Sinh viên Đại học biến Honda Civic thường thành xe tự lái chỉ mất có 700 đô, thách thức những ông lớn Tesla, Google
Tại sao phải bỏ hàng chục nghìn USD mua những chiếc Tesla đắt tiền khi bạn có thể tự biến xe của mình thành xe tự lái chỉ với 700 USD.
Những chiếc xe điện của Tesla cùng với tính năng tự lái Autopilot đã trở thành biểu tượng mới trong ngành công nghiệp ô tô thế giới. Tuy nhiên, để sở hữu một chiếc xe với những tính năng thời thượng này, bạn phải bỏ ra ít nhất 35.000 USD cho phiên bản rẻ nhất, Model 3. Ngay cả như vậy, bạn vẫn phải chờ thêm một vài năm nữa cho đến khi chúng chính thức được giao hàng.
Vậy tại sao bạn không thể tự làm cho mình một chiếc xe tự lái với những phần cứng có sẵn và phần mềm trực tuyến miễn phí? Đó là điều mà Brevan Jorgenson đã làm với chiếc Honda Civic của mình khi anh gắn cho nó một thiết bị tự chế có khả năng sử dụng camera để xác định vạch kẻ đường và các chiếc xe khác. Lắp thiết bị đó vào vị trí gương chiếu hậu, nó có thể kiểm soát phanh, tăng tốc và bẻ lái khi đi trên đường quốc lộ.
Đáng ngạc nhiên hơn, để làm nên hệ thống này, các bản thiết kế và phần mềm đều được anh tải xuống miễn phí từ Internet, cộng thêm với khoảng 700 USD để mua một số bộ phận. Chính điều này đã làm không ít người, trong đó có cả bạn gái anh phải lo lắng. “Cô ấy lo rằng nó sẽ làm hỏng chiếc xe.” Jorgenson, người vẫn đang là sinh viên sắp tốt nghiệp của Đại học Nebraska, Omaha, cho biết.
Nếu so với những đại gia công nghệ và những người khổng lồ trong ngành công nghiệp xe hơi đang tham gia vào cuộc đua xe tự lái, cũng có thể xem chiếc xe của Jorgenson như một người đi tiên phong trong lĩnh vực này, cho dù ít hào nhoáng hơn.
Nó đại diện cho một lực lượng đông đảo hơn, những người bình thường trên khắp thế giới, đang cố gắng nâng cấp chiếc xe hiện tại của mình bằng các thiết bị điện toán để chia sẻ khả năng lái xe. Không chỉ Jorgenson, Kiki Jewell, người sống tại Bay Area, cũng tự làm cho mình chiếc xe tự lái từ chiếc Chevy Bolt từ các hướng dẫn trên internet.
Cảm hứng cho những chiếc xe tự lái DIY
Cả hai dự án của Jewell và Jorgenson đều có thể trở thành hiện thực là nhờ nỗ lực từ startup Comma.ai vào tháng Mười năm ngoái. Startup tại San Francisco này đã phát triển một thiết bị giá khoảng 999 USD để có thể biến một chiếc xe hơi thông thường thành xe tự lái trên đường cao tốc và sau đó có thể tham gia giao thông trong đô thị.
Tuy nhiên, nhà sáng lập của startup này, George Hotz sau đó đã đột ngột hủy bỏ kế hoạch ra mắt sản phẩm này sau khi nhận được một bức thư với các câu hỏi về chức năng của nó từ Cục quản lý An toàn Giao thông đường cao tốc Quốc gia (NHTSA). Vào tháng Mười Một năm ngoái, anh phát hành miễn phí toàn bộ thiết kế phần cứng và phần mềm của công ty và cho biết rằng anh muốn trao quyền phát triển cho các nhà nghiên cứu và những người yêu thích chủ đề này.
George Hotz, người sáng lập của startup Comma.ai.
Cũng vào ngày Hotz phát hành trực tuyến các thiết kế của công ty, Jorgenson đã đặt mua các bộ phận cần thiết để làm nên thiết bị của Comma, chiếc Neo. May mắn còn tiếp tục mỉm cười với Jorgenson khi vô tình anh cũng có một chiếc Honda Civic 2016, một trong hai phiên bản xe hơi được hỗ trợ bởi phần mềm của công ty (loại xe thứ hai là chiếc Acura ILX 2016).
