Sự giống nhau kỳ lạ giữa tuyển sinh đại học và phiên ATC của chứng khoán

21/08/2015 11:14 AM | Sống

Ngày 20/8, công tác xét tuyển đợt 1 Đại học - Cao đẳng 2015 theo phương thức mới đã kết thúc. Đây là ngày cuối cùng thí sinh được nộp hồ sơ và đã có rất nhiều ý kiến cho rằng, mùa tuyển sinh năm nay giống như cuộc chơi chứng khoán.

Mọi sự so sánh đều là khập khiễng, tuy nhiên nếu giao "đề bài" cho toàn bộ các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam: "Hãy mua duy nhất 1 cổ phiếu của 1 mã chứng khoán trong phiên ATC" thì đây chính là điều mà các thí sinh năm nay đang phải trải qua.

Đề bài này sẽ phải đi kèm một số giả định, như vốn của các nhà đầu tư không đồng nhất, ví dụ như vốn của các quỹ lớn sẽ đủ để mua 1 cổ phiếu của Vinamilk, Masan (sắm vai các thí sinh thủ khoa 29-30 điểm), nhưng nếu là nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ chỉ đủ mua các cổ phiếu thị giá dưới 10.000 đồng (sắm vai các thí sinh điểm thấp hơn). Giả định này cũng đồng nghĩa sẽ không thể đặt được lệnh ATC mà nhà đầu tư phải tự tính toán con số cụ thể để đặt mua cổ phiếu (lệnh LC).

Ngoài ra, một giả định quan trọng khác là số lượng cổ phiếu bán ra có hạn và đã biết trước (tương ứng với chỉ tiêu tại các trường đại học). Vậy, với 1 đề bài cùng 2 dữ kiện, đầu tư chứng khoán và nộp hồ sơ đại học liệu có giống nhau?

Lựa chọn cổ phiếu

Cả 2 cùng có rất nhiều lựa chọn. Nếu như thị trường chứng khoán có gần 700 cổ phiếu lựa chọn, thì số lượng trường đại học, cao đẳng và số lượng ngành nghề cho thí sinh tham khảo cũng rất nhiều, thậm chí còn lớn hơn thế nhiều lần. Nhà đầu tư dựa trên kỳ vọng (giá tăng) để lựa chọn, thì thí sinh cũng dựa trên kỳ vọng (nghề nghiệp phù hợp) để nộp hồ sơ.

Không có bất cứ rào cản nào về thủ tục, nhà đầu tư có thể đặt lệnh mua tại bất kỳ cổ phiếu nào mình muốn, cũng như thí sinh có thể nộp hồ sơ vào bất kỳ trường nào. Vấn đề chỉ là có mua được cổ phiếu đó, hay thí sinh có trúng tuyển hay không mà thôi (cung có hạn còn cầu thì quá lớn).

Đặt lệnh, hủy lệnh

Việc đặt lệnh cũng giống như việc nộp hồ sơ, khác biệt ở đây chỉ là phiên ATC không thể hủy lệnh còn thí sinh được rút hồ sơ để điều chỉnh và nộp sang ngành khác hoặc trường khác.

Các nhà đầu tư vốn lớn luôn luôn có thể tự do, thoải mái chọn cổ phiếu mình ưa thích, cũng giống như những thí sinh top đầu (30 điểm hoặc 31, 32 sau khi cộng điểm ưu tiên) cũng tự do chọn ngành nghề cho mình mà không phải quá lo lắng.

Khó khăn lớn nhất là những nhà đầu tư vốn trung bình (đại diện cho những thí sinh điểm không thấp, cũng không cao), khi không biết liệu những nhà đầu tư vốn lớn hơn có đặt mua cổ phiếu này không, cũng tương tự như thí sinh lo lắng sau khi mình nộp, những người điểm cao hơn có nộp vào ngành mình chọn không? Điều này dẫn đến tâm lý nộp, rút vào những ngày cuối cùng của thí sinh.

