Bảo tàng Henry Ford: Không chỉ có xe hơi

16/06/2014 08:05 AM | Sống

Với những người yêu thích xe hơi, bảo tàng Henry Ford chính là nơi không thể bỏ qua nếu có cơ hội đến Mỹ. Nhưng nơi đây không chỉ có xe hơi mà còn lưu giữ cả một nền văn hóa Mỹ...

Bộ sưu tập xe hơi lớn nhất thế giới

Henry Ford đã cung ứng 15 triệu chiếc xe hơi cho thị trường Mỹ. Triết lý kinh doanh của Ford là tạo ra những chiếc xe hơi "với giá rẻ đến mức những người có thu nhập trung bình đều có thể mua được". Thời điểm đó, 50% lượng xe trên đường phố Mỹ là do Công ty Ford Motor sản xuất.

Thành công của Ford đến từ việc áp dụng dây chuyền lắp ráp vào sản xuất xe hơi mẫu Model T. Với công nghệ này, Ford chỉ mất 93 phút để sản xuất một chiếc xe hơi hoàn chỉnh, thay vì tốn đến 12,5 giờ đồng hồ như trước đây.

Điều này cũng cho phép Ford sản xuất nhiều chiếc Model T hơn với mức giá thấp hơn rất nhiều. Lợi nhuận thu được, Ford tăng gấp đôi tiền lương cho công nhân, lên mức 5 USD/ngày. Với mức lương mới, mỗi công nhân đều có khả năng sở hữu một chiếc Model T. Còn Henry Ford thì đi vào lịch sử như người đầu tiên mở ra kỷ nguyên sản xuất hàng loạt trong ngành công nghiệp cơ khí. 

Do đó, khoảng 40% không gian bảo tàng Henry Ford được dùng để giới thiệu các mẫu xe hơi mà đa phần là những sản phẩm do Ford Motor sản xuất từ những ngày đầu thành lập công ty, năm 1903. Tại đây, khách tham quan sẽ được tìm hiểu mọi thứ liên quan đến xe hơi thông qua biểu đồ, mẫu vật và cả những thước phim lịch sử.

Lịch sử phát triển xe hơi được tái hiện từ những năm 1880 đến hiện tại qua một sơ đồ lớn, từ thiết kế đến sản xuất theo từng cột mốc quan trọng. Ford đã cất công sưu tầm đầy đủ mọi tiêu bản của những chiếc xe hơi: từ chiếc xe đạp bốn bánh đầu tiên của Henry Ford đến chiếc xe hơi của Lincoln, từ chiếc xe Tổng thống Kennedy đã bị ám sát trên đó đến chiếc xe đua một chỗ Lotus Ford đã giúp Jim Clark chiến thắng tại giải Indianapolis.

Bảo tàng Ford còn lưu giữ từ bản mô phỏng chiếc máy bay đầu tiên trên thế giới do anh em nhà Wright sản xuất đến máy bay Ryan đã từng bay dọc Đại Tây Dương của Charles Lindbergh.

Bảo tàng còn khái quát được cả không gian văn hóa của ngành sản xuất xe hơi nước Mỹ với rất nhiều mẫu vật thú vị. Khách tham quan sẽ được nhìn ngắm các bảng hiệu đèn néon của những quán ăn bên xa lộ liên bang, các bãi chiếu phim ngoài trời đậu đầy ô tô, các trạm xăng, đoạn phim thử nghiệm xe hơi và thậm chí là lá thư của Clyde Barrow (nhân vật trong bộ phim nổi tiếng Bonnie và Clyde) khen ngợi Henry Ford về chất lượng của chiếc V-8.

Không gian văn hóa Mỹ

Nhiều năm trước khi khánh thành bảo tàng, Ford đã cho nhân viên lùng sục mọi ngõ ngách của nước Mỹ để tìm những vật dụng thường ngày. Nhờ đó mà di sản bảo tàng Henry Ford để lại cho các thế hệ sau không chỉ có máy bay, xe hơi mà cả những bộ sưu tập thú vị khác như vũ khí, đồ nội thất, thiết bị nông trại hay thậm chí là đèn dầu...

Bên trong bảo tàng có một khu vực triển lãm đặc biệt với tiêu đề "Lời tuyên thệ của nước Mỹ với nhân dân": "Tự do và bình đẳng cho tất cả mọi người". Khu vực này được Ford dành để trưng bày biểu đồ các thành tựu trong quá trình vận động nhân quyền của nước Mỹ mà trung tâm là chuyến xe buýt Rosa Parks. 

Chuyến xe này đã trở thành biểu tượng cho sự đấu tranh chống phân biệt chủng tộc khi một phụ nữ da đen tên Rosa Parks đã bất chấp luật lệ, từ chối nhường chỗ của cô cho một người đàn ông da trắng vào giữa thập niên 50.

Tạm rời khỏi bảo tàng Henry Ford, ngôi làng lịch sử Greenfield là điểm đến thứ hai mà du khách nên tham quan để hiểu hơn về văn hóa Mỹ.

Trên mảnh đất khoảng 36a, Henry Ford đã quy hoạch thành một ngôi làng, nơi quy tụ 100 tòa nhà của các nhân vật Mỹ nổi tiếng thế giới cùng hệ thống đường sá có cả xe ngựa, tàu lửa hơi nước lẫn những chiếc xe Model T của Ford Motor.

Sức hấp dẫn của ngôi làng lịch sử này chính là những ngôi nhà được Ford mua lại và mang về lắp ráp: ngôi nhà thời thơ ấu, công xưởng nơi Ford sản xuất chiếc xe đạp bốn bánh; ngôi nhà và cũng là cửa hàng bán xe đạp của anh em nhà Wright được mang về từ Ohio, đây cũng là nơi họ đã chế tạo chiếc máy bay đầu tiên của thế giới.

Bản sao mô phỏng phòng thí nghiệm ở New Jersey của Thomas Edison chính xác đến từng chi tiết; tòa án Illinois nơi Abraham Lincoln hành nghề luật sư... Bao bọc xung quanh ngôi làng lịch sử này là khu rừng và cánh đồng cỏ rộng 60ha.

Với bảo tàng xe hơi và ngôi làng lịch sử Greenfield, Henry Ford đã kể lại lịch sử của ngành công nghiệp xe hơi lẫn nước Mỹ giai đoạn cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XX một cách sống động và quyến rũ nhất. Đây chính là di sản mà doanh nhân, tỷ phú và nhà sáng chế Henry Ford để lại cho thế hệ sau.

>> 10 biệt danh tồi tệ nhất lịch sử xe hơi

vandoan

Cùng chuyên mục
XEM