Sau gần 10 năm bị nhấn chìm bởi khủng hoảng kinh tế, đây là cách quốc gia này tăng trưởng ngoạn mục khiến cả Châu Âu phải ngưỡng mộ

16/08/2017 08:58 AM | Kinh tế vĩ mô

Năm 2015, tăng trưởng của Tây Ban Nha đạt 3,2%, thuộc hàng cao nhất EU. Các nhà phân tích và giới truyền thông đều nhận định Tây Ban Nha là hiện tượng hồi phục tiêu biểu cho chính sách tái cơ cấu nền kinh tế ở Châu Âu.

Sau gần 10 năm chìm trong khủng hoảng, nền kinh tế Tây Ban Nha cuối cùng đã tăng trưởng trở lại, qua đó tạo nên một dấu hiệu tích cực mới cho khối đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) cũng như toàn thế giới.

Số liệu mới đây cho thấy nền kinh tế Tây Ban Nha đã tăng trưởng hơn 3% so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu đi lên cũng như tỷ lệ việc làm nhiều hơn. Đây là một thông tin tốt lành với không chỉ riêng người dân Tây Ban Nha mà còn với toàn thể công dân Châu Âu khi nền kinh tế khu vực này đã hứng chịu nhiều khủng hoảng trong gần 10 năm qua.

Gã khổng lồ vấp ngã

Tây Ban Nha là nền kinh tế lớn thứ 14 trên thế giới xét theo GDP danh nghĩa. Thị trường này là thành viên của Liên minh Châu Âu (EU), Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cũng như Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

Nền kinh tế Tây Ban Nha lớn thứ 5 tại Châu Âu xét theo GDP danh nghĩa, đứng thứ 12 về xuất khẩu trên thế giới và 16 về nhập khẩu theo số liệu năm 2012.

Mặc dù đứng thứ 27 trong bảng xếp hạng chỉ số phát triển con người của Liên hiệp quốc (UN) và thứ 33 về GDP bình quân đầu người của Ngân hàng thế giới (World Bank) nhưng Tây Ban Nha được coi là một quốc gia có thu nhập cao cũng như chất lượng sống hàng đầu. Theo tờ Economist, Tây Ban Nha đứng thứ 10 thế giới về chất lượng cuộc sống trên thế giới.

Khi gia nhập tổ chức EEC, tiền thân của EU, Tây Ban Nha đã là một nước khá phát triển khi GDP bình quân đầu người đạt 72% so với mức trung bình của toàn khối. Quốc gia này đã có sự hồi phục khá mạnh mẽ từ cuộc khủng hoảng đầu thập niên 1990. Đến năm 2007, GDP bình quân đầu người của Tây Ban Nha đã đạt 105% so với mức trung bình của EU.

Trong bảng xếp hạng cạnh tranh năm 2012-2013, Tây Ban Nha đứng thứ 10 trên thế giới về chất lượng cơ sở vật chất hạ tầng và thứ 5 trên toàn EU. Hệ thống tàu cao tốc tại đây được phát triển rộng khắp và chỉ đứng sau Trung Quốc về độ lớn.

Thậm chí, giới truyền thông Đức khi đó còn dự đoán Tây Ban Nha nhiều khả năng sẽ vượt Đức vào năm 2011 nếu đà tăng trưởng trên tiếp tục được giữ vững. Tỷ lệ thất nghiệp của Tây Ban Nha chỉ vào khoảng 7,6% vào năm 2006, một con số khá lý tưởng tại Châu Âu.

Dẫu vậy, nền kinh tế Tây Ban Nha khi đó phát triển không đều do tăng trưởng phần lớn phụ thuộc vào thị trường bong bóng bất động sản với lãi suất thấp, dòng vốn đầu tư nước ngoài mạnh cùng lượng lao động nhập cư cao.

