Shark Việt hỏi “Startup làm gì để không bị ăn cắp ý tưởng?”, TS Lê Thẩm Dương đáp: Không phải lo, vì ý tưởng nhiều khi chỉ là ý định ngông cuồng!

20/09/2019 08:20 AM | Kinh doanh

Nhiều startup lo sợ sẽ bị người khác lấy mất ý tưởng nếu chia sẻ ra bên ngoài. Nhưng thực tế câu trả lời từ Shark Nguyễn Thanh Việt và TS Lê Thẩm Dương lại cho thấy những góc nhìn rất khác.

Trong một video đăng tải trên fanpage Shark Nguyễn Thanh Việt, vị Chủ tịch Intracom và TS Lê Thẩm Dương đã có cuộc trò chuyện ngắn cùng với nhau bên ấm trà. Shark Việt cho biết, hàng ngày ông nhận được rất nhiều câu hỏi về khởi nghiệp, từ ý tưởng kinh doanh đến vốn góp, quản lí - điều hành…

Một trong những câu hỏi ấy đã được Shark Việt mang ra hỏi TS Lê Thẩm Dương, liên quan đến vấn đề ăn cắp ý tưởng. Câu hỏi như sau: "Chào Shark, cháu mới có ý tưởng kinh doanh, cháu muốn gặp nói chuyện riêng với chú được không, vì cháu sợ nói ra với người khác sẽ bị ăn cắp ý tưởng?".

Để giải đáp, TS Lê Thẩm Dương cho biết hiện nay trong kinh tế phẳng, có 7 yếu tổ phẳng và một trong số đó là sở hữu trí tuệ. Ý tưởng cũng thuộc về sở hữu trí tuệ nên nỗi lo của người hỏi hoàn toàn hợp lý.

"Nhưng cái lo ấy chỉ đúng trong một số trường hợp khi ý tưởng thật sự là ý tưởng", ông Dương nói thêm.

Theo TS Lê Thẩm Dương, ý tưởng của startup được cấu thành từ hai yếu tố: Ý định ban đầu và sự chấp nhận của thị trường. Trong đó sự chấp nhận cửa thị trường phải được đo bằng các tài liệu kèm theo, các số liệu thống kê, minh chứng rõ ràng để cho thấy tổng cầu thị trường đang thực sự khao khát sản phẩm của startup.

"Còn không, đó không phải ý tưởng mà chỉ là ý định ngông cuồng thôi", TS Lê Thẩm Dương khẳng định.

Shark Việt hỏi “Startup làm gì để không bị ăn cắp ý tưởng?”, TS Lê Thẩm Dương đáp: Không phải lo, vì ý tưởng nhiều khi chỉ là ý định ngông cuồng! - Ảnh 1.

Shark Việt và TS Lê Thẩm Dương trong cuộc trò chuyện.

Bổ sung thêm về quan điểm trên, Shark Nguyễn Thanh Việt cho rằng khi startup có ý tưởng kinh doanh, họ cần biết phải giữ lại khâu nào mang tính cốt lõi, làm nên bí quyết riêng của mình. Còn những phần chủ đạo khác vẫn có thể chia sẻ ra với bên ngoài để thu thập thêm ý kiến.

"Có khi bạn đưa lên, người khác ném đá thì bạn mới biết rõ hơn về ý tưởng của mình. Nhiều khi phải lật đi lật lại vấn đề, nếu không nói ra thì không biết dự án của mình tốt ở đâu và ngay cả cái xấu cũng không biết được".

Trên thực tế, nhiều người trong giới khởi nghiệp cũng từng khẳng định ý tưởng chỉ là bước khởi đầu, quan trọng là khả năng thực thi và triển khai của startup. Ông Trần Anh Dũng, CEO Mog cho rằng: "Chiến lược về nguyên tắc là chia sẻ được, quan trọng nhất là khả năng thực thi". Theo ông Dũng: "Startup thành công chỉ có 1% đóng góp từ ý tưởng".

Hay như ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Le Group từng chia sẻ "Ý tưởng chỉ đáng giá 5 xu, nếu nó không được triển khai thương mại hoá. Các bạn startup hôm nay đừng vội nghĩ cứ có ý tưởng là sẽ ngay lập tức trở thành Mark Zuckerberg hay Larry Page..."

Theo cách lý giải của ông, ý tưởng dù rất quan trọng nhưng nếu chỉ là ý tưởng mà không hiện thực hóa được nó, ứng dụng được nó thì ý tưởng cũng chỉ để vứt vào sọt rác. Ông cũng cho biết có những ý tưởng của ông bị đánh cắp và xây dựng thành những dự án thực tế nhưng ông không thể đòi hỏi gì, bởi khi dừng lại ở mức độ ý tưởng thì nó "không có giá trị sử dụng".

Nhật Anh

Cùng chuyên mục
XEM