Một chiếc Neo được làm nên từ linh kiện của chiếc smartphone OnePlus 3 cùng với phần mềm Openpilot miễn phí của Comma, một bản mạch kết nối thiết bị với phần điện tử của chiếc ô tô và một hộp đựng được in bằng máy in 3D. Không có máy in 3D, Jorgenson đã sử dụng dịch vụ trực tuyến để đặt in chiếc hộp đó và tự mình hàn các bản mạch cần thiết.
Lần đầu tiên anh đặt sinh mạng của mình trong tay thiết bị đó là vào cuối tháng Một vừa qua sau một buổi học vào buổi tối. “Lúc đó trên con đường liên bang trời đã tối đen, và tôi muốn tự mình kiểm tra để nếu có gì đó xảy ra, tôi không muốn có bất cứ ai khác trên xe.” Jorgenson nói. “Nó hoạt động một cách phi thường.” Các bài kiểm tra sau đó cho thấy rằng thỉnh thoảng Neo đột ngột đánh lái sang phải không rõ lý do, nhưng một bản cập nhật phần mềm của Comma đã nhanh chóng sửa chữa lỗi này. Giờ khi hoạt động một cách đầy đủ, hệ thống có những khả năng tương tự như phiên bản đầu của Autopilot trên chiếc Tesla.
Các thiết kế và phần mềm của Comma không phải là nguồn duy nhất cho những người muốn tự mình làm nên những chiếc xe tự lái. Gần đây, Neodriven, một startup có trụ sở tại Los Angeles, cũng đã bắt đầu bán ra thiết bị Neo làm sẵn, có giá 1.495 USD và hoạt động được với phần mềm Openpilot của Comma. Nền tảng giáo dục trực tuyến Udacity cũng đã phát hành mã code được sử dụng trong chương trình nghiên cứu xe tự động của mình, và các sinh viên ở một trong những khóa học của họ đang tích cực cải thiện và mở rộng nó.
Trách nhiệm pháp lý của một chiếc xe tự lái và chủ xe
Bryan Walker Smith, một giáo sư luật tại Đại học Nam Carolina và là người tư vấn cho Bộ Giao thông Mỹ về luật và tự động hóa, cho biết các quy định của bang và liên bang có thể không gây ra nhiều rào cản cho những người thực hiện các dự án này, khi họ muốn nâng cấp chiếc xe của mình để chia sẻ trách nhiệm lái xe.
Theo ông Smith, trong khi NHTSA có thẩm quyền đối với các công ty bán ô tô và các hệ thống được sử dụng để chỉnh sửa chúng, người tiêu dùng cũng có sự linh hoạt đáng kể trong việc thực hiện các thay đổi cho phương tiện của riêng mình.
Bất kỳ ai sử dụng thiết bị Neo vẫn sẽ phải tuân thủ các đòi hỏi của bang về trách nhiệm khi lái xe. (Phần mềm Openpilot của Comma cũng giúp người lái xe chấp hành các quy định này khi nó sẽ nhắc nhở nếu họ không đụng vào tay lái sau mỗi 5 phút, và nó yêu cầu sự can thiệp của con người nếu có khó khăn về giao thông ở phía trước.) Và trong trường hợp tai nạn, một thiết bị hỗ trợ lái xe tự chế có thể chịu sự săm soi kỹ lưỡng hơn. “Chỉ bởi vì bạn có thể hoạt động hợp pháp, không có nghĩa bạn không phải chịu trách nhiệm như một công dân.” Ông Smith nói.
Ariel Núñez, một nhà phát triển phần mềm tại Barranquilla, Colombia hy vọng dự án của những nhà nghiên cứu không chuyên như anh sẽ cho thấy, những chiếc xe hiện tại có thể trở nên an toàn đáng kể như thế nào – một góc nhìn khác hẳn so với những người khổng lồ đang tập trung vào việc kết thúc sự thống trị của con người trong lĩnh vực lái xe.
Nunez sử dụng các dòng code từ Comma và Udacity để cố gắng làm chiếc Ford Fusion của mình có thể tự động đi chậm lại khi nó thấy các biển hiệu giao thông, các gờ giảm tốc hay ổ gà (anh vẫn chưa thử nghiệm phần mềm trên đường, nhưng nó đã kiểm soát được việc tăng tốc và đánh lái). “Tôi quan tâm nhiều hơn đến việc chặn các tai nạn sắp xảy ra hơn là khả năng tự lái toàn bộ.” anh cho biết. “Rất nhiều chiếc xe hiện tại có thể được trang bị thêm các tính năng này.”