Dù tăng trưởng nóng nhưng tỷ lệ lạm phát của Tây Ban Nha khi đó cũng cao kèm thị trường chợ đen tràn lan gây tổn hại đến nền kinh tế. Đặc biệt, hệ thống giáo dục của Tây Ban Nha được đánh giá là kém nhất trong số các nước phát triển của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).

Vào thời kỳ đỉnh điểm 2007, ngành bất động sản chiếm tới 16% tổng GDP và 12% tổng lao động của Tây Ban Nha. Thâm hụt thương mại của Tây Ban Nha cũng vô cùng lớn do luồng vốn đầu tư nước ngoài vào bất động sản, vốn không phải là kênh đầu tư tài sản dài hạn như mảng sản xuất.

Một trong những nguyên nhân chính khiến thị trường bất động sản Tây Ban Nha nóng quá mức là hàng triệu người nhập cư Mỹ Latinh, Đông Âu và Bắc Mỹ đổ về đây làm tăng nhu cầu nhà ở. Năm 2007, số nhà xây mới tại Tây Ban Nha bằng tổng số của Đức, Pháp, Anh và Italia cộng lại.

Hậu quả của tình trạng này là nợ hộ gia đình tăng cao do giá nhà tăng chóng mặt. Chỉ trong chưa đến 10 năm, tỷ lệ nợ hộ gia đình bình quân tại Tây Ban Nha đã tăng 300%. Đến khi cuộc khủng hoảng tài chính 2008 diễn ra, thị trường bong bóng bất động sản đổ vỡ, tỷ lệ GDP bình quân đầu người của nước này giảm xuống mức 95% so với mức trung bình của EU. Giá nhà đất tại đây đã giảm mạnh 31% ngay sau mức đỉnh năm 2008, kéo theo hàng loạt hệ lụy trong nền kinh tế.

Thậm chí Bộ trưởng kinh tế Tây Ban Nha khi đó cũng đã phải thừa nhận họ đang phải trải qua cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong hơn 50 năm qua. Thủ tướng Mariano Rajoy khi đó đã phải nhờ đến khoản cứu trợ 100 tỷ Euro của EU nhằm cứu vãn hệ thống tài chính của Tây Ban Nha.

Tại thời kỳ đỉnh điểm, tỷ lệ thất nghiệp của nước này cao tới 26% trong khi thị trường bong bóng bất động sản đổ vỡ kèm tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tất cả những thành quả từ cuộc tăng trưởng nóng thập niên 2000 bị đảo ngược. Tăng trưởng GDP bình quân của Tây Ban Nha ở mức âm 9% trong suốt giai đoạn 2009-2013.

Đứng lên lần nữa

Với những nỗ lực không mệt mỏi, chính phủ Tây Ban Nha cuối cùng đã kéo nền kinh tế ra khỏi vũng lầy từ năm 2013-2014 với chính sách tập trung cải thiện thâm hụt thương mại. Sau 30 năm thâm hụt thương mại, lần đầu tiên Tây Ban Nha có thặng dư vào năm 2013 và tiếp tục kéo dài sau đó.

Năm 2015, tăng trưởng của Tây Ban Nha đạt 3,2%, thuộc hàng cao nhất EU. Trong năm tài khóa 2014-2015, nền kinh tế Tây Ban Nha đã phục hồi lại được 85% GDP so với thời kỳ trước cuộc khủng hoảng 2008. Các nhà phân tích và giới truyền thông đều nhận định Tây Ban Nha là hiện tượng hồi phục tiêu biểu cho chính sách tái cơ cấu nền kinh tế ở Châu Âu.


Mức GDP với quý II/2008=100 điểm

Mức GDP với quý II/2008=100 điểm

Đến năm 2016, mức tăng trưởng của Tây Ban Nha tiếp tục gấp đôi tỷ lệ bình quân toàn khu vực Eurozone và nhiều tổ chức kinh tế dự đoán nền kinh tế này tiếp tục sẽ là thị trường phát triển có biểu hiện tốt nhất tại đây.

