Tại sao thuốc trị Ebola chưa được dùng để cứu người châu Phi?

11/08/2014 08:35 AM | Công nghệ

Giáo sư người Bỉ Peter Piot, người phát hiện virus Ebola năm 1976, khuyến cáo WHO đưa liệu pháp đặc trị Ebola đang trong giai đoạn thực nghiệm vào sử dụng ngay để cứu người tại các vùng dịch ở châu Phi.

Theo RFI, sau khi Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu, ngày 8/8/2014, để ngăn chặn dịch Ebola đang bùng phát tại miền Tây Châu Phi, khiến gần 1.000 người chết kể từ đầu năm, nhiều quốc gia trên thế giới đã có các biện pháp mạnh hơn để đối phó với loại virus ác hiểm cho đến nay chưa có thuốc đặc trị được chính thức sử dụng.

Ebola là loại virus gây tử vong rất cao, với tỷ lệ trung bình từ 55 đến 60% số người bị nhiễm. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cá biệt tại một số vùng, tỷ lệ người chết vì căn bệnh truyền nhiễm này này lên đến 90%.

Phần lớn các nước khuyến cáo công dân không đến bốn nước nơi dịch đang hoành hành: Sierra Leone, Guinea và nhất là Liberia và Nigeria. Liberia và Nigeria, đã ở trong tình trạng khẩn cấp, vừa cô lập hoàn toàn ba thành phố bị dịch. Ngoài các nước trong vùng dịch, hôm qua, Côte d’Ivoire nâng cấp báo động lên mức rất cao.

Tại nhiều sân bay ở các nước châu Phi, đặc biệt là Conggo, đa số hành khách đều phải đo thân nhiệt khi rời khỏi máy bay để xác định các trường hợp nghi vấn. Nam Phi và Ouganda, các nước từng bị Ebola trước đây cũng như Mỹ, Pháp, Anh Quốc đã gửi các thiết bị y tế, phương tiện xét nghiệm virus đến Tây Phi.

WHO không yêu cầu cô lập bốn nước đang bị dịch để không làm trầm trọng thêm tình trạng kinh tế của các nước này, nhưng yêu cầu kiểm soát chặt các cửa khẩu. Những ai có tiếp xúc với người bệnh, ngoài nhân viên y tế mang đồ bảo hộ, được khuyến cao không nên đi xa. 

Theo bác sĩ Keiji Fukuda, phụ trách bệnh dịch của WHO, cần cách ly người nghi ngờ nhiễm virus trong vòng 31 ngày, vì thời gian ủ bệnh của Ebola là 21 ngày.

Theo Ủy viên Châu Âu về Y tế, Tonio Borg, nguy cơ dịch lan sang Châu Âu là "hết sức thấp". Nhiều nước Châu Âu hiện chưa ra biện pháp nào (đặc biệt là Thụy Điển, Đan Mạch, Ba Lan, Hungary, Bulgari). Tại Bỉ, một người nghi ngờ nhiễm virus được đưa vào bệnh viện, nhưng không có bệnh viện nào tại Bỉ được trang bị để điều trị người nhiễm Ebola.

Tại Hy Lạp, một trong các đường nhập cư bất hợp pháp chủ yếu vào châu Âu, chính quyền cho biết tình hình tại các trung tâm tạm giữ người nhập cư hiện nằm trong "tầm kiểm soát" và tỷ lệ người đến từ khu vực mắc dịch là rất nhỏ, thậm chí gần bằng không (ước tính 1 trên 6.500 người). Tình hình tương tự tại Tây Ban Nha, không có biện pháp y tế bổ sung nào chống dịch được thông báo.

Tại châu Á, Nhật Bản và Hàn Quốc yêu cầu các công dân có mặt tại vùng dịch rời khỏi khu vực này ngay lập tức. Hàn Quốc quyết định gia tăng quy chế cách ly đối với những người trở về từ Tây Phi.

Hoa Kỳ đã nâng báo động y tế lên mức tối đa. Tuy nhiên, nhiều giới chức y tế cho rằng không nên lo ngại bệnh dịch sẽ lan rộng tại Mỹ, dù có nhiều người Mỹ trở về từ vùng mắc dịch.

Y sĩ không Biên giới yêu cầu gia tăng nỗ lực ngăn dịch

Đây là lần thứ ba WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp như vậy trước một nguy cơ đại dịch. Lần đầu tiên là vào năm 2009 để đối phó với dịch cúm gia cầm châu Á, và lần thứ hai là vào tháng 5/2014, để ngăn chặn dịch sốt bại liệt tại Cận Đông. 

