Sắp tới cửa hàng bán điện thoại sẽ ghi "ai phôn", điện thoại Steve Jobs trên biển quảng cáo?

11/04/2017 16:21 PM | Công nghệ

"Vì cửa hàng mình bé, nên việc thay đổi cũng dễ thôi. Mấy hôm nay, dân buôn bán cũng đang bàn nhau cách giải quyết. Cùng lắm, Apple cấm thì chúng tôi sẽ đề... "ai phôn", hoặc bán điện thoại Steve Jobs", một chủ cửa hàng chia sẻ.

Mới đây, Apple đã gửi đi thư cảnh báo một loạt các cửa hàng sử dụng trái phép hình ảnh iPhone tại Việt Nam.

Thông qua đại diện pháp lý là công ty Võ Trần, Apple Inc. nêu cụ thể đã phát hiện nhiều cửa hàng đã sử dụng các nhãn hiệu của mình mà chưa được sự đồng ý của công ty, bao gồm logo quả táo khuyết, APPLE, iPhone, App Store, Apple Store, iPad, iPod, Macbook,…

Trong thư khẳng định, đây là hành vi sử dụng bất hợp pháp, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, đồng thời Apple buộc các cửa hàng có vi phạm phải điều chỉnh thông tin trên bảng hiệu trong khoảng thời gian là 7 ngày.

Ngay sau khi thư cảnh báo này được phát đi, giới kinh doanh iPhone tại Việt Nam đã có nhiều phản ứng trái chiều.

Anh N.L, một chủ cửa hàng chuyên kinh doanh iPhone tại phố Lê Thanh Nghị, Hà Nội cho biết:

"Nghe tin này, chúng tôi thực sự rất bất ngờ. Buôn bán iPhone bao nhiêu năm nay, lần đầu tiên tôi mới thấy Apple làm mạnh như vậy. Tôi biết, việc mình dùng hình ảnh của họ là sai, nhưng cũng chẳng có cách nào khác. Thương hiệu của họ mạnh, mình vin vào bán, thực chất cũng là quảng cáo cho Apple mà".

Khi được hỏi về vấn đề, liệu các cửa hàng nhỏ lẻ như anh có ngại việc thay đổi bảng hiệu, giấy tờ kinh doanh để tránh vi phạm bản quyền, chủ cửa hàng này khẳng định:

"Nói là ngại hay lo lắng thì cũng không hẳn. Vì cửa hàng mình bé, nên việc thay đổi cũng dễ thôi. Mấy hôm nay, dân buôn bán cũng đang bàn nhau cách giải quyết. Cùng lắm, Apple cấm thì chúng tôi sẽ đề... "ai phôn", hoặc bán điện thoại Steve Jobs".

Anh N.L giải thích, vì cửa hàng quy mô giới hạn, nên khó có thể bỏ ra một khoản kinh phí cho việc làm thương hiệu. Do đó, phương án mà phần lớn các cửa hàng kinh doanh iPhone nhỏ lẻ đưa ra sẽ là biến tấu tên biển hiệu, như iPhone có thể viết thành Ai-Phone.

Bên cạnh đó, anh này cho rằng, thói quen mua sắm của người Việt cũng phần nào ảnh hưởng tới việc đặt biển hiệu của các cửa hàng. Nếu đặt tên riêng, hoặc không liên quan tới Apple, iPhone, người mua sẽ không thấy hấp dẫn. Không biết bên trong bán điện thoại gì, khách càng ngại tìm đến cửa hàng, hầu như chỉ đi ngang qua chứ không mua.

Nhưng điều khiến các cửa hàng lo lắng nhất lại là khía cạnh này

Anh Q.T, chủ một cửa hàng chuyên kinh doanh iPhone tại phố Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết, vấn đề về biển hiệu, giấy tờ là một chuyện. Cái đáng lo từ thông điệp được Apple gửi đi là đơn vị này còn cảnh báo "các cửa hàng kinh doanh hàng hóa mang các nhãn hiệu của Apple nhưng không phải là hàng chính hãng cũng bị coi là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ".

Theo chủ cửa hàng này, phần lớn các đơn vị nhỏ lẻ kinh doanh iPhone tại Việt Nam đều bán ra "hàng xách tay" - nghĩa là sản phẩm vẫn do chính Apple bán ra, nhưng không phải được mua ở thị trường Việt Nam, có thể là Singapore, Hong Kong, Mỹ, Nhật...

Nhờ mua từ nước ngoài và đưa về Việt Nam, iPhone xách tay rẻ hơn khoảng 10% so với hàng phân phối chính ngạch, thường được bán trong FPT Shop hay Thế Giới Di Động. Vì lẽ đó, người Việt sẽ dễ tiếp cận với iPhone hơn.

Tất nhiên, khi mua iPhone xách tay, khách hàng sẽ phải chấp nhận không được bảo hành chính hãng Apple, mà nhận chế độ bảo hành trực tiếp từ chính cửa hàng bán ra. Mà theo anh Q.T nói là "được cái nọ, sẽ mấy cái kia".

Thế nhưng, chủ cửa hàng này cho rằng, không thể vì mác "xách tay" mà Apple coi đây là hàng không chính hãng. Bởi cuối cùng, iPhone vẫn là do Apple sản xuất và bán ra. Hạn chế nguồn hàng xách tay ở Việt Nam cũng đồng nghĩa Apple đang tự "chặt chân, chặt tay" mình.

Và ai cũng biết, để hình thành một thị trường bán lẻ iPhone đa dạng chủng loại như vậy cần rất nhiều năm để tạo dựng, nhưng để đập bỏ thì rất nhanh...

Chu Lang

Cùng chuyên mục
XEM