Năm 2017, nền kinh tế Tây Ban Nha đang hướng đến năm thứ 3 liên tiếp có tốc độ tăng trưởng vượt 3%. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã nâng mức dự báo tăng trưởng năm nay của Tây Ban Nha từ 2,6% lên 3,1%.

Bình quân mỗi năm Tây Ban Nha tạo thêm được 500.000 việc làm và theo chuyên gia kinh tế Luis de Guindos, GDP của quốc gia này đã vượt qua mức đỉnh của thời kỳ trước khủng hoảng 2008.

Trái ngược với đợt tăng trưởng trong khoảng 1997-2007, lần này nền kinh tế Tây Ban Nha được thúc đẩy bởi xuất khẩu khi chiếm tới 33% GDP, cao hơn mức 23% của năm 2009, thậm chí cao hơn mức 12% GDP của Mỹ, 18% GDP của Nhật Bản và 22% GDP của Trung Quốc. Năm 2013, tăng trưởng xuất khẩu của Tây Ban Nha đạt 4,2%, thuộc hàng cao nhất EU.

Bất chấp tình hình thương mại ảm đạm trong khu vực, ngành xuất khẩu của Tây Ban Nha có nhiều khởi sắc trong năm 2016 và được đánh giá là có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhanh nhất trong các thành viên của WTO.


Chi phí nhân công tại Tây Ban Nha thấp hơn nhiều nước Châu Âu (Quý II/2008=100 điểm)

Chi phí nhân công tại Tây Ban Nha thấp hơn nhiều nước Châu Âu (Quý II/2008=100 điểm)

Số liệu của Circulo de Empresarios cho thấy có khoảng 150.000 doanh nghiệp Tây Ban Nha tham gia ngành xuất khẩu, cao gấp đôi so với năm 2007. Trong khi đó, thị trường khởi nghiệp cũng được chính quyền Madrid đặc biệt chú trọng, qua đó thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển công nghệ và thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Hiện tại Tây Ban Nha đang là nhà sản xuất và xuất khẩu xe hơi lớn thứ 2 tại Châu Âu và thứ 8 trên toàn cầu. Năm 2016, ngành ô tô đóng góp 8,7% cho GDP của Tây Ban Nha và tạo công ăn việc làm cho khoảng 9% tổng lao động trên cả nước, mức cao nhất so toàn ngành.

Ngành du lịch thì phát triển mạnh trong suốt 40 năm qua và trở thành thị trường lớn thứ 2 thế giới trong khi những mặt hàng như dược phẩm, hóa chất, máy móc và các dịch vụ chuyên môn được Tây Ban Nha tập trung đầu tư để xuất khẩu.

Năm 2015, báo cáo của WEF cho thấy Tây Ban Nha là thị trường du lịch có tính cạnh tranh nhất thế giới cũng như là nước đông du khách thứ 3 toàn cầu trong năm. Thị trường này cũng đóng góp 11% cho GDP và tạo việc làm cho khoảng 2 triệu người.

Xét về mảng năng lượng, Tây Bản Nha nổi tiếng thế giới về công nghệ năng lượng sạch khi trở thành quốc gia đầu tiên sử dụng năng lượng gió trở thành nguồn cung điện chủ chốt cho cả nước vào năm 2013.

Trong khi đó, mảng nông nghiệp với nhiều đầu tư cũng có thành tựu trong vài năm qua khi đóng góp 3% GDP và 15% xuất khẩu. Năm 2012, Tây Ban Nha là nhà xuất khẩu dầu ô liu lớn nhất thế giới, chiếm 50% sản lượng toàn cầu. Năm 2014-2015, quốc gia này đứng đầu thế giới về xuất khẩu rượu vang.


Thặng dư tài khoản vãng lai (%GDP)

Thặng dư tài khoản vãng lai (%GDP)

Nhiều chuyên gia cho rằng giá dầu thấp, lãi suất không cao và đồng Euro giảm giá đã đóng góp lớn cho sự hồi phục của Tây Ban Nha. Trong khi đó, một số chuyên gia khác lại cho rằng chính sự tái cơ cấu nền kinh tế mới là nguyên nhân cho thành công này.

