Shark Phú trần tình về tranh cãi "nhìn mặt founder để đầu tư": Nếu người đó cảm giác không bản lĩnh, không có tố chất lãnh đạo, thì ý tưởng hay đến đâu tôi cũng từ chối!

01/06/2021 16:06 PM | Kinh doanh

Trong một cuộc phỏng vấn hậu trường Shark Tank Việt Nam mùa 4, Shark Phú đã làm rõ những tiêu chí và khẩu vị đầu tư của mình.

Sau 5 tập của Shark Tank Việt Nam mùa 4, Shark Nguyễn Xuân Phú đã “đi săn” được tổng cộng 3 start-up gồm: Wiibike, Bioplast và Lock Cuff. 

Trong một cuộc phỏng vấn hậu trường Shark Tank mới đây, ông chủ Sunhouse chia sẻ 3 yếu tố quan trọng quyết định việc ông có đầu tư cho startup hay không.

“Thứ nhất là ý tưởng kinh doanh hoặc sản phẩm dịch vụ phải nêu bật được những điểm khác biệt, có thể bù đắp được những khoảng trống nhu cầu trên thị trường, hoặc phải có lợi thế cạnh tranh so với các sản phẩm, dịch vụ tương đương trên thị trường. Nếu có được điều này thì startup mới có tương lai để thành công.

Thứ hai, bản thân startup đó phải có thần thái, thể hiện được sự quyết tâm, đam mê theo đuổi mục đích, mục tiêu của mình đến cùng.

Điểm thứ ba rất then chốt, liên quan đến định giá doanh nghiệp của startup. Các số liệu tài chính như doanh thu, chi phí, lợi nhuận phải tuyệt đối chính xác. Đó là nền tảng rất quan trọng giúp nhà đầu tư tin tưởng vào startup”, Shark Phú chia sẻ và khuyên startup cần chú ý thật kỹ khi thuyết trình gọi vốn.

Shark Phú trần tình về tranh cãi nhìn mặt founder để đầu tư: Nếu người đó cảm giác không bản lĩnh, không có tố chất lãnh đạo, thì ý tưởng hay đến đâu tôi cũng từ chối! - Ảnh 1.

Đặc biệt, ông Phú cũng tiết lộ, bản thân ông rất quan tâm đến thần thái, tướng mạo và ánh nhìn của CEO hay người sáng lập.

Nếu những người đó cảm giác không bản lĩnh, không có tố chất để trở thành người lãnh đạo thì dù ý tưởng hay đến đâu tôi cũng từ chối”.

Yếu tố tướng mạo cũng là điều đã khiến Shark Phú và thương vụ với Wiibilke vướng phải nhiều ổn ào, gây nên làn sóng tranh cãi trong dư luận. Tuy nhiên, vị "cá mập" đã làm rõ thêm lý do chọn đầu tư vào startup sản xuất xe đạp trợ lực điện:

“Thực ra, tôi biết lĩnh vực xe đạp điện còn rất nhiều cản trở trên thị trường Việt Nam, đặc biệt liên quan đến môi trường xung quanh để giúp thúc đẩy việc quay lại sử dụng phương tiện ít ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, không có bắt đầu thì không có kết thúc.

Tôi cũng thấy rằng bạn nữ này (founder Nguyễn Thị Thu Hằng) có niềm khát khao rất mãnh liệt, dám bỏ việc từ môi trường ngân hàng để dấn thân vào việc kinh doanh với ý nghĩa chính đáng, mặc dù đầy rẫy những khó khăn. Tôi tin rằng với niềm quyết tâm như vậy thì khả năng startup đó thành công là cao”.

Shark Phú trần tình về tranh cãi nhìn mặt founder để đầu tư: Nếu người đó cảm giác không bản lĩnh, không có tố chất lãnh đạo, thì ý tưởng hay đến đâu tôi cũng từ chối! - Ảnh 2.

Shark Phú và founder Wiibike

Đồng thời, ông cho rằng startup này đi cùng chí hướng với Sunhouse, nên quyết định đầu tư.

Bên cạnh đó, thương vụ với Bioplast cũng gây ấn tượng khi Shark Phú cho startup vay 15 tỷ nhưng cần thế chấp 3 căn nhà, nếu startup làm tốt mới chuyển tiền thành cổ phần. 

Nhận định thêm về nhà sáng lập Bioplast, Shark Phú bày tỏ: “Bạn này đã làm và kiếm được tiền nhưng nhận thức ra các sản phẩm nhựa hiện nay đang có tác động lớn đến môi trường. Bạn ấy đã dám hy sinh số tiền lớn 16 tỷ đồng để nghiên cứu, tìm ra vật liệu nhựa sinh học để giúp phát triển môi trường. Hiện nay Sunhouse đang sử dụng rất nhiều nhựa và cũng đang mong muốn tìm kiếm nguyên vật liệu nhựa sinh học giúp sản phẩm của Sunhouse xanh và an toàn hơn cho môi trường. Đó là lý do tôi đầu tư.

Đặc biệt, bạn sáng lập dám nói rằng nếu thất bại thì sẵn sàng đem tài sản để đánh đổi, đây là sự cam kết rất quan trọng giúp tôi tự tin và quyết định đầu tư”.

Hoàng Thùy

Cùng chuyên mục
XEM