Sắp tới, bầu Đức sẽ chế biến cả thịt và trồng cây ăn quả
Việc trồng cây ăn quả của Hoàng Anh Gia Lai nằm trong chiến lược "lấy ngắn nuôi dài", trong bối cảnh khoản nợ của công ty hơn 28.000 tỷ đồng, thanh khoản gặp khó khăn.
Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai mới đây đã thông báo về việc thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do bổ sung ngành nghề.
Theo đó, Hoàng Anh Gia Lai bổ sung 4 ngành nghề mới, gồm: Trồng cây ăn quả; Hoạt động dịch vụ trồng trọt; Chế biến, bảo quản thịt và các sản phẩm từ thịt; Chế biến và bảo quản rau quả.
Đối với ngành nghề "Trồng cây ăn quả", Hoàng Anh Gia Lai sẽ được phép trồng các loại như nho, xoài, cam, quít, táo, mận, nhãn, vải, chôm chôm, các loại quả có múi, các loại có hạt...
Việc xin cấp bổ sung ngành nghề hoạt động kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai diễn ra sau khi tỉnh Gia Lai đồng ý cho HAGL chuyển đổi tổng cộng gần 685ha đất trồng cỏ sang trồng cây ăn quả để cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy chế biến của Tập đoàn.
Cụ thể, công ty Bò sữa Tây Nguyên được chuyển đổi 196ha đất và Công ty Chăn nuôi Gia Lai được chuyển đổi 489ha đất.
Bước đi này của Hoàng Anh Gia Lai nằm trong chiến lược "lấy ngắn nuôi dài" được đề cập trong báo cáo thường niên, cùng với đó là việc bắt đầu khai thác chế biến cọ dầu, tạo thêm dòng tiền để trang trải hoạt động cho công ty. Hiện nay, Hoàng Anh Gia lai đang chìm trong nợ nần với khoản nợ 28.000 tỷ đồng và gặp rắc rối về thanh khoản do giá cao su giảm mạnh. Điều này khiến các ngân hàng chủ nợ của bầu Đức đã phải họp bàn cách tháo gỡ khó khăn cho công ty.
Tính từ đầu năm đến nay, 3 loại cây mà bầu Đức trồng gồm cao su, cọ dầu và đường đều tăng giá. Tuy nhiên, trong 2 tháng gần đây, chỉ còn đường giữ được đà tăng, trong khi giá cao su đã chững lại còn giá cọ dầu đột ngột giảm mạnh trong tháng 6. Đây sẽ là tín hiệu không vui cho cây trồng của bầu Đức khi quý III này Hoàng Anh Gia Lai bắt đầu thu hoạch và chế biến cọ dầu tại Campuchia.