Ngay sau khi đắc cử vào năm 2011, Thủ tướng Rajoy đã tập trung cải cách 3 lĩnh vực chính của Tây Ban Nha là thị trường lao động, hệ thống tài chính ngân hàng và thâm hụt thương mại.

Theo đó, chính phủ giảm số ngày trả lương thất nghiệp sau khi nghỉ việc của lao động từ 45 xuống còn 33 ngày cũng như giảm các chi phí của doanh nghiệp đối với nhân công nhằm gia tăng lợi thế cạnh tranh của các công ty. Chi phí nhân công tại đây đã giảm 14% kể từ năm 2012 và hàng loạt các hãng sản xuất ô tô như Ford đã mở rộng nhà máy tại đây.

Trong khi đó, khoản vay 100 tỷ Euro đã giải cứu được ngành ngân hàng Tây Ban Nha qua cơn khó khăn nhất. Tỷ lệ nợ hộ gia đình và thị trường bất động sản cũng dần ổn định trở lại. Đóng góp của thị trường xây dựng đã giảm từ mức hơn 10% vào GDP xuống chỉ còn 5% hiện nay. Việc thực hiện thắt chặt chi tiêu và nâng thuế đã giúp làm giảm thâm hụt thương mại từ 10,6% năm 2012 xuống còn 4,3% năm 2016.

Vẫn còn khó khăn?

Mặc dù có những dấu hiệu tăng trưởng vượt bậc nhưng các chuyên gia cho rằng Tây Ban Nha vẫn còn chặng đường dài phải đi.

Mặc dù bóng bóng thị trường bất động sản và khủng hoảng khiến chính phủ phải thực hiện chính sách thắt chặt đầu tư công nhưng chính điều này cũng khiến thị trường lao động bị ảnh hưởng. Dù đã giảm mạnh nhưng tỷ lệ thất nghiệp của Tây Ban Nha vẫn cao hơn 18%. Con số này thậm chí đạt gần 39% trong giới lao động trẻ. Khoảng 4,25 triệu người tại đây vẫn đang phải vất vả tìm kiếm việc làm.


Tỷ lệ thất nghiệp của Tây Ban Nha vẫn cao

Tỷ lệ thất nghiệp của Tây Ban Nha vẫn cao

Số liệu mới nhất cũng cho thấy 57% số người thất nghiệp tại Tây Ban Nha đang tìm kiếm việc làm trong hơn 1 năm qua và 25% đã thất nghiệp từ 4 năm trở lên.

Tồi tệ hơn, khoảng 32% số học sinh Tây Ban Nha bỏ học trước khi hoàn thành cấp 3 và dù con số này đã giảm xuống chỉ còn 19% vào năm 2016 thì chúng vẫn thuộc hàng cao nhất tại EU.

Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ công của Tây Ban Nha cũng ở mức cao khi tăng hơn 100% trong 10 năm qua do phải vay mượn cứu trợ ngành ngân hàng. Số liệu cho thấy khoảng 1/4 ngân sách hiện nay của Tây Ban Nha là để giải quyết các khoản nợ công.


Tỷ lệ nợ công tăng hơn 100% tại Tây Ban Nha

Tỷ lệ nợ công tăng hơn 100% tại Tây Ban Nha

Những thống kê cho thấy Tây Ban Nha có thể sẽ cần đến 60,7 tỷ Euro để tái cơ cấu ngành tài chính ngân hàng của nước này, một con số khổng lồ cho một ngân sách eo hẹp.

Bất chấp những khó khăn trên, chính quyền Madrid vẫn tự tin rằng họ có thể đưa nền kinh tế Tây Ban Nha quay trở lại con đường tăng trưởng trước đây và không mắc phải sai lầm tăng trưởng nóng một lần nữa.

BT

Cùng chuyên mục
XEM