Tại sao chúng ta cảm thấy buồn ngủ sau khi ăn?

18/08/2014 13:43 PM | Sống

Khi quá trình tiêu hóa diễn ra, 90% lượng seratonin sẽ tập trung ở vùng bụng, 10% còn lại nằm trên não. Đây chính là chất có liên quan trực tiếp tới cảm giác buồn ngủ và cả trạng thái hạnh phúc của con người.

Sau khi ăn, đặc biệt là thức ăn có nhiều đường, thì phản ứng thường gặp là chúng ta sẽ cảm thấy buồn ngủ. Thức ăn cho chúng ta năng lượng để hoạt động, vậy tại sao chúng ta lại thấy mệt mỏi và buồn ngủ sau khi ăn? Bài viết này sẽ cung cấp một số thông tin để trả lời cho câu hỏi đó. Qua đó, chúng ta sẽ tìm cách hạn chế cơn buồn ngủ sau bữa ăn, đặc biệt là bữa trưa, để có một ngày làm việc hiệu quả và lành mạnh nhất.

Tại sao chúng ta buồn ngủ sau khi ăn?

2 bộ phận bên trong cơ thể người tiêu thụ năng lượng nhiều nhất là bộ não và ruột. Khi bạn ăn, não bộ sẽ chuyển hướng năng lượng phục vụ cho việc tiêu hóa bằng cách gởi các tế bào hồng cầu tới để giúp phân giải thức ăn, hấp thu chất dinh dưỡng và chở đi khắp nơi trong cơ thể. Do có nhiều tế bào máu đang thực hiện nhiệm vụ ở đường ruột nên các phần còn lại của cơ thể sẽ hoạt động chậm lại và chuyển sang trạng thái thư giãn. Kết quả là lúc bấy giờ, não bộ sẽ không còn đủ lượng tế bào máu để đảm bảo tính linh hoạt, từ đó dẫn đến toàn bộ cơ thể sẽ cảm thấy mệt mỏi.

Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng những loại thực phẩm nhiều năng lượng, nhiều chất béo và nhiều đường sẽ kích hoạt một phản ứng thần kinh ngay sau khi tiếp cận tới ruột. Phản ứng này được gọi là hệ thống thần kinh phó giao cảm giúp hoạt động của cơ thể trở nên chậm lại và tập trung vào tiêu hóa chứ không phải là tiếp tục tìm kiếm thêm thức ăn.

Cụ thể hơn, một nhóm tế bào não gọi là tế bào thần kinh orexin tại vùng dưới đồi (hypothalmus) rất nhạy cảm với nồng độ glucose sau mỗi bữa ăn. Khi nồng độ glucose tăng đột biến, những tế bào thần kinh này sẽ sản sinh ra protein nhằm điều chỉnh mức độ tỉnh táo của não bộ.

banh_ngot. Đồ ngọt - Một trong những "thủ phạm" gây buồn ngủ sau khi ăn​

Tuy nhiên, orexin không phải là loại hormone thần kinh duy nhất có liên quan tới việc buồn ngủ sau mỗi bữa ăn. Khi khối lượng thực phẩm tăng, cơ thể sẽ sản sinh ra một lượng lớn insulin nhằm phục vụ quá trình tiêu hóa bình thường của cơ thể. Một cách lần lượt, insulin sẽ làm tăng nồng độ seratonin và melatonin trong cơ thể. Khi quá trình tiêu hóa diễn ra, 90% lượng seratonin sẽ tập trung ở vùng bụng, 10% còn lại nằm trên não. Đây chính là chất có liên quan trực tiếp tới cảm giác buồn ngủ và cả trạng thái hạnh phúc của con người.

Cần chú ý rằng buồn ngủ sau khi ăn là một hiện tượng sinh lý bình thường của con người nhưng không phải lúc nào ăn no cũng giúp chúng ta dễ ngủ hơn. Theo bác sĩ Loren Greene, giáo sư nội khoa tại Đại học y dược New York: "Nếu bạn ăn tối muộn (từ 22 giờ đêm trở đi) thì dù đó chỉ là một món tráng miệng thì có thể, lượng insulin sẽ đột ngột tăng lên và phá vỡ chu kỳ giấc ngủ của bạn. Khi đó bạn sẽ dễ bị giật mình giữa đêm hoặc khó đi vào giấc ngủ sâu hơn."

