Người Trung Quốc đang nhận ra "giấc mộng Trung Hoa" của họ chỉ có thể thực hiện tại... Mỹ

19/03/2016 08:17 AM | Sống

Trong thập niên vừa qua, số lượng sinh viên Trung Quốc du học ở Mỹ đã tăng gần gấp 5 lần, từ 62.523 năm 2005 lên 304.040 vào năm ngoái.

Là con gái của một Đại tá trong Quân đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc, Ren Futon đã sống 17 năm liền trong một khu quân sự ở Bắc Kinh. Ở trường cô được dạy phải tuân phục và trung thành, và mọi người đều được giáo dục để “giống hệt nhau”.

Cô trở thành một thần đồng với thành tích học tập xuất sắc nhưng mục đích cuối cùng chỉ để được nhận vào một trường Đại học ở Trung Quốc mà thôi.

Vào một buổi tối 2 năm trước, Monica (tên tiếng Anh của Ren Futon) lúc này mới 15 tuổi, về nhà và nói với cha mẹ: “Con mệt mỏi với việc học hành và thi cử như một cái máy rồi. Con muốn học đại học ở Mỹ”. Đó thực sự là một cú sốc đối với cha mẹ cô, và khiến họ chết lặng.

Sau vài ngày hết bàng hoàng, cha mẹ Monica tìm cách khuyên nhủ con về việc ở lại Trung Quốc và học ở đại học Bắc Kinh, nhưng không làm thay đổi được ý định của cô. Cuối cùng họ quyết định sẽ ủng hộ cô.

Tuy nhiên, để làm được điều này, Monica sẽ phải bỏ kỳ thi đại học toàn quốc để chuẩn bị cho việc học ở Mỹ. Nếu việc này thất bại, cô sẽ không còn cơ hội để học ở trường đại học danh tiếng nhất Trung Hoa, bỏ lỡ cơ hội kiếm được một việc làm nhiều lợi lộc trong nước. Với Monica, đây là điểm bất khả vãn hồi.

Monica không phải là người duy nhất đi theo xu hướng này. Trong thập niên vừa qua, số lượng sinh viên Trung Quốc du học ở Mỹ đã tăng gần gấp 5 lần, từ 62.523 năm 2005 lên 304.040 vào năm ngoái.

Đa phần các đơn nhập học được gửi đến các trường Đại học lớn ở các bang miền Trung Hoa Kỳ, nơi sự cạnh tranh diễn ra hết sức gay gắt. Trong số 40.000 đơn xin nhập học của học sinh Trung Quốc vào năm ngoái, chỉ có 200 người được nhận vào các trường thuộc Ivy League.

Học sinh Trung Quốc là sản phẩm của một hệ thống giáo dục kìm hãm sự tò mò về tri thức, tính sáng tạo và dấu ấn cá nhân – những phẩm chất mà các trường ở Mỹ cực kỳ coi trọng.

Vì thế đối với nhiều người, đợt tuyển sinh vào các trường ở Mỹ là một trải nghiệm khó khăn và phải tự khám phá. Nhưng đối với những người khác, áp lực bất ngờ phải khẳng định bản thân cũng khiến họ trở nên mạnh mẽ và sẵn sàng làm bất kỳ điều gì để thành công.

Cuộc cạnh tranh giành một chỗ trong những trường đại học nổi tiếng ở Mỹ trở nên khốc liệt đến nỗi các gia đình giàu có ở Trung Quốc chuẩn bị cho con mình từ rất sớm. Các trung tâm đào tạo trẻ từ 9 đến 15 tuổi, thu phí 23.000 USD để hướng dẫn học sinh về thủ tục nhập học và tổ chức các khóa học như “đọc và viết” hay “chuẩn bị cho phỏng vấn”. Một học sinh còn kể cha mẹ đã cho cô đến Harvard khi đang học lớp 4, thậm chí người trẻ nhất tham dự trại hè ở UCLA mới 12 tuổi.

Gần một nửa trong số các gia đình có ý định cho con đi du học còn thuê hẳn chuyên viên tư vấn hoặc đến các trung tâm về du học. Thậm chí các trung tâm này còn có thể cung cấp dịch vụ trọn gói, gồm bảng điểm, thư giới thiệu, giấy chứng nhận các hoạt động ngoại khóa, và cả bài luận nữa.

Các trường đại học ở Mỹ cũng hết sức cẩn trọng với những đơn xin học từ học sinh Trung Quốc. Có điều họ không có đủ nguồn lực để kiểm tra mọi điều được viết ra trong hồ sơ dự tuyển, và khi những học sinh Trung Quốc mang đến khoản học phí toàn phần, họ gần như không còn chú ý đến các chi tiết đó nữa.

Theo Dennis Yang, tác giả của cuốn sách “Theo đuổi giấc mộng Trung Hoa ở Mỹ”, thì các trường ở Mỹ biết rõ về vấn đề này nhưng rất khó để có thể đưa ra một giải pháp ít tốn kém.

Mùa hè trước năm cuối cùng ở trường phổ thông chính là thời điểm mà các học sinh có thể làm gì đó về hoạt động ngoại khóa nhằm gây ấn tượng với các tuyển trạch viên ở Mỹ, và như Monica nói, để “đánh bóng hồ sơ”. Đối với ngay cả những người Mỹ, đây là một yêu cầu khá kỳ cục. Còn ở Trung Quốc, điều này đúng là không tưởng.

Tuy nhiên, nhiều gia đình giàu có sẵn sàng làm mọi thứ để giúp con mình có một hồ sơ đẹp. Các chuyên viên tuyển sinh ở Mỹ cho biết họ ngập trong hàng đống video và album ảnh từ các học sinh Trung Hoa kể về những chuyến trải nghiệm của mình.

Thậm chí một học sinh còn được bố thuê máy bay riêng đưa đến Tây Tạng trong 1 ngày để làm video về việc cậu đang giúp đỡ những người dân tộc thiểu số nghèo khổ ở đây.

Một gia sư người Mỹ ở Bắc Kinh kể rằng ông đã giúp học sinh của mình làm một cuốn phim về việc cô bé đang làm tình nguyện viên tại một ngôi làng bị động đất, và biên soạn một đoạn video giúp cho việc nâng cao ý thức về bệnh sốt rét.

Tính độc lập trong quá trình tuyển sinh ở Mỹ có thể khiến giai đoạn chờ đợi sau khi nộp hồ sơ đến lúc nhận kết quả trở nên cực kỳ dài và "đau tim".

Monica vẫn phải chờ kết quả khi cô nghe tin về 2 người bạn của mình, một người được nhận và một người bị từ chối khi nộp hồ sơ vào cùng một trường thuộc Ivy League. Ngày hôm sau, bạn cô là Britney cũng nhận được tin mừng từ đại học Yale.

Monica phải chờ đợi trong thấp thỏm thêm 3 ngày nữa trước khi Đại học Chicago thông báo cô đã được nhận. Cô sẽ đưa ra quyết định cuối cùng vào mùa xuân này, khi biết được kết quả từ 5 trường đại học hàng đầu khác mà mình đã nộp hồ sơ, trong đó có Yale.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM