Sếp hoàn hảo là người không soi mói, biết lắng nghe và đối xử tốt với cấp dưới!
Không phải ngẫu nhiên Google dành 10 năm nghiên cứu và tìm ra những điều tạo nên một người sếp hoàn hảo để từ đó đào tạo các quản lý của công ty.
Nếu công ty của bạn có thể đào tạo hay thúc đẩy các giám đốc thực hiện 10 điều dưới đây, nhân viên công ty sẽ có niềm tin và cảm hứng để trở thành phiên bản tốt nhất của mình trong công việc.
Một công ty có thể dành ngân sách không giới hạn để tuyển dụng những nhân viên tốt nhất nhưng nếu người sếp là một kẻ ngốc thì khả năng cao là nhân viên giỏi sẽ dứt áo ra đi ngay khi có cơ hội.
Ngược lại, nếu sở hữu những người quản lý và lãnh đạo nhóm tuyệt vời, công ty sẽ khai thác được hết tiềm năng của nhân viên đồng thời khiến họ muốn gắn bó lâu dài hơn.
Trong vòng hơn 10 năm, Google đã tiến hành một nghiên cứu mang tên Project Oxygen. Mục tiêu là tìm ra điều gì tạo nên một người sếp hoàn hảo để từ đó đào tạo các quản lý của Google trau dồi và phát triển những đặc điểm đó. Nghiên cứu trên đã đem lại hiệu quả vì trong nhiều năm qua, Google đã cải thiện rõ rệt về doanh thu, sự hài lòng và hiệu suất của nhân viên.
Một điểm đáng chú ý là chuyên môn lại đóng vai trò không mấy quan trọng theo kết quả nghiên cứu. Trong khi đó, kỹ năng trí tuệ cảm xúc – khả năng hiểu và kiểm soát cảm xúc (của bản thân và nhân viên) mới là yếu tố được đánh giá cao.
Dưới đây là 10 tố chất góp phần tạo nên một người lãnh đạo hoàn hảo theo Google:
1. Là một người thầy giỏi
Thay vì giải quyết mọi vấn đề ngay khi phát sinh, một vị sếp giỏi sẽ sử dụng những vấn đề đó để làm ví dụ cho nhân viên. Họ hướng dẫn cấp dưới và chia sẻ hiểu biết cá nhân khi cần thiết. Điều này giúp nhân viên của họ có được kinh nghiệm quý giá và phát triển.
2. Trao quyền cho nhân viên và không quản lý vi mô
Theo nghiên cứu, không nhân viên nào muốn bị quản lý vi mô. Đây là cách quản lý nhân sự cực đoan với việc cấp trên luôn soi xét mọi hành động của nhân viên, đưa ra nhận xét và phê bình thay vì hướng dẫn họ về cách làm việc phù hợp.
Ngược lại, người quản lý giỏi sẽ cho nhân viên sự tự do mà họ mong muốn: Tự do khám phá ý tưởng của mình, tự do chấp nhận rủi ro một cách thông minh và tự do… phạm sai lầm. Ngoài ra, họ còn tạo ra lịch trình và môi trường làm việc linh hoạt cho nhân viên.
3. Tạo môi trường làm việc nhóm công bằng, thể hiện sự quan tâm đến thành công, sức khỏe và hạnh phúc của nhân viên
Trong một nghiên cứu khác, Google đã phát hiện ra rằng chìa khóa quan trọng nhất cho hiệu suất của nhóm là tạo ra môi trường "an toàn về mặt tâm lý".
Theo đó, trong một nhóm có độ an toàn tâm lý cao, mọi người sẽ cảm thấy an toàn để chấp nhận rủi ro, đặt câu hỏi, đưa ra ý tưởng mới và tin rằng không ai làm bẽ mặt hay trừng phạt ai vì mắc sai lầm. Hay nói cách khác, nhóm xuất sắc phát triển dựa trên niềm tin và quản lý giỏi là người xây dựng được niềm tin đó.
4. Có năng suất và định hướng kết quả
Những nhà quản lý giỏi giúp nhân viên trở nên tốt hơn. Họ làm điều đó bằng cách nêu gương và sẵn sàng xắn tay để giúp đỡ mọi người. Điều đó giúp thúc đẩy năng suất làm việc của toàn nhóm.
5. Giao tiếp tốt: Biết lắng nghe và chia sẻ thông tin
Theo Google, sếp giỏi là một người biết lắng nghe. Điều này giúp họ hiểu rõ và đồng cảm hơn với nhân viên. Bên cạnh đó, họ còn nhận thức được rằng kiến thức là sức mạnh. Đó là lý do tại sao họ minh bạch và sẵn sàng chia sẻ thông tin với nhóm của mình.
6. Hỗ trợ phát triển công việc
Các nhà quản lý giỏi thường khuyến khích nhân viên bằng cách khen ngợi chân thành và cụ thể. Dù vậy, họ cũng không ngại đưa ra đánh giá và phản hồi quan trọng để nhân viên tiến bộ.
Họ còn "đầu tư" bằng cách giúp cấp dưới đạt được mục tiêu nghề nghiệp cá nhân. Thông qua đó, họ sẽ thúc đẩy nhân viên cống hiến cho công ty một cách tự nhiên.
7. Có tầm nhìn/chiến lược rõ ràng
Một người sếp giỏi biết chính xác nhóm của mình đang ở vị trí nào, sẽ đi đâu và cần làm gì để đạt được điều đó. Ngoài ra, họ cũng đảm bảo mỗi thành viên trong nhóm hiểu được vai trò cá nhân trong việc thực hiện chiến lược.
8. Có chuyên môn
Người quản lý giỏi hiểu được công việc của nhân viên, bao gồm các nhiệm vụ và thách thức hàng ngày của họ.
Nếu được chuyển sang bộ phận mới, người quản lý sẽ dành thời gian để tìm hiểu mọi thứ được thực hiện ra sao và nỗ lực tạo niềm tin nội bộ trước khi đưa ra thay đổi hay lời khuyên cho cấp dưới.
9. Hợp tác hiệu quả
Người quản lý tồi sẽ dẫn dắt nhóm của mình theo hướng chống lại hoặc thậm chí là phá hoại các nhóm khác cùng công ty. Trong khi đó, người quản lý giỏi nhìn được bức tranh toàn cảnh, làm việc vì lợi ích chung của công ty và khuyến khích nhân viên làm điều tương tự.
10. Quyết đoán trong việc ra quyết định
Sếp giỏi không bốc đồng và là người quyết đoán. Sau khi tìm hiểu các yếu tố và xem xét quan điểm của các bên, họ sẽ thúc đẩy mọi việc tiến về phía trước, ngay cả khi điều đó đòi hỏi phải đưa ra quyết định không phải ai cũng chấp thuận. Sau đó, họ sẽ cam kết với những quyết định của mình để tạo sự tin tưởng.