Thuật toán này sẽ giúp Bộ Giáo dục "cứu" thí sinh thi đại học... năm sau?

20/08/2015 18:42 PM |

Bài viết này đề xuất một thuật toán và những phương tiện kĩ thuật đi kèm nhằm giúp Bộ Giáo dục đào tạo và các trường giải quyết được vấn đề tuyển sinh đại học một cách hiệu quả hơn.

Năm nay Bộ Giáo dục đào tạo đã tổ chức được kì thi THPT quốc gia nhằm mục đích xét tốt nghiệp và xét vào các trường đại học, cao đẳng theo phương thức mới, rút gọn từ hai kì thi xuống một và giúp giảm chi phí xã hội.

Tuy nhiên, công tác xét tuyển vào các trường đại học năm nay thực hiện bằng cách thí sinh có thể tự do rút nộp hồ sơ lại gây ra nhiều bất cập về chi phí đi lại, thông tin nhiễu loạn và các vấn đề phát sinh khác.

Ghi nhận vào ngày hôm nay 20/8, ngày cuối cùng của đợt nhận hồ sơ tuyển sinh của các trường đại học, rất đông thí sinh cùng phụ huynh đã phải "hớt hơ hớt hải" rút hồ sơ từ trường đã nộp trước đó, để rồi sau đó lại xếp hàng dài, chen lấn nộp hồ sơ vào trường khác (tất nhiên là ở địa điểm khác) trước 17h theo quy định của Bộ.

Bài viết này đề xuất một thuật toán và những phương tiện kĩ thuật đi kèm nhằm giúp Bộ Giáo dục đào tạo và các trường giải quyết được vấn đề tuyển sinh đại học một cách hiệu quả hơn.

Khi Bộ giáo dục tổ chức kì thi tuyển sinh, Bộ đồng thời có sẵn một cơ sở dữ liệu mềm trên máy tính về toàn bộ thí sinh, bao gồm các thông tin về họ tên, ngày sinh, số báo danh và điểm thi của thí sinh. Bộ có thể tạo ra một phần mềm trên nền tảng web theo đó mỗi thí sinh sẽ có một tên đăng nhập là chính họ tên, mật khẩu (có thể là số báo danh).

Sau khi có điểm thi, thí sinh có thể đăng nhập vào hệ thống này và sẽ xem được danh sách đầy đủ các trường. Thí dụ 100 trường đang tuyển sinh với cụ thể mỗi trường bao nhiêu chỉ tiêu. Thí sinh A sẽ lựa chọn 1 trường X để nộp hồ sơ. Sau đó bấm nút gửi hồ sơ.

Sẽ có các tình huống sau:

Tình huống 1: Giả sử trường X tuyển 1.000 chỉ tiêu và hiện đang có 900 thí sinh nộp, khi đó thí sinh A sẽ được hệ thống thông báo là đã nhận hồ sơ vào trường X vào thời gian (chi tiết theo phần trăm giây). Hệ thống cũng đồng thời thống kê mức điểm của thí sinh A xếp thứ tự thứ bao nhiêu trong tổng số thí sinh đã nộp. Thứ tự xếp từ điểm cao đến điểm thấp và theo thời gian hệ thống xử lý hồ sơ. Khi thí sinh A nộp thành công số thí sinh sẽ tăng lên 901 thí sinh và A có thứ tự chẳng hạn là 901.

Tình huống 2: Giả sử trường X có 1000 chỉ tiêu và hiện đã có đủ 1000 thí sinh thì hệ thống sẽ tự động so sánh điểm của thí sinh A với điểm thấp nhất của các thí sinh đã nộp vào trường.

- Nếu điểm của thí A cao hơn điểm thấp nhất của các thí sinh đã nộp vào trường X thì hệ thống thông báo là thí sinh A được nhận hồ sơ vào trường đồng thời hệ thống sẽ tự động loại bỏ 1 thí sinh có điểm thấp nhất ra khỏi số thí sinh đã nộp vào trường X.

Thí sinh bị loại khỏi gọi là thí sinh L. Hệ thống đồng thời gửi email thông báo hoặc thêm thông tin vào tài khoản của thí sinh L này rằng thí sinh L đã bị loại khỏi trường X.

Chú ý rằng nếu trường hợp xảy ra là có nhiều thí sinh ở trường X có số điểm bằng với thí sinh L thì sẽ xét theo thứ tự thời gian (tính chi tiết theo phần trăm giây). Các thí sinh có số điểm bằng nhau và xếp sau số thứ tự 1000 sẽ đưa vào "báo động đỏ".

- Nếu điểm thí sinh A thấp hơn điểm thấp nhất của các thí sinh đã nộp vào trường X thì hệ thống sẽ thông báo là thí sinh không đủ điểm để nộp hồ sơ vào trường X, do đó thí sinh A sẽ ngay lập tức tìm kiếm một trường Y để nộp hồ sơ và quá trình xảy ra tương tự như trên.

Thí sinh L khi nhận được thông tin bị loại khỏi trường X do có thí sinh A được nhận vào sẽ tiến hành lựa chọn lại 1 trường học Z khác để nộp hồ sơ. Quá trình này tương tự như thí sinh A nộp vào trường X và cũng có các tình huống như trên.

Hệ thống này hoạt động liên tục trong khoảng 2 tháng để các thí sinh giỏi nhất có cơ hội được học đại học.

Khi hết thời hạn xử lý hệ thống thì mỗi trường đã có danh sách đủ chỉ tiêu với những thí sinh có điểm tốt nhất. Lúc này, trường sẽ gửi thông tin yêu cầu các thí sinh này mang hồ sơ bản cứng đến nộp tại trường 1 lần duy nhất thay vì nộp rút nhiều lần như trước. Và trường chỉ cần xử lý số hồ sơ đúng với chỉ tiêu thay vì phải xử lý số lượng hồ sơ quá nhiều như trước.

Với hệ thống như trên, chúng ta sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại nộp rút hồ sơ bản cứng nhiều lần đồng thời qua đó cũng hình thành được một nền giáo dục cạnh tranh công khai minh bạch đầu vào bằng điểm và bằng thời gian (thời gian có thể tính bằng phần trăm giây như trong thi đấu thể thao) thực sự để cho những thí sinh giỏi nhất được chọn.

Ngoài ra để tránh tắc nghẽn về mạng, chúng ta có thể xây dựng hệ thống phân tán theo đó, các cổng giao tiếp của phần mềm sẽ có ở các trang web của các trường đại học cao đẳng. Bộ giáo dục là cơ quan cung cấp cơ sở dữ liệu chung thống nhất và cung cấp các cổng giao tiếp tới từng trường đại học.

Một giải pháp nữa để tránh nghẽn mạng đó là nên quy định trong thời gian 2 tháng thì thời gian nào những thí sinh có điểm nằm trong khoảng nào sẽ có quyền được truy cập hệ thống và đăng kí nộp hồ sơ. Ví dụ, ngày đầu tiên mở hệ thống, chỉ có các thí sinh từ 28 điểm trở lên mới đăng nhập được. Ngày thứ 2 các thí sinh từ 25 đến 27 điểm....và tiếp tục cho đến các ngày tiếp theo.

Trên đây là mô tả sơ lược về thuật toán để giải bài toán nạp rút. Thuật toán này thực ra cũng không quá phức tạp. Việc biến nó thành một hệ thống phần mềm là công việc tiếp theo. Và đó là công việc của những lập trình viên.

(Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả)

Nguyễn Minh Giang

Cùng chuyên mục
XEM