Người Ấn cũng thích du học như người Việt, nhưng họ không thích về nước mà ở lại Mỹ làm CEO của Google, Microsoft

22/12/2015 16:08 PM | Kinh doanh

"Ấn Độ, dù nền giáo dục không hẳn quá tốt, nhưng khi có nhiều người học ở nước ngoài, sau một thời gian, có rất nhiều người nắm được các vị trí cao ở các tập đoàn đa quốc gia như CEO Pepsi, Adobe, Microsoft, Diageo…Đến một thời điểm nào đó, hy vọng Việt Nam sẽ có thêm những Ngô Bảo Châu trong lĩnh vực kinh doanh".

Đó là nhận định của ông Phan Duy – đồng sáng lập kiêm Tổng Giám đốc CTCP Giáo dục Yola - Anh ngữ Thông minh, một trong những starup đào tạo tiếng Anh, luyện thi tiếng Anh du học và tư vấn du học khá thành công tại Việt Nam.

Năm ngoái, Ngọc Tú, một founder khác của Yola được Forbes Việt Nam xếp trong danh sách 30 under 30 (30 người dưới 30 tuổi thành công nổi bật tại Việt Nam).

Chi du học/ngân sách giáo dục của Việt Nam cao gấp 10 lần Trung Quốc

* Mới đây, theo thống kê từ Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF), số tiền chi cho du học mỗi năm của người Việt lên tới 3 tỷ USD. Ông có bất ngờ với con số này?

Thực chất, là người trong ngành, tôi đã biết con số này từ lâu và thấy nó bình thường. Một năm Việt Nam có 125.000 học sinh đi du học, trong đó, đến 90% là du học tự túc. Với chi phí du học của mỗi em khoảng 25.000 – 30.000 USD/năm, trung bình chi phí cho du học sẽ tốn khoảng 3 tỷ USD/năm.

Tất cả trung tâm du học lớn trên thế giới đều muốn có mặt tại Việt Nam.Việt Nam là một thị trường dạy tiếng Anh và du học rất lớn.

Nhưng với xã hội nói chung, con số ấy là rất lớn. Một năm chi tiêu ngân sách cho giáo dục chỉ 10 tỷ USD, tức số tiền chi cho du học đã bằng 30% chi tiêu của ngân sách. Trong khi đó,Trung Quốc chi ngân sách cho giáo dục ở mức 350 tỷ USD/năm, chi du học chỉ khoảng 12 tỷ USD, tức chỉ bằng 3% ngân sách chi tiêu cho giáo dục.

* Theo ông, nhu cầu du học của các bạn trẻ ngày nay so với các năm trước thế nào?

Theo số liệu thống kê, 1 năm số lượng người Việt du học đến Úc nhiều nhất, khoảng 30.000, tăng khoảng 20%/năm.

Thị trường lớn thứ 2 là Nhật. Giai đoạn 2013-2014, số du học sinh Việt Nam tới đất nước này đã tăng tới 100%.

Thứ 3 là Mỹ: 16.000, tăng khá đều, khoảng 10%/năm.

Thứ 4 là Trung Quốc với 10.000 học sinh. Sau đó mới đến các nước khác như Anh, Pháp, Singapore…

* Với tỷ lệ tăng trưởng số lượng du học sinh tại các thị trường du học như trên, các khoản chi cho du học liệu có dừng lại ở con số 3 tỷ USD?

Với đà tăng trưởng này, chắc chắn chi phí cho du học sẽ tăng lên.

Du học sinh Việt không trở về, Ấn Độ cũng vậy, và giờ CEO thế giới phần lớn là người Ấn

* Ông nghĩ sao về tình trạng “13 thí sinh đoạt giải Olympia đi du học thì chỉ 1 em trở về nước”?

Cá nhân tôi nghĩ mọi người không nên khắt khe về chuyện này. Du học nhìn chung là để giao lưu học hỏi. Những nước như Mỹ, với 300 triệu dân và nền giáo dục phát triển, 1 năm có 250.000 học sinh du học, tức gấp đôi số lượng du học sinh của Việt Nam. Đức 1 năm cũng có khoảng 130.000 học sinh đi du học.

Việc giao lưu giữa các nền giáo dục, văn hóa, kinh tế với nhau là chuyện rất tốt, tôi nghĩ vậy.

Thứ nữa, khi đi ra rồi các bạn học được rất nhiều thứ khác nhau như năng lượng nguyên tử chẳng hạn - những ngành ở Việt Nam không có, về nước rất khó áp dụng.

Bên cạnh đó, không chỉ quay về Việt Nam mới giúp được cho Việt Nam. Chúng ta có thể đóng góp cho Việt Nam dù ở bất kỳ nước nào. GS Ngô Bảo Châu ởnước ngoài rất lâu, nhưng đã đóng góp cho danh tiếng Việt Nam và đóng góp cho nền toán học Việt Nam rất nhiều.

