Báo tây viết về quan điểm giáo dục giới tính 'vẽ đường cho hươu chạy' của người Việt

05/01/2016 14:11 PM |

Người Việt Nam có một câu ngạn ngữ đại ý là việc tránh nói đến chủ đề tình dục là cách tốt nhất để không “vẽ đường cho hươu chạy”.

Những bông hoa nhựa tươi tắn luôn khoe sắc chào đón các bệnh nhân ở quầy lễ tân của phòng khám sản khoa của bác sĩ Nguyễn Tố Hảo. Tuy nhiên, tâm trạng của vị bác sĩ này lại không vui chút nào. Bà Hảo, là một bác sĩ chuyên khoa sản và phụ khoa, nói rằng nhiều bệnh nhân của mình là những người ở tuổi thanh thiếu niên và chỉ biết chút ít về tình dục cũng như những hậu quả của nó.

Một số phụ nữ trẻ có thai khá lớn được đưa tới một bệnh viện gần đó để tiến hành nạo thai; những người khác chịu mang thai đến khi sinh nở và để con lại cho những vị sư ở các chùa chăm sóc.

Tình trạng có thai ngoài ý muốn chỉ có thể tránh được nếu Việt Nam thực hiện giáo dục giới tính tốt hơn ở các trường cấp 2. Người Việt Nam có một câu ngạn ngữ đại ý là việc tránh nói đến chủ đề tình dục là cách tốt nhất để không “vẽ đường cho hươu chạy”. Tuy nhiên theo lời bác sĩ Hảo thì hươu đã chạy rồi và chính phủ đã thất bại trong việc chỉ đường cho họ.

Tỉ lệ nạo phá thai thực sự ở Việt Nam không được biết một cách chính xác, nhưng ước tính nằm trong khoảng cao nhất của thế giới. Theo các nhà nghiên cứu ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương tại thủ đô Hà Nội, 2/5 mọi trường hợp có thai ở Việt Nam kết thúc bằng việc nạo phá thai – gấp đôi so với số liệu của chính phủ.

Sự thiếu hiểu biết về tình dục và các biện pháp tránh thai chính là nguyên nhân chủ yếu. Một số phụ nữ đã phá thai thậm chí còn chưa bao giờ có ý định mang thai. Những người khác thì khao khát một đứa con trai vì những đứa con trai này là người nối dõi tông đường và được trông chờ là sẽ chăm sóc cha mẹ khi già cả.

Lệnh cấm nạo phá thai vì lựa chọn giới tính đã được ban hành từ năm 2003, nhưng rất khó bắt mọi người thực hiện. Dịch vụ siêu âm lại có ở khắp mọi nơi. Nguyễn Thị Hiền, một bà mẹ đã có 2 con ở Hà Nội, nói rằng chỉ cần bỏ ra khoảng vài trăm ngàn đồng là các bác sĩ ở các phòng khám tư sẵn sàng cho các cặp vợ chồng biết giới tính của con mình.

Vì thế, theo Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc, cứ 100 bé gái được sinh ra, là có 111 bé trai chào đời ở Việt Nam – một tỉ lệ giới tính khi sinh thiếu cân bằng gần như đất nước láng giềng Trung Quốc. Việt Nam lo rằng sự thiếu cân bằng giới tính này sẽ khiến một thế hệ đàn ông phải vất vả khi tìm kiếm bạn đời cho mình. Cũng như ở các xã hội khác nơi có nhiều đàn ông độc thân, điều này đồng nghĩa với việc nạn buôn người và mại dâm tăng lên, sẽ có thêm nhiều vụ hiếp dâm và nguy cơ bất ổn chính trị cao hơn.

Các chính sách về dân số và nhân chủng học ở Việt Nam đang thay đổi liên tục. Quyết định nới lỏng gần đây của Trung Quốc với chính sách một con có thể khiến Việt Nam phải xem xét lại chính sách hai con của mình. Bộ Y tế hiện đang lấy ý kiến công chúng cho một dự thảo sửa đổi luật này và Quốc Hội có thể đưa ra xem xét vào đầu năm 2016.

Quyết định này được đưa ra không phải là quá sớm. Khoảng 2/3 trong số 90 triệu người dân đang ở độ tuổi lao động. Điều này mang lại cho Việt Nam một cơ hội phát triển kinh tế trong 3 thập niên tới. Nhưng “lợi tức dân số” lúc đó có thể đã hết.

Tỷ lệ sinh ở một số thành phố tại Việt Nam đã giảm xuống dưới tỷ lệ thay thế dân số, một xu hướng rốt cuộc có thể dẫn tới thiếu nhân lực, như Nhật Bản và các nước giàu khác đã và đang phải nếm trải. Điểm khác biệt là Việt Nam sẽ phải chịu rủi ro trở thành một nước có dân số già trước khi là một nước giàu.

Dự luật mới về dân số, theo cách diễn đạt hiện nay, cũng sẽ không giúp gì nhiều. Luật này đề xuất giữ nguyên chính sách hai con và cấm nạo phá thai trên 12 tuần tuổi, được rút ngắn từ mức hiện tại là 22 tuần tuổi, trừ trường hợp bị cưỡng hiếp. Tuy nhiên điều này có thể khiến thêm nhiều người Việt phải lựa chọn các cơ sở nạo phá thai chui. Vào tháng 9/2015, 17 chuyên gia sức khỏe cộng đồng đã phản đối dự thảo luật này trong một bức thư gửi đến Bộ trưởng bộ Y tế. Áp lực này có thể khiến chính phủ phải nới rộng giới hạn 12 tuần đã đề xuất.

Tuy nhiên, các biện pháp kiểm soát dân số đang được thực hiện bởi bộ Y tế còn chứa đựng một hậu quả nữa: sự chú trọng tiền sản để đảm bảo “chất lượng dân số”. Điều này nghe có vẻ vô hại, nhưng ý tưởng ngầm dưới đó, theo một chuyên gia chính sách y tế người nước ngoài tại Hà Nội, là các cán bộ y tế có thể khuyến khích người mẹ tiến hành nạo phá các thai nhi có dấu hiệu bị khuyết tật.

Một số người trong bộ Y tế cũng đề xuất bỏ chính sách hai con ở các thành phố trong khi vẫn áp dụng ở các vùng nông thôn – nghĩa là khuyến khích những người được giáo dục tốt hơn và có đời sống kinh tế khá hơn sinh thêm con trong khi hạn chế quyền này ở những người nghèo, gồm cả các dân tộc thiểu số, những người coi con cháu là tấm lưới bảo hộ duy nhất của mình. Việc này có thể cho phép các quan chức đang chỉ đạo thực hiện chính sách hai con giữ được việc làm. Nhưng ý tưởng này mang tính thụt lùi, thiếu công bằng và cần phải bị loại bỏ.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM