Sống với con người suốt 15.000 năm, não bộ loài chó đã bị chúng ta biến đổi
Nếu chúng ta tác động lên quá trình tiến hóa của các loài sinh vật khác, chúng ta nên tác động một cách có trách nhiệm.
Chó đã sống cùng với con người trong suốt hàng ngàn năm. Cùng khoảng thời gian đó, chúng ta đã thuần hóa và biến chúng từ những con sói hoang đáng sợ trở thành lũ cún nhà vẫy đuôi ngoan ngoãn.
Chó cũng là một trong những loài có nhiều biến thể nhất trong vương quốc động vật, nhờ vào hoạt động lai tạo của chúng ta. Nhưng không chỉ có vậy, một nghiên cứu mới quét não những con chó còn cho thấy những thay đổi sâu sắc khi chúng sống bên cạnh con người:
Chúng ta đã thay đổi vào cả cấu trúc não bộ của chó, khi biến chúng từ những kẻ săn mồi thành một người bạn trung thành.
Sống với con người suốt 15.000 năm, não bộ những con chó đã biến đổi
Phát hiện mới được Erin Hecht, một nhà thần kinh học tại Đại học Harvard, khám phá khi cô cùng đồng nghiệp của mình tập hợp lại một bộ sưu tập ảnh quét não MRI của 62 con chó thuần chủng thuộc 33 giống khác nhau.
Trước đây, chưa từng có nhà khoa học nào thu thập được một cơ sở dữ liệu như vậy và đi theo hướng nghiên cứu này. Bởi vậy, ngay khi đặt các hình ảnh cạnh nhau, "bạn lập tức có thể nhìn thấy kết quả đập vào mắt mình", Hecht nói.
Những con chó đến từ hơn ba chục giống khác nhau tất nhiên có nhiều hình dạng và kích cỡ hộp sọ. Nhưng không điều gì trong số đó có thể giải thích sự khác biệt trong cách bố trí bộ não của chúng.
Hecht và nhóm của cô đã xác định được sáu mạng lưới và vùng não có xu hướng khác biệt rõ ràng giữa các loài chó với nhau. Đó là các mạng lưới liên kết với các chức năng nhất định, chẳng hạn như khứu giác hoặc vận động.
Mỗi loài chó được con người thuần chủng cho các mục đích khác nhau lại phát triền từng vùng não này một cách khác nhau.
Chẳng hạn chó võ sĩ và chó dobermans, thường được sử dụng làm chó cảnh sát, có mạng thị giác và khứu giác rất phát triển. Những con chó được lai tạo để thi đấu thể thao cho thấy những thay đổi trong mạng lưới não bộ chịu trách nhiệm cho sự sợ hãi, căng thẳng và phản ứng lo lắng. Chó chăn cừu có được sự nhanh nhẹn và tốc độ của chúng nhờ vùng não vận động phát triển.
Chính hoạt động huấn luyện của con người mới làm thay đổi não bộ chó săn, thay vì bản năng săn mồi tự nhiên của chúng.
"Đặc điểm giải phẫu não khác nhau giữa các giống chó, chắc chắn một vài trong số đó là do tác động của con người trong việc chọn lọc nhân giống và huấn luyện chó với những hành vi cụ thể như săn bắn, chăn thả hoặc bảo vệ gia súc", Hecht nói.
Cô lấy một ví dụ điển hình về những con chó săn được huấn luyện theo hai phong cách khác nhau: sử dụng thị giác hoặc khứu giác để phát hiện con mồi. Nếu phát triển một cách tự nhiên, bạn sẽ nghĩ những con chó săn mồi bằng khứu giác sẽ có vùng não khứu giác phát triển.
Nhưng kết quả chụp MRI không cho thấy điều đó mà chỉ ra một mô hình cực kỳ liên quan đến hoạt động huấn luyện của con người. Những con chó chuyên đi săn bằng mùi hương cho thấy vùng não hiểu và truyền đạt thông tin rất phát triển.
Hecht giải thích: "Tôi đã nghe các huấn luyện viên dạy chó săn mồi bằng mùi nói rằng bạn không cần phải huấn luyện một con chó ngửi thấy mùi gì đó. Thay vì vậy, bạn chỉ cần huấn luyện chúng báo cáo về mùi hương đó".
Điều này chứng tỏ chính hoạt động huấn luyện mới làm thay đổi não bộ chó săn, thay vì bản năng săn mồi của chúng.
"Đây là một nghiên cứu mới rất thú vị", nhà tâm lý học Daniel Horschler đến từ Đại học Arizona cho biết. Trước đây, Horschler đã từng nghiên cứu sự tiến hóa của bộ não chó, nhưng ông khẳng định nghiên cứu này là những phát hiện đầu tiên cho thấy mối tương quan giữa cấu trúc não chó và các hành vi trong nhiệm vụ của chúng được định hình bởi con người.
Chúng ta đã thay đổi các loài động vật xung quanh mình, và với loài chó, ảnh hưởng cả đến cấu trúc não bộ của chúng là những thay đổi cực kỳ sâu sắc, Hecht nói. Suy nghĩ về điều đó mang lại một cảm giác về trách nhiệm.
Nếu chúng ta tác động lên sự sống và quá trình tiến hóa của các loài sinh vật khác, Hecht nghĩ chúng ta nên làm điều đó dưới một nhận thức trách nhiệm rõ ràng.
Bản thân Hecht cũng nuôi hai con chó chăn cừu Úc nhỏ. "Những con chó ở đây với tôi, cũng như tổ tiên của chúng đã sống cùng tổ tiên của tôi. Đó là một mối liên hệ sâu sắc, kỳ lạ và thật tuyệt vời", cô nói.
Nhưng con người cũng chỉ là một sinh vật đơn lẻ sống trong một thời điểm của lịch sử. Nếu chúng ta tác động lên sự sống và quá trình tiến hóa của các loài sinh vật khác, Hecht nghĩ chúng ta nên làm điều đó dưới một nhận thức trách nhiệm rõ ràng.
"Tôi nghĩ nghiên cứu của mình là một lời kêu gọi trách nhiệm khi chúng ta làm điều đó, khi chúng ta đối xử với các các động vật như chúng ta vẫn đang đối xử", Hecht nói.
Nghiên cứu mới của cô được công bố trên tạp chí Journalof Neuroscience.