Sau khi mất Anh, lá cờ EU sẽ có nguy cơ mất thêm 6 ngôi sao này nữa

24/06/2016 17:29 PM | Kinh tế vĩ mô

Những thành viên EU dưới đây là những nước có nguy cơ rời EU cao nhất sau khi sự kiện Brexit diễn ra.

Theo nhiều chuyên gia, việc Brexit diễn ra có thế tạo nên sự rạn nứt chính trị tại Châu Âu. Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk cảnh báo “nền văn minh Phương Tây” có thể bị đe dọa khi Anh rời Liên minh Châu Âu (EU).

Thụy Điển

Quốc gia này đã từng có động thái tương tự Anh khi từ chối gia nhập đồng tiền chung Eurozone. Đặc biệt, thể chế chính trị của Thụy Điển tương đồng đến 90% so với Anh.

Vì vậy, sự kiện Brexit đã thổi bùng lo ngại về một tình hình tương tự tại Thụy Điển, đặc biệt là khi nước này gặp khó trong việc sắp xếp hàng trăm nghìn người nhập cư vào năm 2015.

Nguy hiểm hơn, những đảng cánh hữu ủng hộ rời EU tương tự như Đảng UKIP của Anh đang ngày càng vận động tích cực tại Thụy Điển.

Hiện hầu hết người dân Thụy Điển có thiện cảm với EU, nhưng điều này có thể thay đổi sau khi cử tri Anh ủng hộ Brexit.

Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu các nhà lãnh đạo EU sẽ siết chặt hơn nữa mối quan hệ giữa các thành viên cũng như những quy định ràng buộc và tập trung quyền lực vào những thành viên chủ chốt hay tiếp tục nới lỏng chính sách và tạo sự tự so cho các nước trong khối.

Chắc chắn sau sự kiện Brexit, cử tri Thụy Điển sẽ đặt câu hỏi liệu tiếng nói của họ có quá “nhỏ bé” và không được tôn trọng nhiều như những thành viên lớn khác trong khối hay không. Nếu Thụy Điển là nước tiếp theo sau Anh, liệu EU có can thiệp hay động thái gì không cũng đang là một dấu hỏi lớn.

Đan Mạch

Tháng 12/2015, Đan Mạch đã tổ chức trưng cầu dân ý về việc có trao thêm quyền lực cho EU và giảm bớt sự tự do của chính phủ nước này hay không.

Dù cuộc trưng cầu dân ý này không có câu hỏi về việc cử tri có muốn rời EU hay không nhưng nó cũng cho thấy niềm tin vào EU trong người dân Đan Mạch đang bị ảnh hưởng.

Trên thực tế, nghiên cứu của Viện Pew cho thấy hầu hết các thành viên EU đều cho rằng tổ chức này nên có ít quyền lực hơn so với hiện nay và để các thành viên được tự do quyết định những chính sách của mình.

Hiện nhiều cử tri Đan Mạch đang lo lắng làn sóng nhập cư sẽ khiến hệ thống an sinh xã hội của nước mình bị ảnh hưởng cũng như khiến họ mất việc làm. Bên cạnh đó, việc Đan Mạch luôn là đồng minh với Anh trong các quyết định của EU do có cùng quan điểm về chính sách khiến nguy cơ rời EU của nước này không hề nhỏ.

Chuyên gia về chính trị Marlene Wind của trường đại học Copenhagen nhận đinh nếu không có Anh, Đan mẠch sẽ mất đi đầu tàu dẫn dắt lợi ích trong khối EU.

Hy Lạp

Cuộc khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp đã hết nóng và không còn được chú ý nhiều như trước đây, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng vấn đề này sẽ sớm được các phương tiện truyền thông lưu tâm trở lại.

Tờ Kathimerini của Hy Lạp mới đăng tải một bài phân tích, qua đó lo ngại tình hình nợ công của nước này cùng với sự kiện Brexit sẽ kích thích phong trào rời EU tại đây.

Việc sử dụng đồng tiền chung Châu Âu Euro khiến Hy Lạp bị phụ thuộc rất nhiều vào EU trong vấn đề giải quyết nợ công. Sự ràng buộc này khiến chính phủ Hy Lạp có ít lựa chọn và công cụ để hồi phục nền kinh tế hơn, đồng thời tạo cảm giác bị đè nén trong người dân khi phải thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” để trả nợ.

