Người Mỹ cũng 'cuồng' Thực phẩm chức năng không kém Việt Nam
Những thực phẩm chức năng giá rẻ trở thành “bữa phụ” cho những người nghèo tại Mỹ bởi họ không đủ điều kiện để ăn rau xanh và hoa quả mỗi ngày, nên họ uống bổ sung vitamin như là một cách nâng cao sức khỏe.
Chất lượng cuộc sống ngày một nâng cao khiến người dân ngày càng chú tâm hơn đến vấn đề chăm sóc sức khỏe. Ngày nay, cùng với hàng hoạt cải tiến mới, sản phẩm “chăm sóc sức khỏe” với tên gọi Thực phẩm chức năng đã ra đời, nhằm bổ sung dưỡng chất cho cơ thể và chăm sóc cơ thể toàn diện hơn.
Theo nghiên cứu của Hiệp hội Nghiên cứu Ung thư Mỹ, có tới 43% người Mỹ ưa chuộng thực phẩm chức năng đa vitamin , và 21% dùng các loại thực phẩm chức năng khác. Đa số người Mỹ dùng thực phẩm chức năng là vitamin C (17%), vitamin E (15,7%) và allicin (8,7%).
Tất cả các siêu thị lớn ở Mỹ như Costco, Walmart, Walgreens… đều bày bán rất nhiều loại thực phẩm chức năng khác nhau, những thực phẩm chức năng giá rẻ trở thành “bữa phụ” cho những người nghèo tại Mỹ bởi họ không đủ điều kiện để ăn rau xanh và hoa quả mỗi ngày, nên họ uống bổ sung vitamin như là một cách nâng cao sức khỏe.
Thị trường thực phẩm chức năng của Mỹ tăng trưởng không ngừng, doanh thu từ 96,8 tỷ USD năm 2007 nhảy vọt lên 150 tỷ USD năm 2013, trong đó thực phẩm hỗ trợ giảm cân chiếm 7%, đạt mức 35 tỷ USD.
Với trào lưu sử dụng thực phẩm chức năng, đặc biệt là trong những năm gần đây khái niệm "thiên nhiên" đang rất được sùng bái, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe của Mỹ đã thi nhau đóng mác “chiết xuất tự nhiên", đặc biệt là những sản phẩm chống lão hóa và giảm cân.
Tuy nhiên, đa số quảng cáo hiện nay đều không đúng sự thật. Năm 2012, Cục kiểm định New York phát hiện ra rằng 20% sản phẩm giảm cân và sản phẩm tăng cường khả năng miễn dịch đều “phóng đại” sản phẩm của mình.
Từ năm 2004, khoảng một nửa trong số các sản phẩm thuốc bị FDA thu hồi là thực phẩm chức năng được phát hiện chứa các thành phần dược phẩm bị cấm. Giữa tháng 1 năm 2009 đến cuối năm 2012, FDA thu hồi ít nhất 274 thực phẩm chức năng giúp bổ sung chế độ ăn uống.
Tuy nhiên nhiều trong số các sản phẩm này đã xuất hiện trở lại thị trường một thời gian ngắn sau đó.
Vào đầu tháng 2 -2015, bốn nhà bán lẻ lớn của Mỹ là GNC, Target, Walgreens và Wal-Mart bị phát hiện bán các loại thực phẩm chức năng có thành phần không giống như đã quảng cáo: thực phẩm chức năng bổ não ginkgo biloba (bạch quả) của Wal-Mart chỉ có bột củ cải và bột mỳ; nhân sâm của Walgreens chỉ có bột tỏi và bột gạo; sản phẩm của GNC chứa bột đậu phộng và các loại bột đậu có thể gây nguy hiểm cho người có cơ địa dị ứng.
Vậy tại sao nước Mỹ đã có FDA mà vẫn để chuyện như vậy xảy ra?
FDA là Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm của Mỹ, nhưng thực phẩm chức năng lại không phải là thuốc, vậy nên các sản phẩm này không cần giám sát nghiêm ngặt.
Theo Chế độ ăn uống Y tế và Đạo luật Giáo dục năm 1994 (DSHEA) , các thực phẩm bổ sung không bắt buộc phải chứng minh tính an toàn cho FDA.
Nói cách nào khác, sản phẩm bổ sung có tác dụng thế nào, độ an toàn ra sao là do tính tự giác của các nhà sản xuất.
FDA chỉ yêu cầu các sản phẩm chức năng này không được tuyên truyền khả năng chữa bệnh, trên bao bì bắt buộc phải ghi rằng các sản phẩm này không có tác dụng phòng và chữa bệnh nào cả.
Chính vì vậy, người Mỹ cũng ý thức được rằng thực phẩm chức năng không phải là thuốc, cũng không có tác dụng chữa bệnh và FDA không quản lý độ chính xác an toàn của thực phẩm chức năng.
Ở Việt Nam, trong những thập kỷ gần đây cũng đang chứng kiến xu hướng tăng trưởng của thị trường thực phẩm chức năng cả trên hai phương diện sản xuất và cung ứng. Tuy nhiên sản phẩm nội chưa thực sự tìm được chỗ đứng trong thị trường mà đa phần người dân hiện tại vẫn đang tin dùng hàng xách tay từ nước ngoài hơn.
Dù vậy, người tiêu dùng vẫn nên hiểu được ý nghĩa thực sự của thực phẩm chức năng và biết cách dùng hợp lý để đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất và chăm sóc cơ thể một cách toàn diện nhất.