Vậy phải làm gì để tránh buồn ngủ sau khi ăn?

Sau khi ăn, đặc biệt là bữa trưa, việc buồn ngủ có thể ảnh hưởng tới năng suất làm việc của bạn. Nhưng nếu ăn ít đi thì bạn sẽ không đủ năng lượng cho cả một buổi chiều làm việc. Vậy giải pháp là như thế nào? Đầu tiên, bạn nên có một bữa ăn sáng hoàn hảo và đầy đủ dinh dưỡng. Đừng bao giờ bỏ qua bữa ăn quan trọng này với các loại thực phẩm lành mạnh như bánh mì, ngũ cốc, trái cây, sữa chua,... để cung cấp năng lượng cho buổi sáng và cả một ngày dài làm việc. Một bữa sáng hoàn hảo sẽ giúp bạn ít có cơ hội đi tìm những loại thực phẩm không lành mạnh vào bữa trưa đồng thời tăng thể chất lẫn tinh thần trong suốt cả ngày.

an_sang. Một bữa sáng lành mạnh luôn tốt cho sức khỏe, giúp bạn có một ngày làm việc hiệu quả hơn​

Thứ 2, nên chú ý đến những gì bạn ăn vào bữa trưa. Tránh các loại thức ăn nhanh, các loại thực phẩm đóng hộp do có chứa nhiều chất béo, đường, muối, chất bảo quản và hương liệu. Thức ăn nhanh có thể nhanh chóng bổ sung năng lượng nhưng lại không đảm bảo đủ chất dinh dưỡng. Đây là nguồn thực phẩm không lành mạnh cho cơ thể nếu bị lạm dụng lâu ngày. Tránh ăn các loại thực phẩm chứa nhiều đường bột vì như ta đã biết ở trên thì đây chính là nguồn gốc tạo ra insulin - tác nhân gây ra buồn ngủ.

rau_qua. Nên ưu tiên các loại rau củ quả vào bữa trưa​

Hãy ưu tiên chọn các loại thực phẩm ít chất đường bột (low carbohydrate) nhưng giàu protein vào bữa trưa để giúp tránh khỏi cơn buồn ngủ sau khi ăn. Các chuyên gia dinh dưỡng đã chỉ ra rằng các loại thức ăn giàu đường bột sẽ nhanh chóng làm gia tăng nồng độ insulin và seratonin trong cơ thể. Do đó, nên chọn các loại thực phẩm ít đường bột và chất béo như rau, củ, quả, đậu, đậu nành hoặc ngũ cốc.

mon_an_1. Ăn quá no vào buổi trưa khiến cơ thể mệt mỏi và mất nhiều thời gian để tiêu hóa​

Bên cạnh đó, không nên ăn quá no vào buổi trưa. Nếu ăn quá nhiều vào buổi trưa, cơ thể sẽ cần rất nhiều thời gian và công sức để tiêu hóa thức ăn. Kết quả là máu sẽ dồn về ruột để góp phần chuyển hóa và hấp thu dinh dưỡng. Điều này sẽ khiến lượng oxy trong não sụt giảm và các phần khác của cơ thể cũng mệt mỏi tạo điều kiện cho cơn buồn ngủ dễ đến hơn. Cuối cùng là hạn chế bia, rượu trong bữa trưa. Đây là những loại "thuốc an thần" giúp bạn dễ ngủ. Thậm chí 1 cốc bia cũng khiến bạn cảm thấy mệt mỏi trong suốt quãng thời gian còn lại trong ngày.

wine. 
Bia rượu và các chất có cồn khác khiến bạn buồn ngủ và mệt mỏi hơn sau bữa ăn​

Thêm vào đó, nên hạn chế các thức uống chứa caffeine sau bữa ăn. Thay vào đó nên là nước lọc là tốt nhất. Bạn cũng có thể ăn một món tráng miệng lành mạnh vào buổi chiều để tránh bị cám dỗ bởi bánh ngọt, chocolate,... để đảm bảo một ngày làm việc hoàn hảo. Bạn cũng nên tập vài động tác thể dục sau khi ăn giúp máu huyết lưu thông dễ dàng và tránh sự mệt mỏi.

thuyntt

Cùng chuyên mục
XEM