Cuối cùng, hàng năm nước ta vẫn nhận hơn 10 tỷ USD kiều hối. Đấy là nguồn thu rất quan trọng cho nền kinh tế.

* Một vài du học sinh cho rằng: Việc ra đi là vì các công ty tại Việt Nam không thể trả đủ lương, hoặc một mức lương tương xứng để theo đuổi đam mê công việc. Ông có cho rằng thu nhập là một vấn đề nhạy cảm cho việc ra đi của các du học sinh?

So với mặt bằng lương giữa các nền kinh tế, rõ ràng các công ty ở Việt Nam khó trả lương cao. Nhưng so sánh về mức sống, tôi không nghĩ thu nhập của các du học sinh về nước sẽ tệ đến mức đó. Dù sao, mức sống ở Việt Nam cũng dễ chịu hơn nhiều các nước khác khi so sánh tương quan giữa mức thu nhập và chi phí sống.

Nghĩ thoáng một chút, có nhiều người Việt ở nước ngoài không phải là xấu. Như Ấn Độ, nền giáo dục không hẳn quá tốt, nhưng khi có nhiều người học ở nước ngoài, sau một thời gian, một là, những người Ấn Độ ở nước ngoài sẽ có bằng tiến sỹ hoặc ít nhất là thạc sỹ, có thể đóng góp trở lại rất nhiều cho Ấn Độ.

Thứ 2, có rất nhiều người sau 30-40 năm nữa lên được các vị trí cao ở các tập đoàn đa quốc gia. CEO của Citibank mấy năm trước là một người Ấn Độ, CEO của Pepsi – bà Indra Nooyi là người Ấn Độ. Ngoài ra còn một loạt các vị CEO Ấn khác như Sundar Pichai (CEO Google), Ajay Banga (CEO Mastercard) , Ivan Menezes (CEO Diageo), Rakesh Kapoor (CEO Reckitt Benckiser), Satya Nadella (CEO Microsoft), Shantanu Narayen (CEO Adobe)…

Sắp tới, một trong 2 người có thể thay thế Warren Buffett ở Berkshire Hathaway là Ajit Jain, cũng là một người Ấn Độ.

Việt Nam chưa có ai được như thế. Nhưng đến một thời điểm nào đó, Việt Nam sẽ có thêm những Ngô Bảo Châu trong lĩnh vực kinh doanh.

Người Việt chỉ đang tưởng mình học giỏi

* Một trong những vấn đề của giáo dục Việt Nam hiện nay là các cấp giáo dục không khớp nhau. Trong khi cấp THCS (Cấp 2) được đánh giá là giỏi trong khu vực (căn cứ trên kết quả kiểm tra Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế - PISA của OECD), thì cấp PTTH (Cấp 3) và Đại học lại giảm sút, trong đó, cấp PTTH được coi là khâu yếu nhất trong hệ thống giáo dục Việt Nam…

Học sinh Việt Nam nghĩ là mình giỏi, nhưng đến lúc cần phải cạnh tranh với nhau để biết ai thực sự giỏi hơn thì học sinh Việt sẽ đuối.

Người Việt luôn nhìn vào điểm số. Các bậc dưới luôn bị ảnh hưởng bởi điểm số A, B, C… Điểm số đấy thường sẽ cao hơn (tôi không rõ vì sao). Trong khi đó, những kỹ năng khác– những kỹ năng mà về sau sẽ rất quan trọng trong việc học đại học và sau đại học, hoặc khi đi làm, như kỹ năng thể hiện bản thân, kỹ năng tư duy phản biện (critical thinking)… thì hoàn toàn không được dạy.

Cấp 2, cấp 3 chúng ta nghĩ là điểm số chúng ta cao. Việc có nhiều người đi thi quốc tế và đoạt giải chúng ta cho là đã thể hiện bộ mặt toàn bộ nền giáo dục, là không đúng.

* Nếu không căn cứ vào điểm số hoặc một thang đo nào cụ thể (kết quả PISA hoặc số lượng các học sinh thi quốc tế và đoạt giải), theo ông, làm thế nào nhìn rõ được bộ mặt toàn diện của giáo dục Việt Nam?

Hãy để các công ty đa quốc gia và các công ty Việt Nam đánh giá.

Nói nôm na, nền giáo dục Việt Nam đang tạo ra sản phẩm để bán, và các công ty bên ngoài là người mua các sản phẩm đó.

Muốn biết sản phẩm của mình tốt đến mức nào hãy hỏi khách hàng. Kết quả đánh giá của khách hàng là một trong những điểm khá rõ trả lời cho câu hỏi chất lượng giáo dục Việt Nam tốt hay không tốt.

* Xin chân thành cảm ơn ông!

Nguyên Bảo

Cùng chuyên mục
XEM