Tuy nhiên, theo bác sĩ Bart Janssens, giám đốc các hoạt động nghiệp vụ của Tổ chức Y sĩ không Biên giới (tổ chức cử nhiều ê kíp nhất đến làm việc tại vùng có dịch), quyết định của WHO là tích cực, nhưng "chỉ tuyên bố thì không thể cứu được mạng người".

Nhà chuyên môn của Tổ chức Y sĩ không Biên giới yêu cầu các quốc gia có phương tiện ngay lập tức triển khai các biện pháp cần thiết để cứu trợ các nạn nhân. Theo ông, "nhiều người đã qua đời, vì phản ứng quá chậm trễ".

"Tại sao thuốc trị Ebola chưa được dùng để cứu người Châu Phi?"

Trong bối cảnh bệnh dịch Ebola tiếp tục lan rộng, vấn đề nhanh chóng đưa thuốc đặc trị đang trong giai đoạn thực nghiệm vào sử dụng để cứu cấp những người nhiễm virus lại được giới chuyên gia đặt ra khẩn thiết. 

Tờ The Washington Post, ngày 6/8/2014, đặt câu hỏi "Vì sao hai người Mỹ da trắng được dùng thuốc trị Ebola, còn hàng ngàn người Châu Phi lại chết (vì không có thuốc)?".

Trong bài trả lời phỏng vấn đăng tải trên Le Monde hôm 8/8, giáo sư người Bỉ Peter Piot, người phát hiện virus Ebola năm 1976, khuyến cáo WHO đưa liệu pháp đặc trị Ebola đang trong giai đoạn thực nghiệm vào sử dụng ngay để cứu người tại các vùng dịch ở châu Phi.

Một số dược phẩm trị Ebola đang được nghiên cứu và thực nghiệm trên súc vật, nhưng chưa được sử dụng cho người. Cuối tháng 7/2014, lần đầu tiên dung dịch ZMapp do hãng bào chế Mapp Biopharmaceutical sản xuất, được dùng để điều trị hai người Mỹ bị nhiễm virus, đã cho kết quả khả quan.

Theo Viện nghiên cứu y học Mỹ về các bệnh truyền nhiễm (USAMRIID), liệu pháp này đã được sử dụng thành công với các con khỉ thực nghiệm, với hiệu suất 100%, nếu được dùng sau khi khỉ bị nhiễm virus một giờ. Tỷ lệ khỏi bệnh là 43% đối với khỉ nhiễm virus sau 104 đến 120 giờ, tức là sau khi đã xuất hiện các triệu chứng bệnh. Theo hãng bào chế nói trên, thuốc còn phải trải qua một số thử nghiệm trước khi đưa vào sử dụng đại trà cho người.

WHO vừa thông báo đầu tuần tới một nhóm chuyên gia sẽ thảo luận về các vấn đề đạo lý y học liên quan đến việc đưa các liệu pháp đang thực nghiệm vào trị liệu. 

Theo giáo sư Peter Piot, người phát hiện ra virus Ebola, cần thúc đẩy nhanh chóng việc đưa thuốc vào thực nghiệm "giai đoạn 1" (tức giai đoạn đánh giá phản ứng của thuốc và mức độ an toàn với những người khỏe mạnh tình nguyện).

Giáo sư Peter Piot nhấn mạnh trắc nghiệm hiệu quả nhất đối với thuốc là đưa vào sử dụng trong khi có dịch, và ông nêu lại kinh nghiệm một khi bệnh dịch qua đi sẽ không còn nỗ lực đầu tư cho thuốc và vắc xin. Người phát hiện ra virus Ebola lưu ý rằng để ngăn chặn Ebola, việc các hãng bào chế tư nhân tham gia là cần thiết, nhưng trách nhiệm chính phải thuộc về khu vực công lập, vì dịch này bùng nổ tại các nước nghèo, và thuốc cần được cấp miễn phí.

Trả lời RFI, ông Jean-Marie Okwo Bélé, phụ trách bộ phận vắc xin và miễn dịch của WHO, cho biết một vắc xin chống Ebola đang được hãng dược phẩm GSK triển khai và có thể được đưa vào sử dụng trong năm tới.


Theo Trọng Thành

vandoan

Cùng chuyên mục
XEM