Đây là điều sẽ xảy ra với cơ thể khi chúng ta ngừng ăn đường

23/01/2016 09:08 AM | Sống

Chân tay lập cập, người uể oải và sẵn sàng có những hành động “bốc đồng” và thiếu kiềm chế khi nhìn thấy đồ ngọt trước mặt. Đó là dấu hiệu thường thấy khi bạn bị “bỏ đói đường" trong một quãng thời gian đủ dài.

Trong khoa học thần kinh, thực phẩm là điều mà chúng ta vẫn gọi là “phần thưởng của tự nhiên”. Để có thể tồn tại và duy trì nòi giống thì việc ăn, quan hệ tình dục và nuôi dưỡng con cái chắc chắn phải có một chất kích thích để làm hài lòng não bộ thì những hành vi này mới có thể được củng cố và lặp đi lặp lại mỗi ngày.

Trong não bộ có một bộ phận là Vùng khen thưởng ( Mesolimbic Pathway hay MP) giúp ta giải mã những tín hiệu từ thức ăn hay “phần thưởng tự nhiên”.

Khi chúng ta làm điều gì đó có hứng thú, một bó các tế bào thần kinh VTA (Ventral Tegmental Area) sẽ sử dụng chất dẫn truyền thần kinh để báo hiệu cho một bộ phận của não là vùng nhân vòng (Nucleus Accumbens hay NA).

Sự kết nối giữa bộ phận NA và vỏ não trước trán sẽ ra lệnh cho các hành vi của chúng ta như: quyết định cắn thêm một miếng bánh sô cô la ngon tuyệt nữa hay không. Vỏ não cũng sẽ kích hoạt các hoóc môn và nói với cơ thể chúng ta rằng: “Này, cái bánh này ngon thật đấy! Tôi sẽ ghi nhớ nó để lần sau còn ăn tiếp”

Đa số chúng ta thích đồ ngọt hơn là các loại thực phẩm chua hoặc đắng. Lý do là về mặt tiến hoá, vùng khen thưởng được củng cố là nhờ đồ ngọt cung cấp cho nó nguồn carbohydrate lành mạnh cho cơ thể. Khi tổ tiên của chúng ta đi tìm quả ăn, ví dụ, chua nghĩa là “chưa chín mọng”, trong khi đắng nghĩa là “cảnh báo- có độc!”

Cách đây một thập kỷ, người ta ước tính rằng người Mỹ tiêu thụ trung bình 22 muỗng cà phê đường mỗi ngày, tương đương 350 calo. Cũng mới vài tháng trước, một nhà nghiên cứu đã cho thấy người Anh tiêu thụ 238 muỗng trà đường mỗi tuần.

Ngày nay, chúng ta có thêm nhiều sự lựa chọn hơn bao giờ hết với những loại thực phẩm mà khi chế biến hoặc dùng ngay, chúng ta không cần phải cho thêm đường để tăng thêm hương vị. Nhưng bằng cách này, chúng ta đã tự biến mình thành những kẻ “nghiện đường” khi những vị ngọt nhân tạo trở thành một chất kích thích như nicotine, cocain hay heroin.

Nghiện đường là có thật!

Nghiện đường gồm cảm giác mê mẩn, ý muốn cai nghiện, sau đó là thèm khát và mẫn cảm chéo. Tất cả những biểu hiện này đã được quan sát thấy ở các động vật được thí nghiệm như chuột.

Cũng như các chất kích thích khác, đường giải phóng chất dẫn truyền dopamine cho vùng nhân vòng (nucleus accumbens – hay NA). Về lâu dài, lượng đường tiêu thụ có thể làm thay đổi biểu hiện gien và phản xạ nhận tín hiệu từ chất dẫn truyền của vùng não giữa và vỏ não vùng trán. Việc lạm dụng đường trong thời gian dài cũng có thể gây ức chế hoạt động của các chất dẫn truyền dopamine.

Trong ngắn hạn, nó sẽ kích thích đường khen thưởng (hay đường khoái cảm) của não khiến nhu cầu về đường của nó trở nên ngày càng lớn hơn thì mới có đủ khả năng để kích thích được các chất dẫn truyền dopamine như trước kia.

Cai nghiện đường cũng là có thật!

Mặc dù nhiều nghiên cứu được thực hiện ở loài gặm nhấm nhưng cũng không quá cường điệu khi nói rằng những biểu hiện đầu tiên trong quá trình cai nghiện đường cũng xảy ra tương tự với con người.

Một nghiên cứu năm 2002 do giáo sư Carlo Colantuoni và các đồng nghiệp thuộc trường Đại học Princeton đã chỉ ra rằng: những con chuột sau khi đã bị “cho nghiện đường” rồi “cho cai nghiện đường” sau một tháng bằng một số phương pháp điều trị, đều có những hành vi và biểu hiện tương tự như: răng lập cập, rung tay chân và lắc đầu. Xu hướng hành động một cách lờ đờ và thụ động hơn trong mọi hoạt động cũng cho thấy “sự bất lực” của chúng.

Kết quả được công bố mới đây trong nghiên cứu của giáo sư by Victor Mangabeira và các đồng nghiệp về Sinh lý học và Hành vi cũng cho thấy, việc rút bớt lượng đường ở những con chuột đã bị nghiện đường có thể khiến chúng nảy sinh những hành vi “bốc đồng”.

Tất nhiên thử nghiệm trên mới chỉ được thực hiện trên loài gặm nhấm và có vẻ cực đoan. Nhưng những nghiên cứu này chắc chắn cũng cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc hơn vào sự phụ thuộc, việc rút bớt đường và hành vi của chúng ta dưới tác động của đường.

Thực tế, không ít người chia sẻ tình hình “cai nghiện đường” của họ với các chuyên gia. Đa số đều có chung những biểu hiện như những cơn thèm khát đến nỗi có thể khiến họ tái nghiện và ăn đường trở lại.

Bạn có thể băn khoăn phải mất bao lâu sau khi bắt đầu cai nghiện đường để có thể “miễn nhiễm” lại với nó, hoặc khi nào thì cơ thể sẽ không phải chịu những tác dụng phụ do “chứng nghiện đường” gây ra. Câu trả lời chưa có lời giải đáp này có lẽ sẽ phải chờ thêm nhiều nghiên cứu nữa.

Bởi mỗi người sẽ chịu những tác động và hiệu ứng khác nhau và cũng bởi chưa có một thí nghiệm nào về vấn đề này được thực hiện trên người cả.

Hoàng Hà

Cùng chuyên mục
XEM