Ngoài ra, ai cũng muốn tối ưu hóa những gì mình có. Nhà đầu tư nếu có nhiều tiền mà chỉ được mua 1 cổ phiếu sẽ không chọn các doanh nghiệp kém hiệu quả, cũng như thí sinh có điểm khá sẽ không chọn các trường kém tên tuổi.

Giá khớp lệnh

Đây là điểm giống nhất giữa đầu tư chứng khoán và mùa tuyển sinh năm nay (giống cả khi không có những giả định), bởi lẽ chỉ đến khi thị trường đóng cửa, hay đến khi kết thúc nộp hồ sơ, thì nhà đầu tư mới biết chắc chắn mình có mua được cổ phiếu hay không và thí sinh mới biết mình có trúng tuyển hay không.

Trong phiên ATC, bảng điện tử sẽ hiển thị giá nào đang là giá khớp lệnh dự kiến cuối phiên, thì các trường đại học cũng được yêu cầu 3 ngày một lần phải công bố danh sách thí sinh nộp hồ sơ theo thứ tự từ cao đến thấp, và thí sinh nhìn vào danh sách này có thể biết được điểm chuẩn đang là bao nhiêu. Khác biệt có lẽ chỉ nằm ở tần suất, khi bảng điện tử cập nhật từng giây còn trường đại học cập nhật 3 ngày/lần.

Và những điểm giống nhau nằm ngoài bảng điện tử

Trao đổi với chúng tôi trong ngày cuối cùng nộp hồ sơ, anh Vượng, một nhà đầu tư lâu năm và cũng đồng thời là phụ huynh thí sinh cho biết, mùa tuyển sinh năm nay đem lại cho anh nhiều cảm xúc còn hơn khi quan sát bảng điện tử.

Theo anh Vượng, không khí tại các điểm nộp hồ sơ làm anh liên tưởng đến không khí tại các sàn chứng khoán mà một thời từng vô cùng sôi động. Khi xưa nhà đầu tư hỏi nhau mua cổ phiếu nào thì ngày nay phụ huynh và thí sinh hỏi nhau bao nhiêu điểm và nộp ngành nào. Không khí tại giảng đường làm anh liên tưởng tới thời hoàng kim của thị trường chứng khoán những năm 2006-2007.

Thị trường chứng khoán trước đây...

... và trường ĐH Kinh tế Quốc dân ngày nay.

... và trường ĐH Kinh tế Quốc dân ngày nay.

Ngoài ra, theo anh Vượng, khi xưa nhà đầu tư hồi hộp chờ đợi giá đóng cửa ATC, hồi hộp chứng kiến những lô lệnh khối lượng lớn của các "big boy" rót vào các cổ phiếu trong những phút cuối cùng, thì ngày nay thí sinh hồi hộp khi chứng kiến những thí sinh điểm cao đi nộp hồ sơ vào những ngày cuối cùng.

Anh Vượng cho rằng, nếu ví hành động cuối phiên của các big boy có thể thay đổi hoàn toàn giá cổ phiếu, thì hành động của các thí sinh điểm cao những ngày cuối có thể thay đổi hoàn toàn cục diện điểm số. Anh cho biết, tuần qua đã chứng kiến 1 ngành điểm chuẩn hôm trước giảm 5 điểm, hôm sau tăng lại 5,5 điểm.

Khi được hỏi so sánh độ khó giữa đầu tư chứng khoán và nộp hồ sơ năm nay, anh Vượng đánh giá, việc chọn ngành nghề để nộp khó hơn rất nhiều, bởi đây là sự kiện 1 năm mới có 1 lần mà đây lại là năm đầu tiên diễn ra. Hơn nữa, chọn sai cổ phiếu chỉ mất tiền, còn tính sai ngành nghề nộp hồ sơ thì sẽ "trượt đại học", một cụm từ khá nhạy cảm. "Tôi và con gái chọn ngành an toàn để vào được đại học đã, sau này ra trường làm nghề gì tính sau cũng được", anh Vượng cho hay.

--------------------------

Mọi phép so sánh đều chỉ mang tính tương đối. Chúc các thí sinh chọn được trường và ngành nghề phù hợp.

Theo Minh Quân

Cùng chuyên mục
XEM