Sau khi sống và chi tiêu tối giản 3 năm, cuối cùng tôi cũng hiểu vì sao mẹ tôi bận rộn làm việc nhà từ sáng đến tối
Để có một căn nhà luôn gọn gàng, mẹ tôi đã phải tiêu tốn rất nhiều công sức.
Muốn giữ cho ngôi nhà sạch sẽ, gọn gàng, thì phải dọn dẹp mỗi ngày. Nhưng trong gia đình tôi, vòng xoáy việc nhà dường như không bao giờ dừng lại. Hàng xóm của tôi luôn ngưỡng mộ mẹ tôi vì lúc nào nhà cửa cũng ngăn nắp, sạch sẽ. Nhưng thực tế, để có một ngôi nhà luôn gọn gàng, mẹ tôi đã phải bỏ ra rất nhiều công sức và gần như không bao giờ ngừng tay.
Tôi về nhà, chưa bao giờ thấy mẹ có thời gian rảnh rỗi, lúc nào cũng quay lưng lại với tôi, bận rộn với hàng đống việc không bao giờ hết.
Tôi từng tự hỏi: Làm sao mà có nhiều việc phải làm đến thế?
Mãi đến sau này, khi tôi quyết tâm thực hành lối sống tối giản, tôi mới nhận ra rằng đây là căn bệnh chung của nhiều gia đình. Hôm nay, hãy cùng điểm qua những việc nhà không bao giờ kết thúc, nhưng thực chất chỉ là do nhà bạn chứa quá nhiều đồ không cần thiết. Hãy xem thử nhà bạn có những thứ này không nhé!
Không nỡ vứt bỏ thùng carton
Trong thời đại mua sắm online bùng nổ, thùng carton là một trong những loại "rác" phổ biến nhất trong mỗi gia đình.
Mọi người thường giữ lại thùng carton để tái sử dụng hoặc bán ve chai. Nhưng theo thời gian, những thùng này càng ngày càng chất đống trong nhà.
Mẹ tôi luôn cắt, gấp gọn từng cái một, xếp chồng lại và đợi đủ số lượng mới đem đi bán. Nhưng cuối cùng, cả ngày bận rộn chỉ kiếm được chưa đến 18.000 đồng .
Nghĩ lại thì số tiền kiếm được có đáng với công sức bỏ ra không? Những thùng giấy này còn chiếm không gian sống. Vứt bỏ ngay để giải phóng nhà cửa, giảm bớt việc nhà cho chính mình!
Không nỡ vứt bỏ chai lọ cũ
Những người có thói quen tận dụng đồ cũ thường giữ lại rất nhiều chai lọ với mong muốn tái sử dụng.
Chai thủy tinh có thể dùng đựng dưa muối, nước sốt, thậm chí làm cốc uống nước. Nhưng theo thời gian, số lượng chai lọ ngày càng tăng, tủ bếp dần bị chiếm chỗ mà không dùng đến.
Mỗi lần tổng vệ sinh, mẹ tôi đau đầu vì không biết xếp chai lọ ở đâu. Khi tôi khuyên mẹ vứt bớt, mẹ tôi lại nghĩ: "Biết đâu sau này cần dùng".
Nếu một món đồ không dùng đến trong vòng 6 tháng, hãy mạnh dạn bỏ đi. Giữ lại chỉ làm chật nhà và tốn công dọn dẹp mà thôi.
Tích trữ quá nhiều túi ni lông
Hầu hết mọi người đều có thói quen giữ lại túi ni lông từ các lần mua hàng để tái sử dụng làm túi đựng rác – đây là một thói quen tốt.
Nhưng vấn đề là: có cần thiết phải giữ lại quá nhiều không?
Mẹ tôi thường cúi xuống lục tìm túi rác phù hợp giữa một đống túi chất chồng trong tủ. Nhiều túi quá nhỏ hoặc quá bẩn (đặc biệt là túi đựng hải sản, có mùi hôi), nhưng vẫn được giữ lại.
Hãy chọn lọc ngay từ đầu, chỉ giữ lại những túi sạch, phù hợp với nhu cầu. Những túi nhỏ hoặc bẩn, hãy vứt ngay để tránh bừa bộn.
Chất đống thuốc mà không kiểm tra hạn sử dụng
Một số gia đình thích tích trữ thuốc để phòng khi cần. Nhưng liệu có ai thường xuyên kiểm tra hạn sử dụng của chúng không?
Tối qua, tôi mở ngăn kéo thuốc ra xem thử, phát hiện nhiều loại thuốc đã hết hạn hơn 3 năm! Không kiểm tra kỹ nên khi cần dùng, mất rất nhiều thời gian để tìm.
Định kỳ kiểm tra thuốc, vứt bỏ những loại hết hạn, chỉ giữ lại những loại còn sử dụng được. Như vậy, mỗi khi cần, có thể lấy ngay mà không phải lục tìm!
Không nỡ vứt bỏ chậu nhựa cũ
Những chiếc chậu nhựa là vật dụng không thể thiếu trong gia đình, dùng để giặt quần áo, rửa chân, đựng nước…
Nhưng theo thời gian, số lượng chậu ngày càng nhiều, và mẹ tôi vẫn không nỡ vứt những cái cũ, dù chúng đã hư hỏng hoặc không còn sử dụng.
Những món đồ không còn giá trị sử dụng thì nên vứt bỏ ngay lập tức, đừng giữ lại rồi phải mất công sắp xếp, dọn dẹp.
Tiết kiệm quá mức dẫn đến phiền toái
Mẹ tôi có thói quen tận dụng nước thải từ máy giặt để dội toilet.
Bà phải xách từng xô nước nặng, trong khi lưng bà không còn khỏe. Dùng nước thải để dội toilet có thể phá hủy lớp ngăn mùi, khiến nhà vệ sinh bốc mùi khó chịu.
Tiết kiệm là tốt, nhưng cũng cần có giới hạn. Đôi khi quá tiết kiệm sẽ gây bất tiện cho chính mình.
Tạm kết
Những người siêng năng luôn có việc để làm, nhưng nhiều khi những việc đó là do chính họ tự tạo ra.
Nếu bạn cảm thấy việc nhà không bao giờ hết, có thể bạn đang dành quá nhiều thời gian cho những việc không cần thiết.
Hãy thực hành lối sống tối giản, mạnh dạn vứt bỏ những thứ không cần thiết để giảm bớt gánh nặng việc nhà.
Giải phóng không gian, giải phóng chính bạn!