Theo hãng Teneo Intelligence, Hy Lạp từng được coi là gánh nặng của EU, nhưng có lẽ điều này sẽ thay đổi khi Brexit xảy ra và rất có thể nước này sẽ tiếp bước Anh rời nhóm.

Hà Lan

Lãnh đạo cánh hữu Geert Wilders tại Hà Lan là người ủng hộ Brexit của Anh và ông cũng hy vọng điều tương tự diễn ra ở Hà Lan. Nhà chính trị gia này đang kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý tương tự như ở Anh nhằm đưa quốc gia này rời EU.

“Nếu chúng ta muốn trở thành một quốc gia độc lập, chúng ta cần phải ngăn chặn dòng người nhập cư và sự lan rộng của Hồi giáo. Chúng ta không thể làm được điều này nếu vẫn còn ở lại EU”, ông Wilders nói.

Hungary

Thủ tướng Viktor Orban được đánh giá là nhà lãnh đạo có quan điểm không mấy thân thiện với EU. Vào tháng 5/2015, chủ tịch hội đồng EU, ông Jean Claude Juncker đã chào mừng Thủ tướng Orban bằng câu: “Xin chào, nhà độc tài” và được truyền hình trực tiếp trên tivi, qua đó tạo nên một khoảnh khắc cực kỳ khó xử cho nhà lãnh đạo này.

Mặc dù có quan điểm không mấy thân thiện với EU, nhưng ông Orban lại kêu gọi Anh ở lại liên minh này. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng động cơ của quan điểm này là do Anh đóng vai trò là đối tác thương mại lớn của Hungary trong EU.

Hiện Thủ tướng Orban đang có kế hoạch tổ chức một cuộc trưng càu dân ý tương tự như ở Anh, đặc biệt là sau quyết định gây tranh cãi của EU, qua đó cho phép người nhập cư được vào Hungary bất chấp phản đối của Nghị viện nước này.

Pháp

Pháp đang là mối nguy hiểm lớn nhất của EU sau khi Brexit xảy ra bởi 61% người dân tại đây chẳng ưa gì EU, tỷ lệ này cao gấp đối so với mức 31% của Hungary.

Pháp và Đức là hai nền kinh tế đầu tàu của EU nhưng Pháp cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề. Trong đó nền kinh tế tăng trưởng chậm và nguy cơ khủng bố cao đang khiến các nhà lãnh đạo tại Paris phải đau đầu.

Hiện rất nhiều cử tri và chính trị gia đổ lỗi cho EU và những quy định của nhóm là nguồn gốc cho những vấn đề trên tại Pháp.

Trong khi Thủ tướng Angela Merkel được cử tri ủng hộ nhờ đưa đắt nước thoáy khỏi nguy cơ suy thoái kinh tế nhờ chính sách thắt lưng buộc bụng, qua đó bảo toàn quan điểm ở lại EU thì Pháp lại ngược lại. Việc chính quyền Paris thất bại trong việc thúc đẩy kinh tế và giảm tỷ lệ thất nghiệp đã khiến cử tri bất bình, qua đó gia tăng tâm lý phản đối EU.

Thêm vào đó, việc Đức ủng hộ mở cửa cho dòng người tị nạn Syri càng khiến người dân Pháp phẫn nộ khi chính những người di cư đang khiến xã hội và kinh tế Pháp trở nên bất ổn.

Những yếu tố này đang khiến Đảng cánh hữu (NF) tại Pháp gia tăng được sự ủng hộ và nhiều khả năng sẽ giành được số ghế đáng kể trong Nghị viện vào lần bầu cử tới. Lãnh đạo NF, bà Marine Le Pen ủng hộ Brexit và cho rằng đây có thể là tấm gương cho Pháp nếu đảng của bà giành chiến thắng.

Scotland-Trường hợp đặc biệt

Quốc gia này là một trường hợp đặc biệt khi bỏ phiếu đồng ý là một phần của Liên minh Vương quốc Anh (UK) vào năm 2014 nhưng có thể chế chính trị riêng.

Trong cuộc bỏ phiếu tại Anh vừa qua, Scotland chọn ở lại EU với tỷ kệ 62% phán đối Brexit và 38% ủng hộ. Vì vậy, nước này có khả năng sẽ bỏ phiếu tách khỏi Anh nếu muốn ở lại EU.

Thủ tướng Nicola Sturgeon của Scotland cho biết hiện đang cân nhắc trước khi đưa ra quyết định cuối cùng và khả năng nước này tổ chức một cuộc bỏ phiếu nữa để tách khỏi Anh là hoàn toàn có thể.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM