dễ chịu hơn khi nghĩ tới các phương thuốc có thể kéo dài và duy trì cuộc sống của mình càng lâu càng tốt.
Vấn đề đặt ra, theo Emanuel đó là dù đúng là có những phương pháp duy trì cuộc sống của chúng ta được nhiều năm, nhưng nó không thể ngăn cản việc suy giảm chức năng. Nhiều người sống ốm yếu, tàn tật và mất dần chức năng sau khi dùng thuốc. Emanuel cho biết hiện nay, tỉ lệ người sống sót sau cơn đột quỵ cao hơn 20% so với quá khứ. Tuy nhiên, hầu hết đều bị liệt hoặc di chấn nghiêm trọng.
“Mọi người gọi đó là chiến thắng trước bệnh tật. Không hẳn là vậy”, ông nói.
Tuy nhiên, không giống như những người đòi quyền tự sát, Emanuel không nghĩ rằng mọi người nên đặt lịch chính xác cho thời điểm chết của mình. Khi tới năm 75 tuổi, Emanuel chỉ đơn giản là sẽ khước từ những hỗ trợ y tế như hóa trị hay máy tạo nhịp tim để kéo dài cuộc sống “Nghĩa là bạn không cố kéo dài cuộc sống bằng cách tận dụng mọi loại thuốc”. Ông cũng sẽ không dùng cả thuốc kháng sinh.
Tât nhiên, mỗi người sẽ già đi theo những cách rất khác nhau. Có thể tới ngoài 80, bạn vẫn rất khỏe mạnh. Emanuel cũng thừa nhận, giới hạn 75 tuổi chỉ là cá biệt. Tuy nhiên, “Nếu bạn không đặt một cột mốc, bạn sẽ không đối mặt với những câu hỏi lớn. Bạn có 75 năm, bạn sẽ làm gì với nó?”